Cái chết của Quan Vũ khiến người ta nhìn thấu trăm vẻ của con người, có người vui mừng, có người đau đớn, có người khinh thường, có người cảm khái, có người thấy chẳng ảnh hưởng gì lớn. Muôn vàn thái độ ấy cũng khiến người ta tranh luận không ngớt về cách bố trí của Quan Vũ ở Kinh châu.
Theo miêu tả trong "Tam quốc diễn nghĩa", khi Quan Vũ bại trận bỏ mình, Lưu Bị ở Thành Đô xa xôi không hề biết việc này. Ngay trong đêm hôm đó, Lưu Bị còn đang xử lý công văn, đột nhiên nhìn thấy bóng dáng của Quan Vũ đứng dưới đèn. Lưu Bị còn tưởng Quan Vũ đến bẩm báo, còn cố tình đùa với Quan Vũ: "Hai huynh đệ ta quen nhau đã nhiều năm như vậy rồi, sớm đã không còn khác biệt quân thần, cớ sao hiền đệ còn phải giữ lễ?"
Lưu Bị vừa nói xong, chỉ thấy bóng dáng của Quan Vũ hô to: "Huynh trưởng xin báo thù cho ta!" Sau đó Quan Vũ biến mất không còn bóng dáng.
Lưu Bị ngẩn ngơ, còn tưởng mình nằm mơ nên cũng chẳng hề để ý, nhưng ba ngày sau ông nhận được tin Quan Vũ bại trận tại Kinh châu, lại không thấy tăm hơi Quan Vũ, sau hai ngày cuối cùng cũng biết tin Quan Vũ bị Đông Ngô giết chết tại Mạch Thành.
Khi ấy Lưu Bị đang xem bản đồ địa hình Ích châu, lời của người đưa tin khiến ông ngây như phỗng. Sau khi xác định lại tin tức hết lần này tới lần khác, ông bèn rút bảo kiếm ra chém lên thớt, hai mắt long lên sòng sọc như muốn lập tức giết chết Tôn Quyền.
Người thứ hai nhận được tin là Trương Phi, ông còn tưởng người đưa tin đang đùa với mình, sau khi được Lưu Bị xác nhận lại nghĩ Lưu Bị cũng đang nói đùa. Trương Phi cho rằng Quan Vũ có thể một mình đánh lại cả vạn người, chỉ có chuyện ông đánh bại kẻ khác, lấy đâu ra chuyện kẻ khác đánh bại ông? Sau đó Trương Phi cáo ốm lui về nhà uống rượu, say tới ba bốn ngày liên tiếp, ai đến làm phiền đều bị ông mắng chửi.
Còn Triệu Vân sau khi nhận được tin, ban đầu còn luống cuống hoảng loạn, nhưng về sau thì thản nhiên chấp nhận. Nhờ có tố chất tâm lý mạnh mẽ, ông đã trở thành người đầu tiên chấp nhận kết quả này.
Gia Cát Lượng sau khi biết tin chỉ bình tĩnh phe phẩy chiếc quạt trên tay, ngoài mặt hay trong lòng đều vẫn vô cùng bình thản, thậm chí khi truy điệu Quan Vũ còn không đau lòng chút nào. Quần thần khác của Thục Hán ít nhiều đều sẽ cảm thấy xót xa, nhưng mức độ không được sâu sắc như Lưu Bị, Trương Phi, đa phần họ chỉ thể hiện ngoài mặt.
Thái độ khác người của Gia Cát Lượng thật ra liên quan tới việc ông và Quan Vũ có tranh chấp tại Kinh châu.
Ban đầu khi Lưu Bị mới tiến quân vào Ích Châu, có để lại Quan Vũ, Trương Phi, Gia Cát Lượng, Mã Lương, Triệu Vân trấn thủ Kinh Châu, trên danh nghĩa Quan Vũ là người nắm quyền ở Kinh Châu, nhưng thực tế việc quân sự, chính trị tại Kinh Châu lại do mấy người họ cùng nhau xử lý.
Vì chiến sự ở tiền tuyến bất lợi, Lưu Bị lại điều động Trương Phi rời Kinh Châu, Gia Cát Lượng và Triệu Vân vào Ích Châu trợ chiến, việc ở Kinh Châu sẽ do Quan Vũ và Mã Lương toàn quyền phụ trách.
Kinh Châu là tâm huyết của Gia Cát Lượng, cũng là mạch máu của Lưu Bị. Gia Cát Lượng hỏi ý kiến Quan Vũ, xem trong tương lai ông định bố trí ra sao? Quan Vũ cho rằng Kinh Châu đất đai rộng lớn, dựa vào sự dũng mãnh của mình, cho dù Tào Tháo hay Tôn Quyền huy động toàn bộ lực lượng tấn công cũng sẽ không chiếm được gì.
Gia Cát Lượng cho rằng Quan Vũ quả thật có năng lực này, nhưng sức mạnh của phía Tào Tháo và Đông Ngô cũng không yếu, bèn đề nghị Quan Vũ quan hệ tốt với Tôn Quyền, hai nhà cùng chống lại Tào Tháo mới là thượng sách.
Lúc này Quan Vũ đáp lại Gia Cát Lượng một cách rất khinh thường, rằng quân sư cứ tha hồ yên tâm, trong thời gian ngắn Tào Tháo không có khả năng ngóc đầu trở dậy, Tôn Quyền cũng chỉ là con chó canh thành không đáng bận tâm, cho dù hai nhà bọn họ có bắt tay lại tấn công, ta cũng có khả năng chia binh lực để chống lại.
Gia Cát Lượng nghe xong không nói thêm gì, người quân sư có tính thận trọng này chỉ còn cách tìm đến Mã Lương. Mã Lương có quan hệ rất tốt với Gia Cát Lượng, cũng xuất thân từ danh gia vọng tộc ở Kinh Châu, Quan Vũ sẽ bằng lòng nể mặt ông đôi phần.
Gia Cát Lượng hy vọng Mã Lương giữ mối quan hệ thân thiết với Đông Ngô, khi xuất hiện bất lợi về chiến sự hoặc đứng trước áp lực quá lớn, nhớ phải viết thư xin ý kiến đối sách từ Lưu Bị. Sau khi Mã Lương gật đầu đồng ý, Gia Cát Lượng mới dẫn quân vào Thục.
Quan Vũ chết không oan, Gia Cát Lượng không cần phải đau lòng
Về sau, việc Gia Cát Lượng lo lắng cũng vẫn xảy ra. Tuy Quan Vũ nhờ vào sức mạnh quân sự khiến cho Tào Nhân đang chiếm cứ vùng Tương Phàn phải cuống cuồng bỏ chạy, nhưng trên thực tế lại không hề đuổi được ông ta ra khỏi Kinh Châu.
Lúc này Tôn Quyền lo ngại Quan Vũ sẽ dẫn tướng sĩ Kinh Châu men theo đường sông đánh xuống Giang Đông, cử hẳn sứ giả tới Kinh Châu xin kết làm thông gia, hy vọng con trai mình có thể lấy con gái của Quan Vũ, dùng cách kết thông gia nhằm suy đoán thái độ của Quan Vũ đối với Giang Đông.
Cách trả lời của Quan Vũ lại khiến tất cả mọi người kinh ngạc. Ông không những không đồng ý việc kết thông gia, còn nói trước mặt sứ giả của Đông Ngô rằng con gái của hổ sao có thể gả cho con trai của chó? Việc này khiến cho Tôn Quyền mất hết mặt mũi.
Sau khi sứ giả báo lại không sót từ nào lời lẽ của Quan Vũ cho Tôn Quyền, liên minh Lưu - Tôn đã hoàn toàn rạn nứt, thậm chí Tôn Quyền còn lệnh cho Đại đô đốc của Đông Ngô là Lã Mông đóng quân ở vùng biên giới Kinh Châu. Sau khi biết tin, Quan Vũ cũng san bớt quân ở tiền tuyến đến bố trí phòng thủ ở biên thuỳ Kinh Châu.
Tào Tháo vốn đang bị Quan Vũ chèn ép gắt gao, sau khi nhận được tin tức, đột nhiên nghĩ ra một kế. Ông phái sứ giả đi sứ Đông Ngô, sẵn sàng lấy cả Kinh Châu để thể hiện lòng thành, đổi lấy việc phía Đông Ngô xuất binh tới Kinh Châu, hai bên cùng nhau chèn ép Lưu Bị.
Sứ giả của Tào Tháo vừa mới trình bày kế hoạch, Tôn Quyền đã sốt sắng đồng ý. Vậy là hai bên cùng trao đổi sách lược.
Cuối cùng quyết định Tào Nhân sẽ giam chân đại quân của Quan Vũ ở Phàn Thành, Đông Ngô thừa cơ đánh úp Kinh Châu, đợi sau khi Đông Ngô thành công thì sẽ đánh lên phía Bắc, cùng Tào Nhân bao vây tiêu diệt Quan Vũ, cuối cùng phân chia Kinh Châu.
Quan Vũ đang chiến đấu ác liệt với Tào Nhân ở tiền tuyến, không hề hay biết Đông Ngô đã chấm dứt quan hệ với Thục Hán và cho xuất quân, còn chưa giành được Phàn Thành đã nhận tin Kinh Châu rơi vào tay giặc, con đường vận chuyển lương thực đã bị cắt đứt.
Trong phút chốc, tinh thần của binh sĩ Quan Vũ trở nên rối loạn, có vô số binh sĩ bỏ lại ông. Quan Vũ đành phải dẫn theo Quan Bình và thân binh phá vòng vây, nhưng lại bị giết chết tại Mạch Thành.
Tư tưởng của Quan Vũ bất đồng với Gia Cát Lượng, thậm chí gây nên tổn thất không thể bù đắp cho Thục Hán, cho chính Gia Cát Lượng. Quan Vũ chết cũng không oan, Gia Cát Lượng hiển nhiên không cần phải đau lòng trước cái chết của ông.
Gia Cát Lượng tuy là một văn nhân, nhưng tầm nhìn chiến lược, mưu lược của ông thậm chí có thể gọi là đỉnh cao của thời đại.
Những đề nghị Gia Cát Lượng đưa ra đều tốt vì xuất phát từ hoài bão lý tưởng và chức vụ của ông, nếu như Quan Vũ chịu nghe lời khuyên, hoàn toàn thực hiện theo yêu cầu của Gia Cát Lượng, có lẽ Kinh châu sẽ không mất, thậm chí bản thân Quan Vũ cũng sẽ không chết.
Khổ nỗi tính Quan Vũ kiêu ngạo, tính cách này giúp ông trở thành một danh tướng, nhưng cũng là một khuyết điểm chí mạng của ông, sau khi bị bắt thậm chí còn không có cơ hội chống cự, quả thật đáng tiếc.
Từ kết cục của Quan Vũ, có thể nhận ra một người không những cần phải có năng lực, mà quan trọng hơn nữa là cần phải biết tiếp thu ý kiến. Suy cho cùng IQ của một người có hạn, trí thông minh của nhiều người tập hợp lại mới có thể giúp mình có được cơ hội phát triển tốt hơn, mới có thể giúp tập thể đi được xa hơn.