Nhà Tần là triều đại phong kiến thống nhất đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc và người sáng lập ra triều đại này là Tần Thủy Hoàng.
Mặc dù có rất nhiều tranh cãi về nhân vật này nhưng hầu hết mọi người phải thừa nhận rằng ông đã đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của Trung Quốc.
Trong triều đại của mình, Tần Thủy Hoàng đã ra lệnh xây dựng nhiều công trình quy mô lớn mà tiêu biểu đó là Vạn Lý Trường Thành. Không ngoa khi nói rằng Tần Thủy Hoàng đứng thứ hai về hạ tầng, không ai dám đứng thứ nhất.
Có một sự thật ít người biết đến đó là ngoài Vạn Lý Trường Thành, vua Tần còn cho xây dựng một con đường 'vang danh sử sách' từ 2000 năm trước.
Có thông tin cho rằng con đường này không có cỏ dại, vậy rốt cuộc là tại sao?
Con đường do Tần Thủy Hoàng xây dựng còn được gọi là Tần Trực Đạo. Nơi đây hầu như không có màu xanh của cây cỏ, thảm thực vật cũng thưa thớt, nếu có thì cũng không vượt quá đầu gối. Về sau, nó được mệnh danh là đường cao tốc đầu tiên trong lịch sử nhân loại.
Con đường này chạy từ Hàm Dương, Thiểm Tây đến Cửu Nguyên ở Bao Đầu, Nội Mông (Trung Quốc), và dài khoảng 700 km.
Nói về bí mật đằng sau con đường không có cỏ mọc, người ta cho rằng có 3 nguyên nhân chính.
3 LÝ DO KHIẾN CỎ KHÔNG THỂ MỌC
1. Yếu tố thổ nhưỡng
Tần Trực Đạo là con đường ngắn nhất từ Thiểm Tây đến Nội Mông. Vì vậy, khu vực mà con đường đi qua có chủ yếu là những nơi cằn cỗi, thành phần chủ yếu là cát, và hoàng thổ (một loại đất dễ bị xói mòn).
Thêm vào đó, đây là khu vực sa mạc có tương đối ít nước, vì vậy nhìn chung sẽ không có thực vật phát triển. Chưa hết, người ta còn kể lại rằng đất ở đây đã được xới lên, nung qua nhiệt và trộn thêm muối và kiềm. Đây chính là nguyên nhân lớn nhất khiến cây cỏ không thể tồn tại.
2. Luật pháp và cách cai trị cứng rắn của nhà Tần
Sau hàng loạt cuộc tìm kiếm dữ liệu, các nhà khảo cổ phát hiện ra rằng Tần Trực Đạo là một tuyến đường quân sự rất quan trọng. Lực lượng chính để xây dựng nó là hàng trăm nghìn quân dưới quyền của tướng Mông Điềm (vị tướng được biết đến là góp công xây dựng Vạn Lý Trường Thành).
Theo sử sách, Tần Thủy Hoàng đã ra những hình phạt nặng nề nếu có kẻ dám chểnh mảng. Nếu phát hiện người nào lười biếng, lơ là công việc thì sẽ bị xử rất nặng, thậm chí là liên lụy đến người nhà.
Điểm mấu chốt là pháp luật của nhà Tần quy định rõ ràng, nếu công trình nào đó có vấn đề thì người phụ trách sẽ phải trả giá đắt. Điều này khiến những người trực tiếp tham gia xây dựng tuyệt đối không dám lơ là!
3. Cung đường quan trọng thường xuyên được sử dụng
Do có vị trí đặc biệt, Tần Trực Đạo sau này đã trở thành một trong những con đường quan trọng thời bất giờ. Theo ghi chép, vào thời Tây Hán, Lưu Biểu dẫn một đội quân gồm 180.000 người đi dọc theo Tần Trực Đạo để tiến về phía bắc.
Trong thời kỳ Tam Quốc, Tào Tháo dẫn 500.000 quân dọc theo con đường này đến biên giới của Hung.
Có thể nói, một trong những lý do khiến cỏ ở đây không thể mọc là do bị 'giày xéo' thường xuyên. Không chỉ có dấu chân của con người, những phương tiện chở vũ khí, lương thực cũng tác động lên bề mặt đường.
Đất lâu ngày trở nên cứng rắn dưới tác động của những người qua lại. Sự thay đổi chất lượng đất đã khiến cây khó bén rễ và phát triển.
Sau khi nghiên cứu về Tần Trực Đạo, các nhà khảo cổ học không khỏi thán phục trước trí tuệ của người xưa.
Tóm lại, Tần Trực Đạo là một trong những công trình "để đời" của hoàng đế Tần Thủy Hoàng. Đồng thời nó cũng là nhân chứng cho sự tiến bộ không ngừng của nền văn minh Trung Hoa. Việc xây dựng con đường này không chỉ phản ánh tầm nhìn xa của vua Tần mà còn cho thấy sức mạnh của con người. Từng tấc đất của Tần Trực Đạo đều do sức người làm ra, công sức không sao kể hết.