Sau khi lấy được kinh, tại sao Trư Bát Giới vẫn chỉ là lợn?

Google News

Thông thường mọi người chỉ hiểu đơn thuần "Tây Du Ký" là câu chuyện thầy trò Đường Tăng trải qua gian nguy để đến Tây Thiên thỉnh kinh. Tuy nhiên, đằng sau đó còn có những huyền cơ khó giải đáp.

Tác phẩm kinh điển "Tây Du Ký" xoay quanh câu chuyện Đường Tăng cùng với học trò là Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng và Bạch Long Mã sang Tây Trúc bái phật cầu kinh. Trên đường đi lấy kinh, thầy trò Đường Tăng phải trải qua 81 kiếp nạn gặp biết bao gian khổ vượt núi lội sông và cuối cùng đến được đích.

 

Nhưng điều đáng nói ở đây là sau chuyến du hành về phía Tây thành công, Đường Tăng thành Phật, Ngộ Không cũng được thành Phật, Sa Tăng được phong kim cương La Hán. Bạch Long hóa thành rồng trong khi Trư Bát Giới lại chỉ là sứ giả và vẫn giữ nguyên trong hình dạng "nửa người, nửa lợn" thay vì biến thành hình người hoàn toàn?

 

 

Trư Bát Giới khác với Tôn Ngộ Không và Tiểu Bạch Long bởi cả hai sinh ra là một con khỉ, và con rồng, nên sau khi thành Phật, việc biến thành người hay không không quan trọng, bởi đây là hai loài không bị khinh thường. Nhưng Trư Bát Giới thì khác, ban đầu Trư Bát Giới là hình người và giữ chức Thiên Bồng Nguyên Soái phụ trách 8 vạn thuỷ binh ở thiên đình, nhưng bị Ngọc Hoàng đày xuống trần gian và biến thành lợn vì vi phạm luật trời, đây là một loại hình phạt rất nặng.

Thành công của cuộc hành trình đi lấy kinh có ý nghĩa to lớn đối với Phật giáo, Trư Bát Giới đã hoàn thành nhiệm vụ này và thu được rất nhiều thành tựu, nhưng vẫn không thể thay đổi việc anh ta mang hình hài "nửa người nửa lợn".

 

Trên thực tế, sau khi phạm luật trời và bị đày xuống trần gian đầu thai thì Trư Bát Giới biến thành lợn. Tất cả những kỳ tích mà Trư Bát Giới có được đều do bản thân hoàn thành ở kiếp này chứ không liên quan gì đến kiếp trước. Vì vậy, thành quả này không đồng nhất với danh tính của Thiên Bồng Nguyên Soái, mà chỉ đồng nhất với danh tính của Trư Bát Giới ở kiếp này.

Hơn nữa, thân phận của Trư Bát Giới ở kiếp trước là Thiên Bồng Nguyên Soái và thuộc cai quản của thiên đình và đứng đầu là Ngọc Hoàng. Nếu Phật giáo biến Trư Bát Giới thành thân người, thì liệu anh ta có thuộc về Phật giáo không hay tiếp tục thuộc cai quản của thiên đình? Chỉ khi Trư Bát Giới vẫn duy trì hình dáng hiện tại "nửa người nửa lợn", anh ta mới có thể đồng nhất theo Phật giáo.

Nhân vật Trư Bát Giới trong phim "Tây Du Ký" phiên bản 1986.

Trư Bát Giới đã trải qua bao nhiêu gian khổ cùng Đường Tăng và 3 độ đệ khác trên con đường đi thỉnh kinh, nhưng khi thành công lại chỉ được phong làm sứ giả. Điều này khiến Trư Bát Giới không tránh khỏi bất mãn. Trong “Tây Du Ký”, chúng ta có thể thấy Trư Bát Giới hỏi Phật Tổ Như Lai rằng: “Tại sao tôi chỉ là một sứ giả?”. Điều này đã phơi bày suy nghĩ thực sự của Trư Bát Giới khi không thể thành Phật.

Hãy xem Trư Bát Giới đã làm gì trên con đường đi thỉnh kinh. Trư Bát Giới suốt ngày lười biếng, dù năng lực của bản thân không kém nhiều so với Tôn Ngộ Không là bao, nhưng hắn luôn thích làm việc không cần cố gắng, tham ăn và vẫn không buông bỏ khỏi sắc dục. Nhiều khi gặp nạn trên đường, anh ta sẵn sàng chia hành lý và phá hủy sự gắn kết của cả đội hay muốn từ bỏ việc đi tiếp lấy kinh. Vì vậy, cuối cùng Trư Bát Giới không thành Phật cũng có lý do.

 

 

Ngô Thừa Ân khi sáng tạo ra 5 học trò của Đường Tam Tạng đã khéo léo lồng vào đó hình ảnh tâm thức một con người. Năm thầy trò tượng trưng cho 5 thuộc tính của tâm thức: Đường Tăng tiêu biểu cho vị tha, nhân ái; Ngộ Không đại diện cho sức mạnh, trí tuệ; Sa Tăng thể hiện tính nhẫn nại; Bạch Long Mã cần cù, luôn hướng về phía trước; còn Trư Bát Giới điển hình cho dục vọng. 8 dục vọng mà Bát Giới đã hành bao gồm: Tham ăn, háo sắc, tham của, ghen ghét và đố kỵ người tài, giả dối và lừa gạt, lười biếng thích nhàn hạ, sợ khổ và sợ khó, cuối cùng là tham công lao.

 

Nhớ lại trong nguyên tác, khi đến núi Linh Sơn lĩnh hội chân kinh. Như Lai nói: "Tuy tính ương vẫn còn, sắc tình chưa hết, nhưng dọc đường gánh hành lý có công, gia phong nhà ngươi chức chính quả là Tịnh Đàn Sứ Giả".

Đến cuối bước đường tu luyện, cũng chính những nhân tâm dục vọng ấy đã khiến Bát Giới không thể thành Phật, chỉ có thể đắc được một chút ít phước báo mà thôi. Hay nói theo cách khác, vì căn cơ kém cỏi nhất, nên yêu cầu dành cho Bát Giới chỉ dừng lại ở "Ngộ Năng" và "Bát Giới", cũng tức là cần gìn giữ giới luật, tu chính nhân tâm, mới có thể bước vào hàng sa môn.

Nếu người tu luyện vẫn còn ôm giữ các loại dục vọng và tính xấu của người thường, thì lại càng cần phải ngộ về "Năng". Dục vọng của con người mãi mãi không thể thay đổi. Con người chỉ có thể cố gắng nỗ lực để lấn át và kiểm soát dục vọng phần nào. Bởi dẫu có tài năng đến đâu, bản lĩnh đến nhường nào, nhưng nếu người không giữ gìn giới luật, không tu chính nhân tâm, thì sẽ không thể phát huy khả năng vốn có của mình.


Theo Hoàng Anh/Bảo Vệ Công Lý

>> xem thêm

Bình luận(0)