Nhắc đến vị Trạng nguyên đất Việt làm quan trên đất Trường An (Trung Hoa) xưa, không thể không nhắc đến Khương Công Phụ - vị nhân sĩ đã vượt qua hàng ngàn cây số sang kinh đô nhà Đường đọ sức cùng các anh tài Trung Quốc thời bấy giờ.
Khương Công Phụ (731 – 805) tự là Khâm Văn, ông người làng Sơn Ôi, xã Cổ Hiển, tổng Cốt Hải, xứ Giao Châu (nay là làng Tường Vân, xã Định Thành, huyện Yên Định).
Theo sử sách, ông cùng em trai Khương Công Phục, được cha Khương Công Định cho theo học đèn sách, tập rèn thi phú từ nhỏ, trong đó người anh Khương Công Phụ có thiên tư tuyệt vời, sức học khiến thầy dạy kinh ngạc, chẳng mấy chốc đã thông tỏ Tứ thư Ngũ kinh, tài năng vang xa.
|
Khu vực ngoài đền thờ Khương Công Phụ, làng Tường Vân, xã Định Thành, Yên Định. Ảnh: Trung Lê. |
Thời bấy giờ, nước Việt đang trong thời kỳ Bắc thuộc, thời kỳ Nho học được đẩy mạnh phát triển, ngoài việc đẩy mạnh nhân tài trong Hán tộc ở Trung Hoa, vua tôi nhà Đường còn cho phép các tộc khác ở các nơi đô hộ được đến kinh ứng thi. Theo quy chế chọn nhân tài, những kẻ có thực tài đều cho phép tham gia các kỳ thi cao hơn, đồng thời được ban chức quan ngay cả khi ở phương Bắc.
Sự thông thoáng trong chế độ khoa cử nhà Đường là nguồn động viên, thôi thúc anh em Khương Công Phụ thể hiện mình.
Theo “Văn tài võ lược xứ Thanh” anh em Khương Công Phụ đã vượt qua kỳ thi tuyển của “Hiếu liêm”. Năm đầu hiệu Hưng Nguyên đời vua Đường Đức Tông ( 780 – 805), ông cùng người em Khương Công Phục đến kinh đô Trường An dự khoa thi tiến sĩ. Sau 4 kỳ thi, hai em vượt qua nhiều sĩ tử Trung Hoa đỗ Tiến sĩ. Trong đó, Khương Công Phụ đỗ danh hiệu cao nhất là Trang Nguyên.
Ngày xứng tên, Khương Công Phụ làm một bài phú “Bạch Vân Chiếu Xuân Hải Phú”, đây là bài phú được giới nghiên cứu văn học đánh giá là một tác phẩm mở đầu của nền văn học bác học Việt Nam, được vua tôi nhà Đường vô cùng yêu thích, khâm phục.
Sau đó, nhà Đường tiếp tục mở thêm Chế khoa, tại đây một lần nữa Khương Công Phụ lại thể hiện được tài năng, thông minh, xuất chúng của mình vượt qua các kỳ thi sát hạch khó khăn nhất, đứng đầu bảng vàng, đoạt lấy khôi nguyên Tiến sĩ cả nước Đại Đường với bài thi nổi tiếng “Đối trực ngôn cực gián”.
Sinh thời, dù kinh qua nhiều chức vụ quan trọng tại đất Trường An, được vua Đường trọng dụng, ông luôn thể hiện được tài năng, tầm hiểu biết uyên thâm của mình, cương trực, thẳng thắn, không sợ cường quyền.
Bấy giờ, triều đình nhà Đường có viên quan Chu Thử cùng phó sứ Chu Thao mưu phản. Khương Công Phụ nhiều lần dâng lời can vua, nhờ kế sách của mình, Khương Công Phụ đã giúp vua trừ khử mối hậu họa, phong ông chức Giám nghị đại phu kiêm đồng bình chương sự (tức Tể tướng).
Năm 784, công chúa Đường An chẳng may chết yểu tại Sơn Nam, vì quá đau buồn, vua lệnh cho dựng một pháp cao hậu táng con gái. Khương Công Khụ lại thẳng thắn can ngăn, Hoàng đế tức giận, giáng ông xuống làm chức “Tả Thứ tử”, nhưng vì mẹ mất nên ông được về quê chịu tang. Năm Qúy Dậu (793) ông bị sai đi biệt giá ở Tuyền Châu (tỉnh Phúc Kiến), Khương Công Phụ sống tại đây một thời gian, kết bạn với nhiều nhân sĩ, hàng ngày dạo chơi, thi phú…
Đời vua Đường Thuận Tông (805 – 806) ông được bổ nhiệm làm quan Thứ sử Cát Châu, nhưng do tuổi cao sức yếu, trên đường về nhậm chức thì mất.
Khương Công Phụ - vị Trạng nguyên đầu tiên của nước Việt làm quan trên đất Trung Hoa được đánh giá là người có chí khí, bản lĩnh, không ham quyền chức vụ. Làm quan nơi đất khách quê người, ông vẫn một lòng chính trực, làm tròn phận sự, một lòng luôn hướng về quê hương.
|
Khu vực đền thờ được địa phương tôn tạo, xây dựng. Ảnh: Trung Lê. |
Ở quê hương Định Thành (Yên Định) nơi ông sinh ra, năm Cảnh Hưng (1740) đời vua Lê Hiển Tông, và năm 1870 đời vua Tự Đức, đền thờ Khương Công Phụ được xây dựng, hương khói. Trải qua hàng trăm năm tồn tại với sự biến thiên của lịch sử, thiên tai, chiến tranh, các kiến trúc của hai lần xây dựng không còn nguyên vẹn, chỉ còn lại các sắc phong, câu đối, đồ tế tự thờ tạm trong một gian nhà nhỏ nằm trên phần nền móng cũ.
Ông Ngô Văn Thiên, Chủ tịch UBND xã Định Thành (Yên Định), cho hay: “Ngày giỗ cụ Khương Công Phụ vào ngày 10/3 ( ÂL), ngôi đền rất thiêng, hễ người dân làm lễ xong, trời lại mưa. Nhà nào có con cái cầu danh, cầu lộc, cầu tự đến đây đều ứng nghiệm…”