Phát hiện lịch sử
Theo tạp chí National Geographic, các nhà nghiên cứu thuộc ĐH Kỹ thuật Quốc gia Athens, Hy lạp đã nghiên cứu hầm mộ Chúa Jesus và với những kỹ thuật khoa học tiên tiến nhất đã cho thấy mộ phần này có niên đại trong khoảng những năm 345 sau Công nguyên, trùng khớp với nhiều ghi chép lịch sử có liên quan đến quá trình hình thành khu mộ. Kết quả nghiên cứu này phần nào xác tín ít nhất một phần nào đó trong chuỗi lịch sử Kitô giáo.
|
Khu hầm mộ được tôn tạo quy mô, nằm chính giữa khu vực Edicule. Ảnh: Reuters |
Được biết nhóm nghiên cứu này đang làm công việc trùng tu lại ngôi đền Edicule, nơi bao quanh khu mộ Chúa Jesus, bên trong nhà thờ mộ thánh Holy Sepulcher ở Jerusalem. Sau khi lấy mẫu vữa ở nhiều khu vực thuộc đền thờ, họ đã cho ra kết quả xác thực. Được biết thông tin kết quả này có từ năm 2016 nhưng các nhà khoa học giữ kín nó cho đến tận hôm nay.
Các chuyên gia đã lấy mẫu vôi vữa từ giữa lớp đá vôi và một phiến đá cẩm thạch ở nơi được cho là hầm mộ của Chúa Jesus, trước khi Ngài sống lại và lên trời. Sau khi nghiên cứu, lớp đá cẩm thạch cho thấy nguồn gốc của nó có khoảng vào năm 345 sau Công nguyên.
Trao đổi với National Geographic, Antonia Moropoulou, trưởng nhóm dự án khôi phục Edicule, cho biết: "Pháo đài này không chỉ cung cấp bằng chứng cho thấy ngôi đền được hình thành từ rất sớm, mà còn hé lộ nhiều manh mối về quá trình hình thành ngôi đền.
Câu chuyện về hoàng đế Constantine
Để hiểu hơn về vấn đề này, chúng ta cần quay lại câu chuyện lịch sử liên quan đến hoàng đế La Mã cổ đại Constantine. Ông chính là người tôn vinh ngôi mộ và ra lệnh biến nó thành đền thờ vào năm 326, sau khi một tùy tùng của ông phát hiện ra ngôi mộ cổ.
Chuyện kể vào năm 325, hoàng đế La Mã Constantine quyết tìm ra nơi chôn cất Đấng cứu thế nên đã cử đại diện đến Jerusalem để tìm kiếm mộ Chúa Jesus. Khi đến đây, người tùy tùng được chỉ đến một đền thờ La Mã được biết là đã xây dựng 200 năm về trước. Tuy nhiên, khi đến nơi thì mọi thứ đều đã bị phá hủy. Không nản lòng, khi họ tiếp tục công cuộc đào bới để tìm kiếm thì ngôi mộ xuất hiện bên dưới đống đổ nát của đền thờ.
Tin rằng đó chính là mộ phần của Chúa Jesus, hoàng đế Constantine đã lệnh cho xây dựng phần bao quanh ngôi mộ gọi là Edicule. Công trình ước tính được hoàn thành vào khoảng năm 1555 sau Công nguyên.
Bí mật dần được hé mở
Đến tháng 10-2016, hầm mộ Chúa Jesus chính thức được mở sau hơn bốn thế kỷ để phục vụ công cuộc trùng tu khu vực Edicule. Cũng trong khoảng thời gian này, các nhà nghiên cứu thuộc ĐH Kỹ thuật Quốc gia Athens đã phát hiện ra được phiến đá cẩm thạch, từ đó xác định được nó có từ khoảng thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên.
Theo Kinh Thánh, sau khi Chúa Jesus bị quân La Mã hành hình vào năm 30 hoặc 33 sau Công nguyên, thi hài Ngài được đặt trên một bệ đá (sau được gọi là "giường chôn") chìa ra bên hông một hang động đá vôi. Ba ngày sau khi Chúa Jesus chết, những người trong làng đến làm nghi lễ tiếp theo cho Người thì phát hiện ra ngôi mộ đã bị bỏ trống.
|
Khung cảnh bên ngoài nhà thờ Mộ Thánh tại Jerusalem. Ảnh: Wikimedia Commons |
Sau khi hoàng đế La Mã cổ đại Constantine xây dựng khu vực bao quanh Edicule vào khoảng năm 326, nơi này đã trải qua nhiều lần trùng tu do hậu quả của thiên tai và hỏa hoạn. Công trình được tôn tạo lần đầu vào năm 1808-1810 sau một trận hỏa hoạn.
Đến năm 1927, công trình linh thiêng tiếp tục bị ảnh hưởng sau trận động đất nghiêm trọng năm 1927, việc trùng tu vẫn bị trì hoãn do thiếu kinh phí. Dự án chỉ được bắt đầu sau khi nhận được tài trợ, ước tính hơn 4 triệu USD từ quốc vương Abdullah II của Jordan và nhà thiết kế nội thất nổi tiếng Mica Ertegun.