Cái nôi cách mạng Đông Mỹ
Trong những thập niên đầu thế kỷ 20, xã Đông Mỹ (huyện Thanh Trì, Hà Nội) được coi là cái nôi của phong trào cách mạng ngoại thành Hà Nội. Nhiều thanh niên tiên tiến của xã, trong đó có Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười, đã sớm giác ngộ lý tưởng. Đến cuối năm 1938, Chi bộ thôn Đông Phù, xã Đông Mỹ được thành lập gồm 3 đảng viên ban đầu, là chi bộ đảng đầu tiên ở phía Nam Hà Nội.
Trong thời kỳ này, nhiều đồng chí cán bộ lãnh đạo cao cấp của Trung ương Đảng, Xứ ủy Bắc Kỳ đã về Đông Mỹ chỉ đạo phong trào cách mạng như: Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Lương Bằng, Phan Trọng Tuệ… Trung ương đã đặt ở Đông Mỹ cơ quan giao thông, cơ quan ấn loát. Xứ ủy Bắc Kỳ cũng đặt cơ sở chỉ đạo, liên lạc tại đây. Nhiều quần chúng cách mạng của Đông Mỹ đã trở thành cán bộ giao liên, làm nhiệm vụ đưa, đón cán bộ trung ương về hoạt động, chuyển công văn, tài liệu…
|
Vùng nông thôn xã Đông Mỹ ngày nay. Ảnh: Báo ảnh Việt Nam. |
Phong trào đấu tranh cách mạng của xã Đông Mỹ đã đóng góp đáng kể cho bước phát triển mới của cách mạng thời kỳ Mặt trận dân chủ 1936-1939 ở vùng Hà Nội, Hà Đông.
Một trong những địa chỉ nuôi giấu cách mạng nay đã trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho nhiều thế hệ của xã là Nhà thờ họ Nguyễn Duy. Những năm 1939-1941, căn hầm bí mật đặt tại Nhà thờ họ Nguyễn Duy là địa điểm hoạt động của Xứ ủy Bắc Kỳ, nơi nuôi giấu các cán bộ Xứ ủy về chỉ đạo phong trào cách mạng, nơi cất giấu vũ khí, tài liệu, họp bàn kế hoạch xây dựng phong trào kháng chiến…
Trong số các cán bộ chủ chốt tại địa phương có đồng chí Đỗ Mười, một người con của dòng họ Nguyễn Duy (tên khai sinh của ông là Nguyễn Duy Cống).
Ngoài dòng họ Nguyễn Duy, nhiều gia đình trong xã Đông Mỹ đã đóng góp của cải, giúp bộ đội mua lương thực, thuốc men, súng đạn, sẵn sàng hy sinh xương máu cho hòa bình hôm nay.
Với những đóng góp to lớn, Đảng bộ và nhân dân xã Đông Mỹ vinh dự hai lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động.
Đông Mỹ tự hào có Đỗ Mười
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười tên thật là Nguyễn Duy Cống, sinh ngày 2/2/1917 tại xã Đông Mỹ.
Giác ngộ cách mạng từ rất sớm, năm 1936, khi mới 19 tuổi, ông đã tham gia hoạt động trong phong trào Mặt trận bình dân. Năm 1939, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương.
Năm 1941, ông bị thực dân Pháp bắt và kết án 10 năm tù giam tại Hoả Lò - Hà Nội. Năm 1945, ông vượt ngục và tiếp tục hoạt động cách mạng, tham gia Tỉnh uỷ Hà Đông, trực tiếp lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Đông. Sau tháng 8/1945, ông giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ Hà Đông.
|
Đồng chí Đỗ Mười. Ảnh: Zing. |
Trong những giai đoạn lịch sử tiếp theo, đồng chí Đỗ Mười liên tục được Đảng và Nhà nước giao phó trọng trách quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tháng 6/1988, ông được Quốc hội khoá VIII bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII và VIII, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, Uỷ viên Bộ Chính trị, giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong giai đoạn lãnh đạo của Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười, Việt Nam đã có những sự chuyển mình mạnh mẽ, đời sống của nhân dân được cái thiện đáng kể trên mọi phương diện
Lịch sử xã Đông Mỹ sẽ mãi mãi khắc sâu niềm tự hào là nơi sinh của Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười - một trong những người con ưu tú nhất của sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
(Bài viết có dẫn lại một số tư liệu của nhà báo Hiền Phương, báo Hà Nội Mới).