Vào giai đoạn Thanh triều thống trị Trung Hoa, nam giới đều buộc phải tuân theo quy định để kiểu tóc gọt nửa đầu, sau gáy tết đuôi sam.
Có ý kiến cho rằng, kiểu tóc đuôi sam đặc trưng của đàn ông nhà Thanh không những không được tự nhiên mà còn bị đánh giá là thiếu thẩm mỹ.
Tuy nhiên để tạo ra uy thế cho Mãn tộc, giai cấp thống trị của Đại Thanh đã ép tất cả đàn ông phải để kiểu tóc này, thậm chí còn đưa ra điều luật hà khắc: "Để tóc thì mất đầu, để đầu thì cạo tóc".
Vậy đâu là lý do khiến kiểu tóc kỳ lạ trên lại được Thanh triều tôn sùng đến thế?
Nguồn gốc của kiểu tóc "chẳng giống ai" thịnh hành vào thời nhà Thanh
|
Kiểu tọc cạo trọc nửa đầu và để đuôi sam ở phía sau từng được coi là đặc trưng của đàn ông Thanh triều. (Ảnh: Nguồn Baidu). |
Theo các nguồn sử liệu ghi lại, nguyên nhân khiến đàn ông Mãn tộc coi trọng kiểu tóc kỳ lạ trên xuất phát từ một tín ngưỡng.
Từ thời xa xưa xưa, tổ tiên của tộc Mãn Châu là người Nữ Chân. Trong quan niệm của bộ tộc này, đầu và tóc là những bộ phận vô cùng được xem trọng.
Vì vậy, nếu đàn ông trong tộc không may chết trận nơi xa trường, hài cốt có thể được táng ở bất cứ đâu, nhưng phần tóc đuôi sam nhất định phải được cắt và đem về tận nhà để an táng, chiêu hồn.
Ngoài ra, kiểu tóc này còn được ưa chuộng bởi nhiều công dụng thực tế trong đời sống.
Cụ thể, người Nữ Chân khi xưa từng lấy việc săn bắn làm kế sinh nhai. Bởi thường xuyên phải cưỡi ngựa và đi săn trong rừng, họ buộc phải cạo đi phần tóc phía trước và tết gọn phần tóc phía sau để tránh bị tóc che khuất tầm nhìn cũng như tránh vướng phải chướng ngại vật.
Hơn nữa, so với những mái tóc dài phải búi cầu kỳ như đàn ông Hán tộc, kiểu tóc của nam giới Mãn tộc giới tiện lợi hơn rất nhiều. Ban ngày khi làm việc họ có thể cuốn gọn phần đuôi sam vào cổ hoặc đỉnh đầu, tới lúc tối khi đi ngủ cũng dễ dàng cởi ra để làm gối.
Liên quan tới kiểu tóc kỳ lạ này, dân gian còn lưu truyền một giai thoại khác.
Theo đó, từ thời xa xưa, bộ tộc Nữ Chân từng có một anh hùng kiệt xuất tên là Thúc Cơ Năng. Bởi vì người này ở phần trước trán và hai bên tóc mai đều không có tóc, cho nên còn được gọi là Thốc Phát Thúc Cơ Năng.
Nỗ Nhi Cáp Xích sau khi thống nhất các bộ tộc Nữ Chân đã quyết định để kiểu tóc giống như người anh hùng trên để tưởng nhớ tiền nhân, cũng ra lệnh cho đàn ông trong tộc phải thực hiện theo mình, từ đó nhằm củng cố niềm tin và sự đoàn kết của bộ tộc.
Sự thật đẫm máu phía sau kiểu tóc đặc trưng của đàn ông Thanh triều
|
Để cho bách tính quy phục Thanh triều, giai cấp thống trị có xuất thân Mãn tộc thời bấy giờ đã bắt tất cả đàn ông phải cạo nửa đầu và để đuôi sam. (Tranh minh họa). |
Khi Thanh triều vừa mới thành lập, ở vào thời điểm điều luật về kiểu tóc mới được thi hành, rất nhiều người đều có ý phản đối.
Để răn đe bách tính, chính phủ nhà Thanh đã thi hành kỷ luật thép, phàm là nam giới không tuân theo kiểu tóc này đều sẽ bị chặt đầu làm gương.
Cũng chính bởi điều luật trên, không ít thảm cảnh máu chảy đầu rơi đã xảy ra, trong đó nổi tiếng phải kể tới hai sự kiện thảm sát là "Gia Định tam đồ" hay "Dương Châu thập nhật".
Trước sự cứng rắn của giai cấp thống trị, kiểu tóc đặc trưng của bộ tộc Mãn Châu đã dần trở nên phổ biến.
Thế nhưng ngoài những ý nghĩa thiết thực kể trên, ẩn sau kiểu tóc này còn là một vài công dụng thiếu nhân văn khác.
|
Kiểu tóc đặc trưng của đàn ông nhà Thanh còn được sử dụng vào việc trói phạm nhân hoặc hành hình. (Ảnh: Nguồn Baidu). |
Theo trang Ifeng, khi nhận định về kiểu tóc này, nhà văn nổi tiếng Lỗ Tấn từng đưa ra đánh giá:
"Chính phủ Thanh triều vào thời điểm bắt người có thể dùng tóc đuôi sam của nạn nhân để thay cho dây thừng. Hơn nữa nếu bắt được nhiều tội phạm, chỉ cần nối đuôi sam của họ là có thể dễ dàng áp giải một hàng dài".
Như vậy, đối với những người phạm tội, phần tóc đuôi sam còn có thể được dùng như một thứ dây trói để khiến họ khó lòng trốn thoát.
Chưa dừng lại ở đó, kiểu tóc này còn được cho là rất thuận tiện cho việc thi hành án chém đầu cũng như thu thập thi thể của phạm nhân.
Xuất phát từ những góc khuất phía kể trên, nhà cách mạng Trung Hoa là Tôn Trung Sơn từng cho rằng kiểu tóc đặc trưng của đàn ông Thanh triều vốn là thứ tượng trưng cho "sự sỉ nhục".