Một nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí Precambrian Research đã tìm thấy tàn tích của sinh khối 3,5 tỉ năm trước từ Thành hệ Dresser ở Tây Úc, giúp nhân loại hiểu thêm về các sinh vật sơ khai nhất địa cầu.
|
Một phiến đá cổ đại chứa dấu vết sinh vật 3,5 tỉ tuổi - Ảnh: Đại học Göttingen (Đức)
|
Theo Heritage Daily, đó là một khu vực thuộc nền cổ Pillbara ở Tây Úc, là lớp vỏ lục địa tồn tại từ Liên đại Thái Cổ (Archaean) 3,8-2,7 tỉ năm về trước.
Các phiến đá cổ xưa này có thể thuộc về siêu lục địa Vaalbara hoặc lục địa Ur, vốn đã biến mất từ lâu sau nhiều lần các lục địa trên hành tinh sáp nhập rồi lại tách ra xa nhau.
Nhóm nghiên cứu từ Đại học Göttingen (Đức) đã phân tích bari sunfat - tức đá barit - từ Thành hệ Dresser, từ đó xác định được các hạt cực nhỏ trong mẫu đá là dấu vết của sinh vật sống.
Các hạt này có khả năng đã lắng đọng dưới dạng trầm tích trong vùng nước giữa miệng núi lửa cổ đại, trong khi một số hạt đã được vận chuyển và biến đổi bởi nước thủy nhiệt trong khu vực hoạt động núi lửa.
Bằng cách phân tích các đồng vị carbon, các nhà nghiên cứu chứng minh một thế giới gồm nhiều dạng vi sinh vật khác nhau đã sống ở khu vực lân cận núi lửa này.
Đó là một thế giới tương tự hệ sinh thái ngày nay tại các mạch nước phun nóng bỏng ở Iceland hoặc các suối nước nóng ở Công viên Quốc gia Yellowstone của Mỹ.
Phát hiện này một lần nữa cho thấy các dòng nước ngầm ấm nóng, mang theo nhiều khoáng chất từ lòng đất là nơi sự sống sơ khai trú ngụ, từ dưới đáy biển cho đến các lục địa cổ đại.
Bên cạnh đó, sự phong phú của sinh khối 3,5 tỉ năm trước này cũng cho thấy sự sống đã bắt đầu trên Trái Đất được một thời gian và đã khá đa dạng vào thời điểm vài trăm triệu năm sau khi bắt đầu Liên đại Thái Cổ.
Theo các nghiên cứu trước đây, sự sống Trái Đất có thể bắt đầu vào khoảng 4,1-3,8 triệu năm trước, tức cuối Liên đại Hỏa Thành trước đó hoặc ngay điểm giao nhau Hỏa Thành - Thái Cổ.