Trong 18 tháng, Ludwik Fleck – một nhà sinh học người Do Thái đã khôn khéo vượt qua sự giám sát của Đức quốc xã để đưa những liều vắc-xin phòng sốt phát ban “dởm” cho những tên lính phát xít ở chiến trường, đồng thời chuyển vắc-xin “xịn” cho những người Do Thái sống tại các trại tập trung của Đức quốc xã. Đây được coi là một trong những cú lừa ngoạn mục nhất trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Cuối năm 1942, quân đội phát xít Đức gặp khủng hoảng tại mặt trận phía Đông bởi căn bệnh sốt phát ban do rận. Những triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải là đau đầu, sốt cao, rét run, đau mình mẩy và kiệt sức, tỷ lệ tử vong từ 10 – 40%. Căn bệnh này lây lan ở những vùng khí hậu lạnh với điều kiện sống thấp, kém vệ sinh và chấy rận phát triển.
Joachim Mrugowsky, người đứng đầu Viện vệ sinh dịch tễ của phát xít Đức ở Berlin, đã lập kế hoạch sản xuất vắc-xin phòng bệnh. Tuy nhiên, máy bay ném bom của Anh đã phá hủy trụ sở cơ quan làm việc của Mrugowsky vào năm 1942 khiến ông ta quyết định điều chế vắc-xin này tại trại tập trung Buchenwald. Mrugowsky cho rằng bom của quân đồng minh sẽ không thể tấn công vào đó.
Những tù nhân Do Thái có kinh nghiệm về sinh học, dịch tễ học tại các trại tập trung đã bị triệu tập vào đội ngũ sản xuất vắc-xin, bởi các nhà khoa học của Đức quốc xã sợ phải tiếp xúc khi tiến hành nghiên cứu căn bệnh bắt nguồn từ rận này.
Trước khi Chiến tranh Thế giới thứ hai bắt đầu, Mỹ cũng đã nghiên cứu vắc-xin phòng chống sốt phát ban do rận, tuy nhiên Đức quốc xã không thể tiếp cận được loại vắc-xin đó. Vậy là ngày 11/12/1942, Mrugowsky quyết định sản xuất vắc-xin được nhà khoa học người Pháp Paul Giroud và các đồng nghiệp khác phát triển tại Viện Pasteur ở Paris. Loại vắc-xin này được điều chế từ virus rickettsia, tác nhân gây ra bệnh sốt phát ban do rận. Mrugowsky đã viết rằng: “Loại vắc-xin này đã được thử nghiệm trong các tù nhân tại trại tập trung và cho kết quả hết sức thuyết phục”.
Tiếp đó, bác sĩ Erwin Ding – Schuler, một sĩ quan còn ít kinh nghiệm nhưng nhiều tham vọng, là cấp dưới của Mrugowsky, đã được lựa chọn để phụ trách việc sản xuất vắc-xin. Ông này bắt đầu rà soát các nhà khoa học là tù nhân tại các trại tập trung. Trong những người bị triệu tập có nhà sinh học Ludwik Fleck, là người Do Thái tại Ba Lan.
Fleck từng là cựu trợ lý của Rudolf Stefan Weigl (1883 – 1957), nhà động vật học đã nghiên cứu và bước đầu đã phát triển được loại vắc-xin phòng bệnh sốt phát ban do rận vào năm 1930 tại thành phố Lwow của Ba Lan (nay là thành phố Lviv thuộc Ukraine). Năm 1943, Fleck bị bắt tới trại tập trung Auschwitz, tuy nhiên vì có kiến thức về vi khuẩn học nên đến tháng 12/1943, ông được chuyển tới trại tập trung Buchenwald để tham gia dự án sản xuất vắc-xin nói trên.
Việc điều chế vắc-xin gặp nhiều khó khăn hơn viễn cảnh mà phát xít Đức đã vạch ra. Ding – Schuler ngay từ đầu đã phải “đánh vật” với các vấn đề vượt quá cả sự hiểu biết của ông ta trong khi trên thực tế, các nhà khoa học đôi khi cũng phải trải qua nhiều vướng mắc ngay cả khi họ được thực hiện nghiên cứu trong điều kiện tốt nhất như ở Viện Pasteur.
Nhưng Ding – Schuler lại quá sốt sắng, chính vì vậy, ngay khi nhóm sản xuất vắc-xin được thành lập, ông ta đã muốn có kết quả thật sớm. Mẫu vắc-xin đầu tiên “ra lò” vào Giáng sinh năm 1943 nhưng không thành công. Cũng vào thời điểm này, Ludwik Fleck bắt đầu tham gia nhóm sản xuất vắc-xin tại Buchenwald.
Khi bắt tay vào công việc, Fleck lập tức phát hiện một lỗi nghiêm trọng do các tù nhân khác trong nhóm tạo ra. Vì một lý do chưa được làm sáng tỏ, vi khuẩn mà họ cho là rickettsial dưới kính hiển vi thực ra là tế bào bạch cầu của thỏ.
Khi Fleck phản ánh lỗi này với các đồng nghiệp, những tù nhân khác đã thuyết phục ông không thông báo sự việc cho Ding – Schuler. Và sau đó, Fleck quyết định cùng với nhóm điều chế tạo ra hai loại vắc-xin: Một loại không hề có giá trị được chuyển ra chiến tuyến cho quân Đức. Loại thứ hai tuy được sản xuất với số lượng nhỏ nhưng rất hiệu quả được sử dụng để tiêm cho các tù nhân Do Thái trong trại tập trung.
Ding Schuler không hề biết gì về sự việc này, bởi ngay từ đầu, ông ta đã bị hổng kiến thức và không bao giờ quan tâm vào quá trình sản xuất vắc-xin. Ông ta phụ thuộc hoàn toàn vào báo cáo của nhóm sản xuất cung cấp cho ông ta. Fleck từng hồi tưởng lại, cứ gửi được vắc-xin đến Berlin là Ding Schuler đã mừng quýnh. Trong khi đó, các bác sĩ khác của phát xít Đức tại trại Buchenwald thì thiếu kinh nghiệm chuyên môn về vắc-xin và bệnh truyền nhiễm. Fleck sau này kể lại: “Họ chỉ nhìn vào kính hiển vi và cứ tiếp tục như vậy nhầm lẫn về cái mà họ nhìn thấy. Lỗi lầm này không phải là của cá nhân mà nó phát triển trong môi trường tập thể”.
Khi quân đội Đức tiếp tục ốm yếu ở mặt trận và thiệt mạng rất nhiều vì sốt phát ban, các chỉ huy Đức quốc xã tỏ ý nghi ngờ thì nhóm tù nhân sản xuất vắc-xin trao cho Ding Schuler mẫu của vắc-xin thật để gửi đến Viện Pasteur kiểm nghiệm. Nhờ đó việc điều chế hai loại vắc-xin “dởm” và “xịn” của nhóm tù nhân người Do Thái vẫn không bị phát hiện.
Việc này tiếp diễn cho đến khi Buchenwald được giải phóng vào tháng 4/1945. Chỉ cho đến khi bị xét xử tại Tòa án về tội phạm chiến tranh Nuremberg, Joachim Mrugowsky và Erwin Ding Schuler cùng những kẻ khác mới biết rằng Fleck và nhóm của mình đã khiến Đức quốc xã bẽ mặt vì vắc xin-giả. Ding Schuler sau đó đã tự tử bằng cách treo cổ tại một nhà tù ở bắc Munich.
Sau chiến tranh, Fleck quay trở lại Ba Lan, làm giáo sư và nhà nghiên cứu miễn dịch học tại Đại học Lublin và Warsaw. Đến năm 1957, nhà sinh học Fleck cùng gia đình di cư đến Israel, tại đây, ông làm việc trong cơ sở bí mật nghiên cứu vũ khí sinh học của Israel ở Ness Ziona. Ông qua đời năm 1961 vì bệnh ung thư.