Đệ nhất phu nhân Trung Hoa Dân quốc chuyển toàn bộ quyền quản lý tài sản của mình cho người cháu trai là Khổng Lệnh Khản. Vào thời điểm đó, nhà họ Khổng đã mua một căn hộ trị giá 1,5 triệu đô la tại Mỹ.
Cho tới tận trước khi Tưởng Giới Thạch qua đời vào năm 1975, cứ khoảng vài tháng, Tưởng Giới Thạch lại đưa cho Tống Mỹ Linh một tờ ngân phiếu. Sau này, khi Tưởng Kinh Quốc - con trai trưởng của Tưởng Giới Thạch - trở thành người nắm giữ quyền làm chủ gia đình, thông lệ đó vẫn được duy trì một cách đều đặn. Tháng 10.1983, nhận lời thỉnh cầu của Tưởng Kinh Quốc, Tống Mỹ Linh quay trở lại Đài Loan và hoạt động một cách tích cực, giúp đỡ Tưởng Kinh Quốc vận động những vị lãnh đạo kỳ cựu trong chính quyền và quân đội Quốc dân đảng giúp người con riêng của chồng hóa giải những khó khăn của việc cải cách nội bộ Quốc dân đảng.
Tháng 1/1988, đến lượt Tưởng Kinh Quốc cũng qua đời, chính Tống Mỹ Linh là người đứng ra lo việc hậu sự. Nhưng cũng sau cái chết của Tưởng Kinh Quốc, Tống Mỹ Linh quyết định rút lui khỏi chính đàn về “ở ẩn” tại một biệt thự ở Đài Bắc.
Sau khi Tưởng Kinh Quốc qua đời, người thay thế là Lý Đăng Huy - vị tổng thống đầu tiên của Trung Hoa dân quốc - là người gốc Đài Loan. Người ta nói rằng, sau khi lo xong hậu sự cho Tưởng Kinh Quốc, Tống Mỹ Linh tới gặp Lý Đăng Huy và thẳng thắn đưa ra yêu cầu: “Anh biết đấy, khi Tưởng Kinh Quốc còn sống, phủ Tổng thống mỗi tháng đều cho tôi một khoản kinh phí nhỏ. Hiện tại, Tưởng Kinh Quốc đã mất, không biết anh còn cấp cho tôi khoản kinh phí này nữa không?”. Đương nhiên, ngoài khoản kinh phí nhỏ nói trên, Tống Mỹ Linh theo luật vẫn được hưởng sự đãi ngộ như một cựu phu nhân tổng thống.
Với yêu cầu này của Tống Mỹ Linh, Lý Đăng Huy đương nhiên cũng chẳng phải khó khăn gì để đáp ứng. Tuy nhiên, người ta nói rằng, cuộc sống của Tống Mỹ Linh ở Mỹ sau này hoàn toàn không chỉ dựa vào khoản kinh phí mà chính quyền Đài Loan cấp cho bà hàng tháng mà dựa vào số tài sản bí mật của gia tộc họ Tưởng.
Tờ “Thời báo” của Đài Loan từng viết rằng, khi Tống Mỹ Linh mới tới định cư tại Mỹ, dường như không còn bất cứ tài sản nào dưới tên bà nữa. Điều này có lẽ phù hợp với tình hình lúc bấy giờ, bởi lẽ từ đó về sau, cuộc sống của Tống Mỹ Linh gần như dựa vào kinh tế của gia đình chị gái Tống Ái Linh. Tống Mỹ Linh không còn muốn quản lý chuyện tiền bạc nữa. Vậy, trong những năm tháng sống trên đất Mỹ, Tống Mỹ Linh sống nhờ khoản tiền nào, mỗi năm tổng số thu nhập của cựu “đệ nhất phu nhân” họ Tống là bao nhiêu?
Thực tế, vào năm 1972, sau khi thất bại với bài phát biểu về mối quan hệ Đài - Mỹ, Tống Mỹ Linh cảm thấy rằng mình không còn làm được gì để bảo vệ mối quan hệ giữa nước Mỹ và Đài Loan được nữa. Vì vậy, bắt đầu từ thời điểm đó, Tống Mỹ Linh đã dồn mọi sức lực của mình để chuyển sang kinh doanh. Tống Mỹ Linh rót tiền vào lĩnh vực dầu khí, khí gas thiên nhiên.
Năm 1984, theo một báo cáo nhanh của hãng thông tấn quốc tế UPI, Tống Mỹ Linh đầu tư 5 triệu USD và ký hợp đồng với công ty Philip Petroleum ở bang Texas để thăm dò dầu khí ở gần New Mehico. Nhưng trên thực tế, người đứng đằng sau thương vụ này là Khổng Lệnh Kiệt - con trai thứ của Tống Ái Linh và Khổng Tường Hy. Khổng Lệnh Kiệt đã mượn tạm danh nghĩa của dì để tăng thêm uy tín và cơ hội thành công cho việc làm ăn của mình. Hơn nữa, họ Tống và Khổng là người một nhà.
Tháng 4/1975, Tưởng Giới Thạch qua đời. Nửa năm sau đó, Tống Mỹ Linh tới nước Mỹ dưỡng bệnh. Sau đó, bà còn nhiều lần tới Mỹ. Lần tới Mỹ đầu tiên đó, Tống Mỹ Linh ở tại căn biệt thự cũ của nhà Khổng Tường Hy ở New York. Người ta nói rằng, lần đó, chỉ tính riêng hành lý của Tống Mỹ Linh cũng phải phân thành ba chuyến máy bay mới vận chuyển được hết. Tuy nhiên, lần thứ hai rời Đài Loan tới Mỹ vào năm 1991, số hành lý của Tống Mỹ Linh chỉ vỏn vẹn có 97 chiếc va li.
Căn nhà hai tầng ở Long Island mà Tống Mỹ Linh sống trong thời gian này cho tới năm 1998 thì được bán đấu giá với giá lên tới 3 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên, sau khi mua lại căn nhà, người mua đã tiết lộ rằng, họ mua căn nhà là vì thích những bức tranh và đồ vật cổ trong nhà. Theo tính toán thì chỉ riêng số tranh vẽ và đồ cổ này cũng đã có giá trị hơn hẳn số tiền mà họ bỏ ra mua. Ngoài ra, căn nhà mà Tống Mỹ Linh sống những năm cuối đời ở Manhattan cũng đều thuộc sở hữu của nhà họ Khổng.
Như vậy, vào thời điểm Tống Mỹ Linh rời Đài Loan sang Mỹ định cư vào năm 1991, dường như gia sản đứng tên bà đã hoàn toàn “không cánh mà bay”. Vì vậy, có thể khẳng định rằng, cuộc sống những năm cuối đời của Tống Mỹ Linh hoàn toàn dựa vào số tiền mà chính phủ Đài Loan cấp cho cựu phu nhân tổng thống theo luật định và sự trợ giúp của gia đình họ Khổng.
Vào tháng 5/1978, sau khi Tưởng Giới Thạch qua đời, chính quyền Đài Loan đã cho ban hành “Biện pháp thực hiện điều lệ đãi ngộ với tổng thống tiền nhiệm”.
Trong quy định này có ghi rõ, với những phu nhân của tổng thống tiền nhiệm, ngoài việc được tham gia những buổi lễ lớn của chính quyền còn được cấp 2 chiếc xe và 2 lái xe, 3 - 4 người trợ lý xử lý công việc và số tiền chi phí. Ngoài ra, những cựu phu nhân tổng thống cũng được đài thọ toàn kinh phí cho một bác sĩ riêng và tất cả các cuộc kiểm tra sức khỏe.
Theo quy định này thì dù Tống Mỹ Linh ở Đài Loan hay ở Thượng Hải thì toàn bộ số tiền chi trả cho việc chữa bệnh đều do chính quyền Đài Loan chi trả.
Vì vậy, mặc dù Tống Mỹ Linh đã sang Mỹ cư trú, song trước khi Tống Mỹ Linh qua đời vào năm 2003, chính quyền Đài Loan vẫn phái 6 nhân viên chăm sóc sức khỏe riêng cho Tống Mỹ Linh sang sống tại Mỹ. Mỗi tháng, tiền lương của 6 nhân viên này là 50 ngàn tệ, thêm vào các khoản tiền nhân các dịp lễ Tết, mỗi năm ít nhất phải 6 triệu tệ. Do vậy, riêng số tiền dành cho việc chăm sóc Tống Mỹ Linh mỗi năm ít nhất cũng phải lên tới 2,5 triệu Nhân dân tệ.
Tuy nhiên, một tờ báo của Hồng Kông vào tháng 12/2003, nhân ngày mất của Tống Mỹ Linh, đã cho đăng tải bài viết có tên “Chuyện tình xuyên thế kỷ của Tống Mỹ Linh”.
Trong bài viết này có đoạn viết: “Phu nhân Tưởng Giới Thạch Tống Mỹ Linh qua đời năm 106 tuổi, một tuổi thọ mơ ước của nhiều người. Khổng Lệnh Nghi - người cháu gái đã tận tâm chăm sóc cho dì của mình trong suốt những năm cuối đời - khi trả lời phỏng vấn báo chí đã nói rằng: Từ khi tới New York vào năm 1991, hơn 20 năm, Tống Mỹ Linh chỉ hỏi cô một lần duy nhất về tiền, rằng: “Tiền có đủ dùng không?”
Khổng Lệnh Nghi đáp: “Cô yên tâm, đủ dùng”. Từ đó về sau, Tống Mỹ Linh không bao giờ đề cập tới chuyện tiền nong nữa. Sau khi Tống Mỹ Linh chết, chỉ để lại số tiền 120 ngàn đô la Mỹ gửi tiết kiệm trong ngân hàng. Tống Mỹ Linh khi còn sống không để lại bất cứ dặn dò hay di chúc nào, cũng không giao phó chuyện hậu sự của mình cho ai, giống hệt như người chị cả Tống Ái Linh của mình”.
Tuyên bố của Khổng Lệnh Nghi khiến nhiều người tỏ ra nghi ngờ. Thậm chí nhiều tờ báo Đài Loan còn chỉ trích cô cháu họ Khổng, cho rằng đã bưng bít, hòng chiếm đoạt số tài sản của người dì ruột. Tuy nhiên, như đã nói, theo những tài liệu đáng tin cậy nhất thì cho tới khi Tống Mỹ Linh sang Mỹ định cư vào năm 1991, dường như không còn bất cứ tài sản nào dưới tên bà. Và cuộc sống của Tống Mỹ Linh hoàn toàn dựa vào số tiền chính quyền Đài Loan chi trả và sự giúp đỡ của gia đình họ Khổng. Vậy số tài sản khổng lồ của Tống Mỹ Linh đã biến đi đâu? Cho tới nay, đây vẫn là câu hỏi khiến rất nhiều người băn khoăn.
Manh mối duy nhất mà người ta nắm được cho tới thời điểm hiện tại về số tài sản của Tống Mỹ Linh chính là sự kiện xảy ra vào năm 2006, ba năm sau ngày bà qua đời. Vào thời điểm đó, theo báo chí Nhật Bản, có hai người Nhật Bản tuyên bố họ được giao quyền quản lý số tài sản kếch xù của Tống Mỹ Linh.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, không có ai tin họ. Tiếp đó, vào ngày 6/3/2006, hai người Nhật Bản này nói với bạn bè của họ rằng muốn được chuyển nhượng lại quyền quản lý tài sản của Tống Mỹ Linh cần phải có 80 triệu Yên để làm tiền đảm bảo. Vì vậy, cả hai người đã mang 80 triệu Yên sang Thái Lan. Tuy nhiên, vào ngày 28/3, một công nhân Thái Lan đã phát hiện ra xác hai người Nhật Bản này tại một công trình xây dựng ở ngoại ô Thái Lan. Sau khi cảnh sát Thái Lan tiến hành điều tra, số tiền 80 triệu Yên đã không cánh mà bay. Manh mối duy nhất về số tài sản khổng lồ của Tống Mỹ Linh đã bị chôn vùi cùng với cái chết của hai người Nhật Bản xấu số.