Sách Tiểu luận về dân Bắc Kỳ. Ảnh: Omega Plus.
Tồn tại từ lâu trong văn hóa dân gian của một số nước Á Đông, Tết Đoan ngọ hay còn gọi là Tết Đoan dương, hoặc Tết diệt sâu bọ diễn ra vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm là một trong những ngày Tết quan trọng trong sinh hoạt văn hóa của người Việt Nam.
Ngày cúng Quan ôn
Các sách sử và khảo cứu của người Việt đã xưa ghi lại không ít những tập tục của lễ tết này (từ chốn cung đình cho đến trong chúng dân). Bên cạnh đó, cũng cần phải kể đến nghiên cứu của số ít học giả người Pháp hoạt động ở Việt Nam trong khoảng thời gian từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
Một trong số đó là cuốn Tiểu luận về dân Bắc kỳ (Essais sur les Tonkinois) - tác phẩm nổi tiếng và quan trọng nhất viết về văn hóa truyền thống Việt Nam - của Gustave Dumoutier (1850-1904), nhà Việt Nam học người Pháp thuộc thế hệ đầu.
Theo Dumoutier, Ngày Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam là ngày cúng Quan ôn. Người xưa quan niệm đây là bè lũ ác thần đông đúc, chuyên rình mò con người và các sinh vật, để giết hại bằng bệnh sốt, chiến tranh, nạn đói, bằng mọi thứ bất hạnh và tai họa. Việc cúng này diễn ra vào đầu tháng 5 - thời điểm nhiệt độ cao vào mùa hè, tạo ra nhiều cái chết cho người An Nam.
Tranh vẽ Triệu Công Minh, một vị Thần ôn dịch trong truyền thuyết. Nguồn: wikipedia / trithucvn.
Dumoutier cho biết việc cúng Quan ôn được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Đối với việc cúng tế riêng cho từng cá nhân, mỗi người tự chế hoặc mua một hình vẽ bằng giấy những sinh vật mà anh ta muốn trừ bỏ ảnh hưởng xấu của quan ôn. Hình vẽ đó có thể là người đàn ông, đàn bà, trẻ con, hoặc những vật nuôi trong gia đình như trâu, ngựa, lợn… Sau khi cúng bái xong, anh ta đem hình đó đốt trong lò vàng mã ở đình làng.
Riêng đồ cúng dành riêng cho hà bá thì không được đốt, mà để trên thuyền nhỏ bằng giấy, và đặt trên bờ sông hoặc thả trôi theo dòng nước.
Để tránh lây bệnh truyền nhiễm cho sản phụ ở cữ, hoặc trẻ nhỏ, người ta treo dưới mái nhà, phía trước cửa một cành xương rồng bôi vôi, hoặc một mẩu gỗ cháy dở. Trường hợp nhà có bệnh nhân đậu mùa cũng làm tương tự để báo cho khách qua đường biết mà tránh.
Người ta còn dùng những linh vật để xua đuổi ma quỷ gây bệnh. Chẳng hạn như để trừ quỷ gây bệnh dịch tả, người ta đeo ở cổ hai lá bùa khác nhau. Lá thứ nhất gồm một bùa, ghi tên các vị thần tứ hải trên giấy vàng nhuộm Thần sa, Chu sa và Hùng hoàng. Thần tứ hải là A Minh - thần biển đông, Chúc Dong (Dung) - thần biển nam, Cự Thừa - thần biển tây, Ngu Cường - thần biển bắc.
Bùa thứ hai được làm bằng chất nhão gồm long não, cây vệ mâu và lưu huỳnh, người ta gọi thứ thuốc bùa này là thuốc trừ.
Như vậy, có thể thấy những ghi chép của Dumoutier về ngày Tết Đoan Ngọ không thật nhiều. Nhưng nó cũng cho chúng ta biết thêm phần nào đó những thông tin về nghi lễ, tập tục trong Tết Đoan Ngọ (có tập tục tương đồng với các công trình khảo cứu khác do người Việt viết, nhưng cũng có những tập tục không còn tồn tại, tương đối xa lạ với ngày nay). Đồng thời, nó cho biết phần nào đó tâm lý người Việt Nam xưa trong dịp Tết này, qua lăng kính của người ngoại quốc.