Ai mà chẳng mong có một người sẽ đồng cam cộng khổ, đồng hành với mình suốt cả cuộc đời. Với nhiều người, hôn nhân là một đích đến mà họ phấn đấu. Tuy nhiên cũng có một số nhân vật coi hôn nhân là điều ép buộc, chỉ cần có khi bị thúc giục, chẳng còn sự lựa chọn nào khác nữa mà thôi.
Lương Thấu Minh là một nhà triết học. Ông được mệnh danh là "Đại Nho cuối cùng của Trung Quốc". Cuộc đời và sự nghiệp của ông đầy những sắc màu huyền thoại và cuộc sống hôn nhân cũng chứa đựng nhiều điều hấp dẫn.
Quyết cả đời không kết hôn nhưng thay đổi ý định vì mẹ!
Lương Thấu Minh sinh năm 1893 tại Quế Lâm, Quảng Tây (Trung Quốc). Năm 14 tuổi, ông đã được nhận vào trường trung học ở Bắc Kinh. Ông đã dành cả đời để nghiên cứu Nho giáo và văn hóa truyền thống Trung Quốc.
Vì một lòng theo Phật giáo nên ông không có ý định kết hôn. Đến năm 28 tuổi, ông vẫn ăn chay trường, thề không lấy vợ.
Anh trai của Lương Thấu Minh kết hôn 10 năm mà không có con. Cha mẹ đều đã già, muốn có cháu bồng bế trong mòn mỏi mà không được. Khi cha ông mất vẫn ôm nỗi thất vọng về chuyện không có cháu.
Sau này, mẹ ông nằm liệt giường, ước nguyện duy nhất của bà là Lương Thấu Minh kết hôn rồi sinh con. Chẳng bao lâu sau mẹ qua đời, họ Lương quyết định bỏ lời thề độc thân, tìm kiếm người bạn đời của mình.
Lúc đó, một người bạn của ông quyết định làm mối cho ông. Trước đó, khi anh bạn này hỏi điều kiện chọn vợ, họ Lương đáp: "Tôi không quan tâm tuổi tác, ngoại hình hay gia đình. Tôi muốn cô ấy nhân từ, can đảm và có lòng vị tha. Nếu có được những điều này thì chuyện cô ấy không biết chữ chẳng phải vấn đề".
Nghe thấy thế, anh bạn đã giới thiệu Hoàng Tịnh Hiền. Hoàng Tịnh Hiền chỉ kém Lương Thấu Minh 1 tuổi, ngoại hình trung bình, dè dặt và không biết gì đến văn chương hay triết học.
Lương Thấu Minh gặp mặt thì hơi ngao ngán bởi dù ông không có yêu cầu về ngoại hình nhưng Tịnh Hiền không có nét thu hút nào cả, thậm chí ông còn bảo rằng bà chẳng khác đàn ông là bao.
Tuy vậy, vì nể tình và không muốn khiến bạn mất mặt, ông đã đồng ý cưới Hoàng Tịnh Hiền ngay sau lần đầu gặp mặt.
Tháng 11/1921, cặp đôi kết hôn. Trong đêm tân hôn, thay vì nói chuyện vợ chồng thì Lương Thấu Minh nói cho vợ nghe 3 điểm mà ông cần ở một người vợ: can đảm, nhân từ và có lòng vị tha. Tuy vậy, Hoàng Tịnh Hiền không biết chữ nên Lương Thấu Minh đã giải thích rồi dạy cho bà cách viết các từ đó.
Do sự khác biệt về văn hóa, một người mù chữ, người còn lại có hiểu biết sâu sắc về các lĩnh vực trong cuộc sống nên mối quan hệ của họ hết sức nhàm chán.
Lương Thấu Minh không mấy hài lòng về người vợ này. Cả hai không cùng "tần số", chẳng nói chuyện được mấy câu với nhau. Bởi vậy lúc nào với vợ ông cũng lạnh nhạt. Thế nhưng sau vài năm, tình hình lại khác.
"Tôi nghĩ vợ mình xấu xí chẳng ai thèm nhưng tôi lại vô cùng ghen tị nếu thấy cô ấy nói chuyện với ai đó khác giới", Lương Thấu Minh chia sẻ.
Thời gian trôi qua, ông bắt đầu nhìn thấy những điều tốt đẹp từ vợ mình. Hoàng Tịnh Hiền có ưu điểm riêng, nhã nhặn, trung thực và lương thiện. Dần dần, ông thấy vợ mình quá dễ thương và thấy chỉ có bà mới xứng đáng là vợ mình.
Tự dưng Hoàng Tịnh Hiền thấy chồng thay đổi thái độ rất nhiều dành cho mình. Năm 1932, hơn 10 năm bên nhau, bà đã khóc một lần trước mặt chồng, kể về những nỗi uất ức buồn tủi mà mình chịu đựng. Lương Thấu Minh nghe xong mới thấy tội lỗi và từ đó đối xử với Tịnh Hiền hết lòng.
Cặp đôi đã có với nhau 2 con trai. Sau đó, Hoàng Tịnh Hiền bị sẩy thai 2 lần. Đến năm 1934, bà quyết định mang thai lần nữa vì nhớ rằng Lương Thấu Minh từng tâm sự muốn có một đứa con gái.
Lúc đó bà 41 tuổi, việc mang thai khi tuổi đã cao khiến cho sức khỏe bà sụt giảm. Cuối cùng, bà đã mất trong khi sinh con vào năm 1935, đứa bé cũng chẳng giữ được. Cái chết của vợ là một điều đau đớn với Lương Thấu Minh.
Cuộc hôn nhân lần 2 và lời tuyên bố cực sốc
Ông quyết định không tái hôn, ở vậy nuôi dạy hai con trai nên người. Thế nhưng 8 năm sau, khi hai con trai đã lớn, ông cô đơn trong cuộc sống nên được bạn bè và con cái khuyên hãy tìm một người bạn đồng hành.
Suốt 8 năm sau ngày vợ mất, ông đã tận dụng hết thời cơ và thời gian để nghiên cứu. Bây giờ nhìn lại, cảm thấy nửa đời sau sống vò võ một mình thì thật sự quá cô đơn.
Năm 1943, một người bạn quyết định giới thiệu Trần Thục Phần cho Lương Thấu Minh. Thục Phần 47 tuổi, là một "gái già" đích thực khi chưa từng kết hôn. Bà là một giáo viên ở Quế Lâm, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Bắc Kinh và là người khá cá tính.
Trần Thục Phần xinh đẹp, có gu ăn mặc, dù có tuổi nhưng nhìn trẻ trung. Bà luôn muốn kết hôn với một nhà triết gia, vừa hay Lương Thấu Minh đáp ứng được toàn bộ nguyện vọng ấy.
Hai người có cảm tình với nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên. Chẳng bao lâu, tình yêu của họ trở thành tin tức nổi tiếng ở Quảng Tây. Báo chí đã dùng giọng điệu hài hước để đưa tin nhiều về quan hệ tình cảm đó.
Năm 1944, cặp đôi quyết định kết hôn. Hơn 100 nhân vật nổi tiếng trong giới văn học và học thuật đến tham dự đám cưới.
Mặc dù hôn lễ diễn ra sôi nổi và vui vẻ nhưng cuộc sống sau đó của cả hai không mấy hạnh phúc. Lương Thấu Minh là người có tinh thần trách nhiệm xã hội, làm việc nghiêm túc. Ông dành nhiều thời gian cống hiến cho sự nghiệp nên lơ là chuyện gia đình.
Trần Thục Phần khó chịu về điều đó và có nhiều ý kiến với chồng. Hơn nữa, bà cũng không phải người hiền lành, luôn nổi giận trước tất cả các vấn đề. Điều này khiến cho Lương Thấu Minh dần dần chán ghét, không chịu nổi.
Cả hai thường xuyên cãi vã cho dù chuyện vặt vãnh, không đáng xảy ra. Một lần, vì một bất đồng trong quan điểm mà Trần Phục Phần đã mắng mỏ Lương Thấu Minh ngay trước mặt người ngoài và khách khứa. Những chuyện này khiến cho quan hệ của họ chẳng còn mặn mà như xưa.
Cặp đôi đã sống với nhau đến 35 năm. Mặc dù không hài lòng với cuộc hôn nhân này nhưng Lương Thấu Minh vẫn rất biết ơn Trần Thục Phần đã kết hôn với mình trong lúc khó khăn, đồng hành cùng nhau từ khi còn trẻ cho đến lúc già và hi sinh cho chồng rất nhiều.
Tuy vậy, khi được hỏi về chuyện hôn nhân, Lương Thấu Minh lắc đầu: "Tốt nhất chỉ nên có một người vợ". Đến cuối cùng, ông vẫn tiếc nuối Hoàng Tịnh Hiền - cô vợ cả hiền lành, nhân hậu nhưng yểu mệnh và cho rằng chuyện tái hôn là một sai lầm.