Trong vô số thử thách mà Đường Tăng và 3 đồ đệ phải vượt qua trên con đường sang Tây Thiên lấy kinh, Hỏa Diệm Sơn là một trong những khó khăn khó vượt qua nhất.
Đây là con đường duy nhất sang Tây Thiên thỉnh kinh nên thầy trò Đường Tăng không có cách nào khác là phải tìm biện pháp dập tắt lửa. Khổ nỗi, phương tiện dập lửa duy nhất là quạt ba tiêu lại nằm trong tay Thiết Phiến công chúa. Bởi quạt Ba Tiêu “quạt một cái tắt lửa, hai cái sinh gió, ba cái thì trời mưa”. Thiết Phiến dẫu cũng là người tu Đạo nhưng lại là mẹ của Hồng Hài Nhi, vợ của Ngưu Ma Vương. Thiết Phiến có mối thù sâu với Ngộ Không, cho rằng Tôn Ngộ Không hại con trai mình nên trong lòng luôn oán hận.
Khi Ngộ Không đến hỏi mượn quạt Ba Tiêu, Thiết Phiến công chúa vung quạt một cái, Ngộ Không bị thổi bay đến tận Tu Di Sơn của Linh Cát Bồ Tát. Cũng nhờ vị Bồ Tát này mà Ngộ Không có được Định Phong Đan, tránh được gió của quạt Ba Tiêu.
Lần thứ 2 Ngộ Không biến mình thành con sâu chui vào bụng công chúa rồi đe dọa mượn quạt. Cuối cùng lại bị lừa lấy phải quạt giả, khiến lửa ở Hỏa Diệm Sơn cháy dữ dội hơn. Lần cuối cùng, Ngộ Không biến giả thành Ngưu Ma Vương và lừa lấy được quạt Ba Tiêu nhưng sau đó lại bị Ngưu Ma Vương hóa thành Trư Bát Giới đoạt lại cây quạt.
Ba lần mượn quạt Ba Tiêu bất thành, hai bên ẩu đả long trời lở đất, Phật Đà và Ngọc Đế phải hạ chỉ cho thiên binh thiên tướng xuống trợ giúp mới có thể hàng phục được vợ chồng Ngưu Ma Vương.
Vì sao Tôn Ngộ Không dù thủy hỏa bất xâm, mình đồng da sắt mà vẫn không thể nào khống chế được lửa cháy bừng bừng ở Hỏa Diệm Sơn?
Năm xưa, Ngộ Không đại náo thiên cung, bị giam ở lò luyện đan của Thái Thượng Lão Quân vẫn có thể đạp đổ lò để thoát ra. Chính tàn dư của lò luyện đan bị đổ năm đó đã biến thành núi Hỏa Diệm Sơn hiện tại. Đây chính là trước trồng căn nguyên, sau lãnh hậu quả. Cũng chính là biểu hiển của báo ứng và đạo lý nhân – quả. Gieo nhân nào thì gặt quả ấy, gieo một thì gặt mười, làm một điều thiện nhỏ cũng được rất nhiều phúc báo về sau – ngược lại việc ác dù nhỏ cũng lãnh những báo ứng không ngờ về sau.
Tôn Ngộ Không biến ngọn núi bình thường thành núi lửa, sau đó dù có cực khổ thế nào cũng không tự mình vượt qua nổi. Đây là quy luật bất di bất dịch của nhân sinh, thần thông như Ngộ Không cũng chẳng thể vượt qua được.