Cuốn sách Thực hành văn hóa tín ngưỡng Việt Nam của tác giả Nguyễn Hạnh, do Nhà xuất bản Trẻ phát hành, được nhận xét là tựa sách giàu giá trị, phù hợp cho dịp Tết cổ truyền.
Cuốn sách dày 504 trang, đào sâu vào các phong tục, tập tục thể hiện văn hóa tín ngưỡng của người Việt, giải thích cội nguồn, ý nghĩa và cách thực hiện những phong tục này, góp phần gìn giữ truyền thống không bị mai một.
Các phong tục dịp Tết được tác giả dành phần lớn cuốn sách để nghiên cứu và phân tích, giúp độc giả hiểu được cặn kẽ vai trò to lớn của dịp lễ cổ truyền đối với nếp sống dân tộc, biết trân trọng và gìn giữ một phần hồn cốt của quê hương.
|
Bìa sách "Thực hành văn hóa tín ngưỡng Việt Nam" (Ảnh: NXB Trẻ). |
Thực hành văn hóa tín ngưỡng Việt Nam tiếp nối công việc biên khảo về tín ngưỡng của người Việt từ thời dựng nước với khái niệm thờ: Trời, đất, tổ tiên.
Bắt đầu từ những niềm tin dân gian, trải qua sự giao thoa văn hóa với các tôn giáo lớn ngoại quốc, người Việt đã có sự tiếp thu và chọn lọc, tạo nên một nền văn hóa tín ngưỡng mang bản sắc riêng độc đáo với nhiều phong tục và tập quán rất đặc trưng.
Trong cố gắng truy nguyên về tận nguồn cội, tác giả đã quay về phân tích nền tảng của văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, đó là chữ "Ơn": Ơn trời, Ơn môi trường sống, Ơn tha nhân (Thiên - Địa - Nhân). Mối tương quan Thiên - Địa - Nhân bao hàm vũ trụ quan và nhân sinh quan.
Cấu trúc cuốn sách này gồm ba phần. Hai phần lớn nhất tập trung phân tích nhân sinh quan và vũ trụ quan trong đời sống tâm linh của người Việt, thể hiện qua các phong tục, tập quán cụ thể.
Các tập tục được kể đến đều rất phổ biến và đã ăn sâu vào nếp sống của người Việt: như tục cư tang - giỗ; quan niệm và cách ứng dụng phong thủy, tục cúi chào - vái lạy; tục thờ Táo quân, tục treo câu đối, tảo mộ, thờ kính tổ tiên, tục mừng tuổi ngày Tết; tục cúng giao thừa,...
Trong đó, các phong tục đón Tết và mừng năm mới chiếm một phần quan trọng, vì gói ghém trong những nghi lễ là tầng tầng lớp lớp những niềm tin và quan niệm truyền thống.
Đi vào từng tục lệ, tác giả phân tích từ khái niệm cho đến thực hành. Trong khái niệm, tác giả giải nghĩa tầm nguyên từ chiết tự chữ Hán, rồi tham khảo vô số các nguồn từ điển và sử liệu phong phú trong và ngoài nước, các truyện cổ và kho tàng ca dao tục ngữ dân gian. Điều này giúp độc giả hiểu được cặn kẽ nguồn gốc và ý nghĩa của các tập tục.
|
Nội dung "Tục treo câu đối ngày Tết của người Việt" trong cuốn sách (Ảnh: NXB Trẻ). |
Sang phần thực hành, tác giả ghi rõ phương thức thực hiện các nghi thức và nghi lễ đó theo truyền thống dân tộc, dựa vào tư liệu là bài thơ, bài viết trong sách, báo, tạp chí xưa...
Ví dụ về lễ giỗ, tác giả đi từ sách Luận ngữ để lý giải vì sao phải chịu tang, vì sao tang phục phải màu trắng, rồi xem Đại Nam Quấc âm Tự vị và tra cứu Phật giáo, lịch sử Trung Hoa để tìm hiểu vì sao có giỗ 49 ngày và 100 ngày.
Về ngày Tết của người Việt, tác giả điểm qua một loạt các tư liệu để trả lời tuần tự các câu hỏi: từ "Tết" và "Nguyên đán" có tự bao giờ, tục đón Tết khởi nguồn từ đâu, tại sao phong tục ngày Tết lại khởi từ chữ Hiếu, Ân, Lễ, Lạc.
Về tục thờ Táo quân, tác giả đối chiếu tục thờ Táo quân của người Trung Hoa, phân tích hình tượng thần bếp và ghi chép chi tiết cách thờ Táo quân của riêng người Việt.
Sự phong phú của các nguồn tài liệu, sự tỉ mỉ trong việc phân tích tầm nguyên, sự chi tiết trong những mô tả, sự cần mẫn trong việc đối chiếu... đã góp phần làm nên giá trị của cuốn sách này.
Bên cạnh tư liệu văn bản, tư liệu hình ảnh cũng chiếm một phần lớn trong cuốn sách, minh họa trực quan và sinh động tất cả yếu tố như: chữ Hán (khái niệm), tranh ảnh dân gian, hình ảnh các món đồ được sử dụng trong phong tục, cách thức thực hiện các phong tục...
Các hình ảnh góp phần quan trọng lý giải phong thủy, giúp độc giả thấy được rõ rệt yếu tố phong thủy trong kiến trúc triều đình nhà Nguyễn, kiến trúc dân gian,... với hình chụp toàn cảnh và hình cận cảnh từng chi tiết.
Mỗi hình đều có chú thích kỹ lưỡng giúp người đọc thấy được từng bộ phận của một công trình kiến trúc.
|
Hai cuốn sách tìm hiểu về văn hóa tín ngưỡng Việt Nam của tác giả Nguyễn Hạnh (Ảnh: NXB Trẻ). |
Thực hành văn hóa tín ngưỡng Việt Nam là cuốn sách biên khảo cặn kẽ, với bề dày tư liệu, bề dày văn hóa và bề dày kinh nghiệm, được thực hiện bởi một nhà nghiên cứu tâm huyết.
Cùng với Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, cuốn sách này góp phần làm phong phú thêm Tủ sách Triết học phương Đông của Nhà xuất bản Trẻ và là tư liệu quý giá cho độc giả tìm hiểu cội nguồn tín ngưỡng của người Việt.
Đây là một kho tàng để người đọc có điều kiện hiểu sâu hơn về lễ nghi, thờ cúng, phong tục tập quán từ ngàn xưa của dân tộc Việt vẫn còn được lưu truyền và phát triển cho đến ngày nay.
Tác giả Nguyễn Hạnh sinh năm 1959 tại Gia Định, là giảng viên đại học các môn: tiếng Việt, Hán Nôm, lịch sử Văn hóa, Văn hóa Tín ngưỡng, triết học phương Đông...
Ông tốt nghiệp Kỹ sư giáo dục tại Đại học Sư phạm Kỹ thuật năm 1981, tốt nghiệp khóa sau đại học chuyên ngành Quản lý giáo dục năm 1995.
Ông đã hợp tác viết sách với Nhà xuất bản Giáo dục về chủ đề âm nhạc, giáo dục công dân, tính danh của người Việt.
Từ năm 1992 đến nay, ông hợp tác Nhà xuất bản Trẻ viết nhiều đầu sách như các sách nghiệp vụ và nghề nghiệp, chân dung danh nhân, rèn luyện kỹ năng học tập và sinh hoạt, Bộ sách 500 câu chuyện đạo đức, bộ sách Di tích lịch sử văn hóa - danh thắng (trên 30 quyển)...
Từ năm 2004 đến nay, ông chuyên nghiên cứu tiếng Việt, Hán Nôm, lịch sử Văn hóa, Văn hóa Tín ngưỡng, triết học phương Đông,...
Bộ 2 tác phẩm Văn Hóa Tín Ngưỡng Việt Nam và Thực hành văn hóa tín ngưỡng Việt Nam của tác giả Nguyễn Hạnh là bộ sách biên khảo về tín ngưỡng của người Việt khởi từ thời dựng nước.