Theo một cuộc khảo sát vào năm 1982 của Viện thăm dò dư luận Gallup (Mỹ), khoảng 15% người dân Mỹ từng cận kề cái chết (dưới nhiều hoàn cảnh khác nhau) đã báo cáo xuất hiện các trải nghiệm cận tử (Near death experience – NDE). Khoảng 9% báo cáo “các trải nghiệm ngoài cơ thể phổ thông”, 11% nói họ đã tiến nhập vào một cõi khác và 8% nói rằng họ đã gặp các sinh mệnh tâm linh.
Đối với những người mù bẩm sinh có trải nghiệm NDE, việc họ có thể nhìn được vào lúc đó khiến hiện tượng này càng thêm phần bí ẩn.
Một số người cho rằng trải nghiệm cận tử chỉ là các ảo giác, tuy rằng nhiều người nghiên cứu hiện tượng NDE đã phủ nhận cách giải thích này. Tình trạng giảm oxi-huyết thường là một nguyên nhân được viện dẫn. Cái khác là trạng thái xâm nhập chuyển động mắt nhanh—khi trạng thái chuyển động mắt nhanh (REM) thường xuất hiện khi một người đang mơ lại xảy ra ngay khi một người đang thức.
Một trong những nhà nghiên cứu không đồng tình với các cách giải thích này là Robert Mays, người đã nghiên cứu trải nghiệm cận tử trong khoảng 30 năm. Ông đã giải thích trong một buổi nói chuyện tại Hội Thảo năm 2014 của Hiệp hội Quốc tế về Nghiên cứu Cận tử (International Association for Near-Death Studies-IANDS) rằng, các hiện tượng NDE là rất khác biệt so với các trải nghiệm thường được báo cáo trong hai trường hợp giảm oxi-huyết và xâm lấn REM.
Ông Mays đã nói như sau: “Những người trải nghiệm hiện tượng NDE hầu như luôn luôn báo cáo rằng họ đã có một trải nghiệm siêu thực vượt quá phạm vi của trải nghiệm có ý thức thông thường—rằng họ cảm thấy nơi họ đã đến trong NDE là ngôi nhà thật sự của mình, một nơi tràn ngập tình yêu thương thánh khiết, vị tha, vô điều kiện, và rằng họ không còn sợ cái chết nữa”.
“Những đặc điểm này chỉ đơn giản không thấy xuất hiện trong trạng thái giảm oxi-huyết, xâm lấn REM, và tương tự”, ông Mays nói.
Lấy ví dụ, trong một nghiên cứu về trạng thái của người mù lúc đang mơ được công bố trên tạp chí Y học Giấc ngủ vào năm 2014, Amani Meaidi từ Đại học Copenhagen, Đan Mạch, đã phát hiện ra rằng trong số những người bị mù bẩm sinh không ai báo cáo nhìn thấy các cảnh tượng trong giấc mơ của họ.
Đối với những người tham gia có thể nhìn thấy cảnh tượng trong mơ vào lúc nhỏ, nếu thời gian trôi qua càng lâu kể từ khi họ bị mất thị giác, thì càng ít khả năng họ sẽ báo cáo nhìn thấy các cảnh tượng trong mơ.
GS Kenneth Ring từ Đại học Connecticut, Mỹ đã tiến hành một nghiên cứu với những người trải nghiệm NDE vào những năm 1990. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong số 15 trên 21 tình nguyện viên bị mù đã báo cáo nhìn thấy một số cảnh tượng nào đó, 3 người không chắc liệu cái họ trải nghiệm có phải là cảnh tượng nhìn thấy qua thị giác hay không , và 3 người còn lại không nhìn thấy bất cứ thứ gì. Một nửa số người bị mù bẩm sinh cho biết họ đã nhìn thấy một chút gì đó.
Một số người tỏ ra không chắc chắn; điều này có thể có liên quan đến sự lạ lẫm của trải nghiệm thị giác đối với những người bị mù bẩm sinh, bên cạnh tính chất dị thường của các trải nghiệm cận tử.
Thậm chí những người trải nghiệm NDE không bị mù đôi lúc cũng gặp khó khăn trong việc giải thích trải nghiệm này, vì dường như nó vượt quá đời sống bình thường trên rất nhiều phương diện.
Một người đàn ông, bị mù bẩm sinh, bảo với GS Ring rằng ông thấy bản thân mình đứng bên trong một thư viện với “hàng nghìn và hàng triệu và hàng tỷ cuốn sách, dài ngút tận chân trời”. Khi được hỏi liệu ông có nhìn thấy chúng bằng thị giác không, ông đáp, “Ồ, có chứ!” Ông có nhìn thấy chúng rõ ràng không? “Không thành vấn đề”. Vậy ông có ngạc nhiên khi có thể nhìn thấy chúng không? “Không hề. Tôi nói, ‘Nhưng, ông không thể nhìn thấy mà’, và sau đó tôi nói, ‘Ồ, tất nhiên tôi có thể nhìn thấy. Hãy nhìn những quyển sách kia. Đó là bằng chứng cho thấy tôi có thể nhìn được’”.
Vicki Umipeg là một trường hợp cận tử bị mù khác đã được GS Ring phỏng vấn, và cô cũng đã chia sẻ trải nghiệm của mình trong nhiều cuộc phỏng vấn với các kênh truyền thông. Cô đã có một trải nghiệm NDE tương đối dễ chịu, nhưng đã miêu tả điều cô đột nhiên nhìn thấy bằng cụm từ “đáng kinh sợ”.
Lúc đó cô 22 tuổi, và ca hát để kiếm sống tại một hộp đêm ở thành phố Seattle, Mỹ. Một hôm nọ sau giờ làm, cô không thể bắt được một chiếc taxi nào, nên đã chấp nhận đi nhờ xe của một số người khách đang say xỉn. Chiếc xe xảy ra tai nạn, và cô đã bị các vết thương nghiêm trọng, bao gồm chấn thương sọ não.
Trong bệnh viện Harborview, cô cảm thấy mình rời cơ thể và trôi nổi lên trần nhà. Cô nghe thấy một bác sĩ nói về khả năng tổn thương màng nhĩ có thể khiến cô bị điếc. Cô có thể nhìn thấy một bác sĩ cúi xuống nhìn cơ thể mình bên dưới. Cô chưa từng nhìn thấy cơ thể của mình trước đây.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi người mù nằm mơ, họ không nhìn thấy gì. Nhưng trong các trường hợp cận tử, họ lại thường có thể nhìn thấy.
Sau đó cô bị hút vào một đường hầm thông ra một nơi có bãi cỏ và con người đang tỏa ánh sáng, cô nói. Trong một cuộc phỏng vấn cho bộ phim tài liệu “Cái ngày tôi chết” (The Day I Died) của đài BBC, cô Umipeg nói, “tôi cảm thấy choáng ngợp trước trải nghiệm này, bởi vì tôi không thể tưởng tượng được ánh sáng là như thế nào”.
Cô Umipeg bị đẻ non và bị mù do phải đặt trong lồng kính. Vì việc phải thở oxy nguyên chất liều cao kéo dài sẽ ảnh hưởng đến mắt, làm tổn thương thần kinh thị giác, từ đó dẫn tới bị mù.
Cô chia sẻ, “Thật tuyệt vời khi được tự do ở ngoài đó, không phải lo lắng bị đụng phải thứ gì”. Nếu cô muốn biết điều gì đó, sự hiểu biết về nó sẽ đến với cô. Khi trở lại cơ thể, cô nói, “Cảm giác thật nặng nề và đau đớn khôn tả”.
GS Ring nhận thấy cô thường dùng những từ ngữ liên quan đến thị giác để miêu tả ngay cả những thứ bên ngoài trải nghiệm NDE của cô. Lấy ví dụ, cô sẽ nói về việc “xem” TV, hay sử dụng các cụm từ như “nhìn này”, và tất nhiên cô không dùng những từ này theo nghĩa đen. GS Ring viết: “Tuy rằng quan sát này không nhất định phủ nhận lời chứng trong các báo cáo của chúng tôi, nhưng nó nhắc nhở chúng tôi phải cẩn thận hơn khi diễn giải câu chuyện của những đối tượng nghiên cứu bị mù”.
Ngôn ngữ thị giác có thể đã được những đối tượng nghiên cứu bị mù sử dụng để miêu tả một số cảm giác khó diễn tả bằng lời, ông kết luận.
Ông trích dẫn phản ứng của một đối tượng nghiên cứu không chắc chắn về khả năng nhìn thấy của mình trong trải nghiệm NDE: “Tôi nghĩ chúng là một chuỗi cảm giác kết hợp, khi tất cả các giác quan này, ví như thị giác, xúc giác, tất cả đầu vào thông tin mà tôi có, hòa trộn lại thành một số hình ảnh trong tâm trí tôi. Tôi không thể nói chắc rằng tôi đã thật sự nhìn thấy điều gì đó, nhưng đúng là tôi đã nhận thức được điều gì đó đang xảy ra, và hiểu được tất cả chúng trong tâm trí tôi. … Nhưng không nhớ được chi tiết. Đó là lý do tại sao tôi không thích miêu tả nó như một trải nghiệm thị giác”.
GS Ring đi đến kết luận: “Trước đó chúng tôi có đặt ra câu hỏi là, nếu những cá nhân này không thực sự nhìn thấy, thì họ đã trải nghiệm điều gì. Với câu hỏi này, chúng tôi cho rằng đây là một trạng thái ý thức siêu việt, một loại trạng thái ý thức và phương thức hiểu biết đặc thù, có cả ở những người mù lẫn người bình thường trong quá trình trải nghiệm NDE, một lĩnh vực hiện cần một lời giải thích”.