Ở Trung Quốc có thôn Mê Hồn Trận, thôn nằm ở phía đông bắc huyện Dương Cốc, tỉnh Sơn Đông. Đây là hai cái thôn nhỏ vô cùng độc đáo. Thôn phía nam gọi là đại Mê Hồn Trận, thôn phía bắc gọi là tiểu Mê Hồn Trận. Đại Mê Hồn Trận lại nhỏ, tiểu Mê Hồn Trận lại lớn. Thôn tiểu Mê Hồn Trận chia thành hai bộ phận đông và tây. Bộ phận phía đông gọi là tiền Mê Hồn Trận, phía tây gọi là hậu Mê Hồn Trận.
Khi chúng ta đi vào tiền Mê Hồn Trận sẽ cảm thấy hậu Mê Hồn Trận ở phía bắc; khi đi vào hậu Mê Hồn Trận cũng lại cảm thấy tiền Mê Hồn Trận ở phía bắc. Người ở trong thôn muốn đi về phía trước nhưng khó mà xác định được hướng phía trước, đi mãi cuối cùng lại quay về chỗ cũ.
Nếu bạn vô ý lạc vào, rất có thể từ sáng đến tối cũng không tìm được đường ra, người trong thôn có câu ca dao: “Mê Hồn Trận thôn chân hi ki, thập nhân tiến thôn cửu nhân mê” (tạm dịch: thôn Mê Hồn Trận thật lạ kỳ, mười người xâm nhập chín người mê”.) Cái thôn làm người ta mất cảm giác về không thời gian này quả là vô cùng đặc biệt.
Bố cục khác lạ của thôn mê hồn trận
Nguyên nhân gây mê của thôn Mê Hồn Trận là do bố cục kiến trúc của nó, lấy ví dụ về tiểu Mê Hồn Trận. Thôn tạo thành do hai bộ phận: đông mê hồn trận (tiền mê hồn trận), tây mê hồn trận (hậu mê hồn trận). Bố cục thôn theo hình bát quái, hai phần đông và tây giống như hai cực âm và dương của hình bát quái, còn giữa phần đông và tây là con đường uốn cong.
Đường hẻm trong thôn đan xen thành nhiều hình chữ “đinh” (丁), không biết đâu là đầu hay cuối, còn nhà đương nhiên men theo đường, do biến hóa không rõ ràng khiến người ta luôn có ảo giác khi định hướng và thấy nhà nào cũng theo hướng bắc. Không chỉ thế, bố cục bờ thửa hoa màu bên đường ngoài thôn cũng không rõ hướng đông tây nam bắc mà theo hình răng so le lộn xộn, rất khó phân biệt.
Thôn mê hồn trận gây ảo giác về không thời gian
Người bản địa có câu ca dao: “Tiến liễu Mê Hồn Trận/ trạng nguyên dã nan nhận; Đông tây nam bắc trung/ đáo xử thị hồ đồng; Hảo tượng bả ma thôi/ lão lộ chuyển đáo hắc”
Tạm dịch: Lọt vào mê hồn trận; Trạng nguyên cũng khó nhận; Đông tây nam bắc trung; Nơi nơi đều rối tung; Dường như có ma đưa; Đường cũ đi sáng trưa.
Khi bạn đi vào thôn Mê Hồn Trận bạn sẽ bị rơi vào ảo giác, khi đứng ở đông Mê Hồn Trận, bạn sẽ cảm thấy như mình đứng ở mặt nam của phía tây Mê Hồn Trận, khi ở tây Mê Hồn Trận, bạn lại cảm thấy như mình đứng ở mặt nam của đông Mê Hồn Trận. Nếu cứ đi men theo con đường, bạn sẽ cảm thấy phương hướng từng giây từng khắc luôn luôn thay đổi, và nếu không chú ý bạn sẽ lại quay lại chỗ cũ. Vì thế tuy Mê Hồn Trận chỉ là cái thôn nhỏ, nhưng người lạ đi vào khó tránh bị lạc đường.
Ở thôn Mê Hồn Trận, bạn không thể đoán được thời gian, bạn đừng hy vọng mắt của bạn có thể trông thấy “sự thực”. Ở bên trong tiền Mê Hồn Trận, khi bạn vừa thấy mặt trời ở đỉnh đầu, nghĩa là phải là khoảng 12 giờ trưa, nhưng thực sự chỉ là 10 giờ thôi. Nghĩa là nếu bạn tới đây, bạn đi từ ngoài thôn vào trong thôn và nghĩ chắc chỉ mất vài phút, nhưng về cảm giác thì bạn tưởng thời gian đã trôi qua hai tiếng đồng hồ. Khi đến hậu Mê Hồn Trận, sự khác biệt càng rõ ràng hơn, bạn còn có thể tưởng 12 giờ trưa là 16 giờ chiều. Nhưng chỉ cần đi ra khỏi thôn bạn sẽ thấy ảo giác về thời gian mà bạn bị lừa khi ở trong thôn biến mất.
Người ta kể chuyện vui về một người đến thôn bán đậu hũ, đi qua mấy con hẻm để rao bán nhưng lúc nào cũng quay lại cửa nhà có số 8. Trên đường đi, đi mãi vẫn trông thấy 12 biển hiệu nhà hàng giống nhau, có 12 căn nhà đang tu sửa giống y như nhau. Vậy là người bán đậu hũ đi từ sáng đến tối vẫn không ra khỏi được cái thôn. Kỳ thực người đó chỉ đi trong phạm vi 50 mét vuông, chỉ trông thấy một cái biển hiệu và một căn nhà đang tu sửa.
Trong thời nội chiến, có một tốp lính từng bị lạc trong thôn Mê Hồn Trận. Thời kháng Nhật, khi quân kháng nhật trú trong thôn Mê Hồn Trận thì không chỉ quân Nhật không dám vào mà ngay cả tay sai người Hán làm cho Nhật cũng không dám vào. Người ta thường nói, chiến tranh thì đâu đâu cũng hỗn loạn, chỉ duy nhất thôn Mê Hồn Trận là nơi mà chiến tranh không làm nó bị hỗn loạn!
Ai tạo ra kiến trúc thôn Mê Hồn Trận?
Câu chuyện lưu truyền trong dân gian kể rằng, vào thời Chiến quốc, hai nước Tề và Ngụy giao chiến, Tôn Tẫn là quân sư nước Tề đã bố trí mê hồn trận đánh bại quân sư nước Ngụy là Bàng Quyên, và cái tên thôn Mê Hồn Trận có từ đó. Nhưng nếu có chuyện này xảy ra, tại sao không thấy sử sách ghi chép lại?