Chiến cuộc giải phóng thành Đông Quan
Khi tìm hiểu cuộc giải phóng thành Đông Quan năm 1427, chúng tôi rất ngạc nhiên nhận thấy rằng sự kiện này có nhiều điểm tương đồng đến mức kỳ lạ với sự kiện giải phóng Thủ đô 10/10/1954.
Theo các bộ sử cũ, cuối năm 1426, sau chiến thắng Tốt Động, Chúc Động, cuộc khởi nghĩa chống quân Minh của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi đã bước sang một giai đoạn mới. Vương Thông sau thất bại này phải rút về thành Đông Quan cố thủ còn quân Lam Sơn thì kéo ra bao vây Đông Quan. Quân ta đã lập dinh Bồ Đề ở bên bờ sông Hồng để làm sở chỉ huy tấn công thành Đông Quan.
Tuy nhiên, theo mưu kế của Nguyễn Trãi, quân Lam Sơn không chú trọng công thành mà chủ yếu “địch vận”, đánh vào lòng người là chính. Điều này được thể hiện qua hàng chục bức thư dụ hàng Vương Thông do Nguyễn Trãi thay mặt Lê Lợi soạn thảo. Các bức thư này được tập hợp trong sách “Quân trung từ mệnh tập”.
|
Quân ta bắn tin dụ hàng vào trong thành. Nguồn: Internet.
|
Nhưng triều Minh ngoan cố không chịu rút lui mà tiếp tục điều binh cứu viện. Hai cánh quân do Liễu Thăng và Mộc Thạnh chỉ huy kéo sang nước ta định giải vây cho Vương Thông. Được tin quân cứu viện nhà Minh sắp sang, một số tướng xin đánh gấp thành Đông Quan nhưng Nguyễn Trãi can gián cho rằng đánh thành là hạ sách.
Theo mưu kế của Nguyễn Trãi, quân Lam Sơn đã nhử cánh quân Liễu Thăng vào sâu nội địa và dùng mai phục mà tiêu diệt đạo quân này. Cánh quân Mộc Thạnh còn đang ở biên giới, nghe tin Thăng bị thất bại bèn quay gót rút chạy không dám đánh sang.
Sự thất bại của đạo quân cứu viện đã làm suy sụp ý chí của tập đoàn Vương Thông trong thành Đông Quan. Cũng do tác động ngoại giao của Nguyễn Trãi, Vương Thông chấp nhận xin giảng hòa để rút quân. Hội thề Đông Quan được tổ chức cuối năm 1427 và hẹn đến tháng chạp âm lịch năm đó quân Minh phải rút hết.
Cùng một cách làm nên lịch sử
Với những diễn biến vừa nêu, chúng ta thấy rằng chiến cuộc thành Đông Quan và sự kiện giải phóng Đông Quan năm 1427 có nhiều nét rất giống với sự kiện giải phóng Thủ đô 1954.
Trước hết, cả hai lần giải phóng Thăng Long – Hà Nội đều là kết quả của một chiến thắng quân sự ở nơi khác. Trong năm 1427, chiến thắng quân sự quyết định là ở Chi Lăng – Xương Giang còn năm 1954 là ở Điện Biên Phủ.
Sự giống nhau thứ hai là chiến tranh đều kết thúc thông qua biện pháp ngoại giao. Năm 1954, quân ta vào tiếp quản Thủ đô sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết còn năm 1427 nghĩa quân Lam Sơn vào thành Đông Quan sau Hội thề Đông Quan – một hình thức tương tự như việc ký hòa ước.
Nét giống nhau thứ 3 là trước khi phải rút khỏi Đông Quan – Hà Nội, quân địch cũng bị rơi vào thế bị động, bị bao vây khắp nơi. Trong năm1427, tập đoàn quân sự của Vương Thông bị quân ta vây hãm ở Đông Quan. Nhiều thành trì khác quân ta đã lần lượt đánh chiếm hoặc dụ hàng cho nên đạo quân của Vương Thông không có cách gì xoay chuyển tình thế, chỉ còn trông chờ vào viện binh hoặc đầu hàng.
|
Lính Pháp chuẩn bị rút khỏi Hà Nội trước khi quân đội Việt Minh tiến vào. Nguồn: Life.
|
Tình trạng thê thảm của đạo quân này còn được lưu giữ trong bức thư “Lại dụ Vương Thông” do Nguyễn Trãi soạn trong “Quân trung từ mệnh tập”. Bức thư viết: “Nay ông một mình giữ thành trơ trọi, đã trải qua bao năm tháng, mà quân cứu viện lại không đến được. Muốn đánh thì không đánh nổi, muốn giữ thì không giữ vững, lại câu nệ về ý riêng của mình, xua mạng người vào trong đám giáo mác, ta sợ rằng lòng hiếu sinh của thượng đế, tất không để cho làm thế đâu”.
Trong một bức thư khác gửi cho Vương Thông, Nguyễn Trãi lại chỉ ra 6 điều tất thua của Thông: Một là trời và người không ưa, vận hưng thịnh gần hết. Hai là ngồi giữ tòa thành trơ trọi, viện binh không đến được, thế đã cùng quẫn. Ba là khí thế quân lính đã nhụt kém không chịu theo lệnh. Bốn là hết đường kiếm củi, cắt cỏ, lương thảo đều thiếu. Năm là nước lụt tràn ngập làm tường vách sạt đổ. Sáu là người trong thành bị hãm đã lâu muốn được về nhà tất sinh ra nội biến.
Hơn 500 năm sau, bước vào chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, quân Pháp cũng ở trong tình cảnh tương tự quân Minh. Họ bị động đối phó trên chiến trường. Mặc dù không bị vây giữa 1 tòa thành trơ trọi như quân Minh nhưng họ bị vây hãm trong thế trận chiến tranh nhân dân của cả dân tộc Việt Nam đã quyết định đứng lên giành độc lập.
Cho đến khi thực hiện kế hoạch của Navare, Pháp cũng không còn hy vọng gì vào chiến thắng quân sự mà thực tế chỉ muốn giành được một ưu thế nào đó để rút khỏi chiến tranh trong thế thắng mà thôi. Nhưng khi chiến dịch Điện Biên bắt đầu thì niềm hy vọng ấy cũng tắt dần và sự chấn động do thất bại Điện Biên mang lại đã buộc Pháp phải ký hiệp định Giơ-ne-vơ.
Một điểm giống nhau nữa là trong lịch sử có nhiều lần quân dân ta tiến về giải phóng Thủ đô nhưng chỉ năm 1427 và năm 1954 có chuyện quân ta vào tiếp quản trong hòa bình đồng thời quân giặc bại trận lầm lũi rút đi.
Năm 1427, cuộc rút quân lầm lũi của quân Minh được Nguyễn Trãi mô tả trong “Bình Ngô đại cáo” bằng những câu:
“Mã Kỳ, Phương Chính cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến biển mà vẫn hồn siêu phách lạc
Vương Thông, Mã Anh phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến nước mà vẫn tim đập chân run”.
Trong cuộc tiếp quản Thủ đô năm 1954, theo hồi ký “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: khi quân ta đến Cầu Giấy làm thủ tục bàn giao, các xe bọc thép Pháp, đường phố vắng tanh vì đang lệnh giới nghiêm. Trong lúc đoàn xe bọc thép Pháp chưa quay đầu khỏi thì dân chúng đã ùa ra vẫy cờ, tặng hoa những người lính Trung đoàn Thủ đô trở về sau 9 năm kháng chiến gian khổ mà vinh quang.
Rõ ràng hình ảnh lầm lũi của các xe bọc thép Pháp rút qua cầu Long Biên cũng giống với những bóng tướng nhà Minh với bộ mặt thất thần cưỡi ngựa vượt qua sông Hồng năm nào. Chỉ khác là quân Minh thì rút về biên giới phía Bắc để về Trung Quốc còn quân Pháp thì qua cầu Long Biên theo đường 5 xuống Hải Phòng để từ đó rút bằng tàu thủy vào Nam theo Hiệp định Giơ-ne-vơ.