Bên cạnh Gia Cát Lượng, Tào Tháo, tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của tác giả La Quán Trung cũng đề cập đến những nhân vật kiệt xuất khác thời Tam quốc như Quan Vũ, Tôn Quyền, ngũ hổ tướng Thục Hán… Loạt bài này sẽ làm rõ những tình tiết hư cấu trong tiểu thuyết cũng như khai thác yếu tố mà Tam quốc diễn nghĩa không đề cập đến.
Theo trang mạng Qulishi, trong giai đoạn xây dựng uy danh thời Tam quốc, Quan Vũ hết gây xích mích với Tôn Quyền, lại thể hiện thái độ đối với Lưu Bị, Gia Cát Lượng, còn khước từ lòng tốt của Tào Tháo.
Điều này khiến cho các học giả Trung Quốc sau này nhận định, cả 3 thế lực Thục Hán, Đông Ngô và Tào Ngụy đều hiểu rõ, Quan Vũ không chết thì đại cục không thể yên ổn.
Khước từ Tào Tháo
Bất đắc dĩ quy hàng Tào Tháo, Quan Vũ được đối đãi hết sức nồng hậu. Quan Vũ được phong làm "Hán Thọ đình hầu". Chức tước này trên danh nghĩa là Hán Hiến Đế sắc phong, nhưng thực chất là do chủ ý của Tào Tháo.
Quan Vũ hết sức coi trọng chức tước này. Vì trong mắt một người trung quân, phục Hán, đây là bằng chứng cho thấy Quan Vũ bắt đầu bước chân vào hàng ngũ quan lại của nhà Hán.
Sau này, Quan Vũ nhất quyết quay về với Lưu Bị, thậm chí còn “qua 5 ải, chém 6 tướng" Tào. Nhưng nếu có ở lại với Tào Tháo, tư tưởng trung quân, phục Hán cùng tính cách kiêu căng, ngạo mạn cũng sẽ sớm hại chết Quan Vũ.
Cái chết của Tuân Úc là minh chứng rõ ràng nhất cho điều này, các học giả Trung Quốc phân tích. Tuân Úc là mưu sĩ sớm nhất của Tào Tháo, luận về tài năng chỉ đứng sau Quách Gia.
Sinh thời, mưu sĩ họ Tuân xuất thân từ gia tộc "tứ thế tam công" (bốn đời làm quan to), địa vị vốn cao hơn Tào Tháo rất nhiều. Bởi vậy, khi được Tuân Úc đầu quân, Tào càng có được sự ủng hộ của cả nhà họ Tuân, thế lực và địa vị nâng cao không ít.
Tuân Úc tận tâm, trung thành, lập nhiều công trạng, được Tào Tháo rất mực trọng dụng, kính nể. Nhưng càng về sau, Tuân Úc càng lộ rõ mục đích đi theo Tào Tháo để trợ giúp cho nhà Hán. Trong khi đó, Tào Tháo chỉ muốn chấm dứt một triều đình bù nhìn để xưng đế. Kế hoạch này sớm muộn bị Tuân Úc phát hiện.
Từ chỗ là mưu sĩ thân cận, Tuân Úc công khai đứng ra phản đối Tào Tháo. Kết quả là mưu sĩ tài ba này bị Tào ban cho một chén rượu độc mà chết tức tưởi.
Không bằng lòng với Lưu Bị
Trở về Thục Hán, Quan Vũ lẽ ra không nên nhắc đến chức “Hán Thọ đình hầu“ để tránh làm Lưu Bị không vui.
Nhưng bởi tình tính ngạo mạn, kiêu căng, Quan Vũ vẫn nhiều lần tự xưng tước vị mà Tào Tháo ban cho. Quan Vũ coi đây là vinh dự thì Lưu Bị có thể nghĩ huynh đệ mình đã trúng kế thị uy của Tào Tháo.
Theo các nhà học giả Trung Quốc, bất hòa giữa hai huynh đệ từng uống máu ăn thề dần lên đến đỉnh điểm. Nếu Lưu Bị chết, Quan Vũ là ứng cử viên sáng nhất để nắm quyền lực Thục Hán.
Trong khi đó, nếu Lưu Bị giết Tào thành công, Quan Vân Trường sợ rằng kẻ tiếp theo phải rơi đầu sẽ chính là mình.
Đến khi chiếm Tây Xuyên, cả Gia Cát Lượng, Pháp Chính và nhiều người khác đều cật lực khuyên Lưu Bị xưng đế. Nhưng Lưu Bị một mực cự tuyệt, chỉ muốn làm Hán Trung Vương.
Điều này khiến cho Quan Vũ trong lòng vô cùng bất mãn. Quan Vân Trường cho rằng, danh xưng ấy không được Hán Hiến Đế phê chuẩn, không được công nhận, là hành động phản nghịch.
Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung miêu tả chi tiết vụ việc này. Khi Phí Y mang theo chiếu bổ nhiệm của Lưu Bị tới Kinh Châu, Quan Vũ ngang nhiên hỏi: "Hán Trung Vương phong cho ta tước gì?"
Thái độ của Quan Vũ tỏ rõ sự bất mãn, khác hẳn với lúc được Tào Tháo phong làm "Hán Thọ đình hầu".
Khi nghe tới việc mình được phong chức đứng đầu trong "ngũ hổ thượng tướng", Quan Vũ càng thêm giận dữ, miễn cưỡng tiếp nhận.
Phí Y đã đem toàn bộ sự tình tâu lại với Lưu Bị và Gia Cát Lượng. Đó là lúc mà Quan Vũ trở thành “cái gai” trong mắt Gia Cát Lượng.
Nếu để Quan Vũ vào Tứ Xuyên, khó tránh khỏi xích mích, dẫn đến huynh đệ tương tàn. Ngược lại, trấn thủ Kinh Châu, Quan Vũ có thể dâng thành cho Tào Ngụy bất cứ lúc nào.
Nhục mạ Tôn Quyền
Trong khi đó, Tôn Quyền ở Đông Ngô “đứng ngồi không yên”, bởi Quan Vũ trấn Kinh Châu, bất cứ lúc nào cũng có thể tiến đánh xuống nước Ngô.
Tôn Quyền bèn dùng kế, sai sứ giả tới xin Quan Vân Trường gả con gái cho con trai mình, thể hiện lòng muốn thắt chặt quan hệ Ngô-Thục.
Nhưng Quan Vũ vốn ngạo mạn, tự phụ và không có tầm nhìn xa nên rất coi thường Tôn Quyền. Quan Vũ không hề biết rằng, làm tổn hại quan hệ Thục-Ngô cũng sẽ phá tan chiến lược “Long Trung đối sách” mà Gia Cát Lượng đề ra.
Vì vậy, Quan Vũ mắng chửi sứ giả hết lời, thậm chí còn có ý nhục mạ Tôn Quyền khi nói: “Hổ nữ sao có thể gả cho khuyển tử”.
Có thể nói, Quan Vũ đã phạm sai lầm chết người khi thẳng thừng gây hấn với Tôn Quyền, bởi xét về vai vế, Tôn Quyền đứng ngang hàng với Lưu Bị.
Tôn Quyết biết tin, tỏ ra hết sức tức giận, một mặt nhẫn nhịn chờ thời, mặt khác bắt đầu xây dựng mối quan hệ giao hảo với Tào Ngụy.
Quan Vũ chết là điều tất yếu
Trên thực tế, bản thân Quan Vũ trong giai đoạn này có lẽ cũng hết sức đau đầu. Bởi Lưu Bị dù khởi binh khôi phục Hán triều, nhưng lại tự ý xưng vương khi chưa có sự đồng ý của Hán Hiến Đế. Nếu theo Tào Tháo, Quan Vũ sớm muộn cũng chứng kiến cảnh nhà Hán diệt vong.
Trong bối cảnh đó, Gia Cát Lượng để Lưu Bị phong Quan Vũ làm Tiền Tướng quân, khởi binh đánh Tương Dương.
Quan Vũ dù không giỏi mưu lược nhưng cũng hiểu rằng, đánh Tương Dương chẳng khác nào tấn công Tào Tháo trong khi Tôn Quyền ở phía sau sẵn sàng “đâm sau lưng” bất cứ lúc nào.
Trước có Tào Tháo, sau có Tôn Quyền, Quan Vũ biết mình đang dấn thân vào chỗ chết.
Một số học giả Trung Quốc phân tích, nếu may mắn có thể diệt được Tào Tháo, Quan Vũ sẽ lập công, chấn hưng nhà Hán. Nếu không may thì sẽ bại trận mà chết. Cả hai con đường ấy đều không vi phạm tư tưởng trung quân, phục Hán, nên Quan Vũ chấp nhận dẫn quân lên đường.
Có một điều mà Quan Vũ không ngờ, đó là mối quan hệ của ông với các tướng lĩnh dưới quyền cũng xấu đi nhanh chóng. Đến khi rơi vào bế tắc trong chiến dịch đánh Tương Dương-Phàn Thành, Quan Vũ không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào, lại bị quân Đông Ngô đánh úp, buộc phải rút chạy về Mạch Thành
Quan Vũ thất thủ Mạch Thành là điều tất yếu, bị quân Ngô bắt sống. Quan Vũ kiên quyết không hàng Ngô và chỉ còn đường nhận lấy cái chết.
Có thể nói, Quan Vũ đã đạt được tâm nguyện khi hi sinh tính mạng để bảo vệ lý tưởng. Cái chết của Quan Vũ thể hiện vận mệnh của nhà Hán đã hết, báo hiệu sự diệt vong.