Nữ giám đốc Trần Thị Thuần: Thành công từ… bán tăm dạo

Google News

Bị liệt chân trái, bán tăm dạo kiếm sống qua ngày, chị Trần Thị Thuần vượt qua nghịch cảnh, trở thành Giám đốc Hợp tác xã Tâm Ngọc, mang luồng gió mới hy vọng cho nhiều người khuyết tật.

Nhận nhiều thử thách từ cuộc sống: bị liệt chân trái từ khi còn nhỏ, gặp tai nạn khi trưởng thành, chồng bỏ đi bỏ lại con thơ dại… nhưng chị Trần Thị Thuần không nản chí, vươn lên trở thành nữ giám đốc của Hợp tác xã Tâm Ngọc (xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) không chỉ lo được cho bản thân, mà còn trở thành điểm tựa cho bao mảnh đời không may mắn.

Nu giam doc Tran Thi Thuan: Thanh cong tu… ban tam dao
Nữ giám đốc Trần Thị Thuần bên những sản phẩm của HTX Tâm Ngọc. 
Những biến cố cuộc đời
Chị Thuần chia sẻ, khi được 9-10 tháng tuổi, bắt đầu biết đi, một trận sốt cao đã khiến chân trái chị bị liệt, tay trái cũng bị ảnh hưởng, rất yếu. Không thể đi lại, muốn di chuyển, bé Thuần khi ấy phải bò bằng cả chân, tay.
Gia cảnh nghèo khó, bản thân bị tật, chị trải qua tuổi thơ nhiều nỗi buồn tủi. “Mỗi khi đi ra đường, các bạn gọi tôi là con què, Thuần ‘thọt’”, chị kể.
Nu giam doc Tran Thi Thuan: Thanh cong tu… ban tam dao-Hinh-2
 Gia cảnh nghèo khó, bản thân bị tật, chị Trần Thị Thuần trải qua tuổi thơ nhiều nỗi buồn tủi.
Dù sức khỏe không tốt, cô bé Thuần vẫn làm việc nhà, nấu cám lợn cùng các chị. Thế rồi, dần dần, khi bấu vào những thanh củi, Thuần có thể chống gậy đứng lên được.
Khát khao được đi học, Thuần theo chị cả vượt đoạn đường dài rồi ngồi ngoài lớp nghe cô giáo giảng. Nhìn cảnh đó thấy tội nghiệp quá, cô giáo Liệu đã tới động viên gia đình cho Thuần đi học.
Nhà nghèo, bố mẹ bảo nghỉ ở nhà, Thuần đã đi bắt cua, cá để lấy tiền đóng học. Với nỗ lực mạnh mẽ, vượt qua nghịch cảnh, nữ sinh Thuần gần như năm nào cũng đạt thành tích cao trong học tập. Cô còn được bạn bè tín nhiệm làm lớp trưởng, gần như dẫn đầu trong thi đua của trường về hoạt động Đoàn.
Học đến cấp ba, vì nhiều lý do, Thuần phải dừng lại. Khi lập gia đình, được 2 bé trai kháu khỉnh, kinh tế gia đình sa sút, tình cảm vợ chồng rạn nứt. Một lần đang đi xe máy, chị nhận được điện thoại nói tin không hay về chồng, chị đâm vào cột mốc, chân trái (chân bị bại liệt) thêm tổn thương sau tai nạn. Đến giờ, 12 cái đinh vẫn còn trong chân.
Sức khỏe yếu, hai con nhỏ, chồng bỏ đi, chị Thuần xin việc khắp các công ty để có tiền nuôi đám trẻ, nhưng không được nhận. Chị đành đi bán tăm dạo ở Hà Nội.
Vượt lên nghịch cảnh
Là người khuyết tật, sức khỏe yếu, lại không có kinh tế, hơn ai hết, chị Thuần hiểu nỗi vất vả của những người cùng cảnh ngộ. Từ việc làm trà cho gia đình, người thân uống và được mọi người khen ngon, chị Thuần nảy ra ý định sản xuất những sản phẩm có thể nâng cao sức khỏe.
Nu giam doc Tran Thi Thuan: Thanh cong tu… ban tam dao-Hinh-3
 Những mầm xanh được chị Thuần và các xã viên gieo trên đất hoang.
Từng là Chủ tịch Hội người khuyết tật xã Đông Xuân (Sóc Sơn, Hà Nội), chị cùng những người khuyết tật ở xã mình và các xã lân cận tự làm sản phẩm cho chính cộng đồng người khuyết tật dùng, rồi tìm cách bán ra thị trường.
Thấy nhiều ruộng đất tại địa phương bị bỏ hoang, năm 2019, chị Thuần bàn bạc với một số người khuyết tật trong xã thuê lại để trồng dược liệu như hoa nhài, rau má, lá đề, đinh lăng, lạc tiên, sâm, diệp hạ châu… Chị và 6 thành viên đã thành lập Hợp tác xã Tâm Ngọc, cho ra được sản phẩm đầu tiên. Nhưng niềm vui chưa kịp tới, lại là nỗi lo về đầu ra sản phẩm.
“Hai năm đầu tiên, sản phẩm làm ra không bán được, đành phải đi cho, tặng. Nhiều sản phẩm bị mốc, hỏng, phải đổ bỏ, xót xa lắm, vì đó là biết bao tâm sức của mọi người”, chị Thuần tâm sự.
Nu giam doc Tran Thi Thuan: Thanh cong tu… ban tam dao-Hinh-4
 Màu xanh tươi tốt phủ kín mang theo những hy vọng.
Nhận từ cuộc đời nhiều thử thách, nhưng cùng đó cũng là những nghị lực. Không nản chí, chị Thuần và một số thành viên tìm đến các phòng khám Đông y, công ty trà, đại lý đồ uống để giới thiệu sản phẩm.
Thế rồi, quả ngọt đã chín. Các sản phẩm từng bước được người tiêu dùng biết đến, ưa chuộng. Đến nay, 3 sản phẩm được UBND TP Hà Nội công nhận OCOP 4 sao là Cà gai leo trà, Liên hoa trà và Như hoa trà.
Nu giam doc Tran Thi Thuan: Thanh cong tu… ban tam dao-Hinh-5
 Chị Thuần (áo dài) giới thiệu các sản phẩm của HTX Tâm Ngọc với Bộ trưởng Ngoại giao Canada Mélanie Joly trong dịp bà tới thăm và làm việc tại Việt Nam vào tháng 4, năm 2022
Có nguồn thu, sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, tổ chức ngày càng lớn mạnh. Từ người từng phải lang thang bán tăm, kiếm sống qua ngày, chị Thuần trở thành giám đốc một Hợp tác xã với quy mô 41 lao động. Từ chỗ tìm kế mưu sinh cho mình, đến nay, người phụ nữ ấy cùng các thành viên xây dựng được nơi nương tựa cho nhiều người khuyết tật khác.
Điểm tựa cho những người khuyết tật
Chị Bùi Thị Hưng, xã viên của Hợp tác xã Tâm Ngọc, kể, chị vốn là người khỏe mạnh, lành lặn, nhưng biến cố xảy ra năm 2018. Trên đường đi làm về, sau va chạm với ô tô, chị bị hỏng một tay.
Khủng hoảng, buồn bã, chị Hưng trải qua những ngày sống tự ti, chán nản, ngại giao tiếp. Tình cờ được giới thiệu vào làm tại Hợp tác xã Tâm Ngọc, cuộc sống của chị đã có những thay đổi.
Nu giam doc Tran Thi Thuan: Thanh cong tu… ban tam dao-Hinh-6
 Chị Thuần giới thiệu các sản phẩm của HTX Tâm Ngọc với Bộ trưởng Ngoại giao Canada Mélanie Joly trong dịp bà tới thăm và làm việc tại Việt Nam vào tháng 4, năm 2022.
Hàng ngày, chị Hưng đóng gói, dán tem cho hộp chè, thu nhập khoảng 4 triệu/tháng. “Với một người khuyết tật, ở quê, mức đó là quá tốt với tôi. Có công việc, thu nhập, tự lo được cho cuộc sống của bản thân, tôi không còn nghĩ về khiếm khuyết của mình nữa”, chị Hưng chia sẻ.
Cũng giống chị Hưng, từ khi được dạy nghề miễn phí và nhận vào làm việc tại Hợp tác xã Tâm Ngọc, chị Phan Thị Trà My thấy cuộc sống có nhiều niềm vui hơn. Bị bệnh tim bẩm sinh, mắt kém, trước kia, chị My ở nhà phụ giúp mẹ làm bếp. “Đi làm có thu nhập, có tập thể, được gặp gỡ mọi người, em thấy rất vui, không còn buồn bã, tự ti như trước nữa”, chị My tâm sự.
Thấu hiểu những khó khăn của người khuyết tật, Giám đốc Trần Thị Thuần đã tạo điều kiện, hết lòng giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ. “Tất cả người khuyết tật đến với Tâm Ngọc, em đều ưu tiên cho thử việc. Nếu học và làm được, Hợp tác xã sẽ sắp xếp việc”, chị Thuần nói.
Với những đóng góp vào sự phát triển về kinh tế, xã hội của địa phương, năm 2021, Hợp tác xã Tâm Ngọc được UBND TP Hà Nội tặng bằng khen trong chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Tiếp đó, năm 2022, chị Thuần được tôn vinh là một trong 50 thanh niên tiêu biểu trong chương trình “Tỏa sáng Nghị lực Việt” do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức. 
Giám đốc Trần Thị Thuần chia sẻ, niềm vui lớn nhất đối với chị là sự đổi thay trong suy nghĩ của những người khuyết tật đã và đang làm việc tại Hợp tác xã. Trước khi vào đây, các bạn đều mặc cảm về khiếm khuyết của mình, nay đều tự tin với tâm thế sống bằng chính sức lao động của bản thân.
“Tôi muốn nhắn nhủ với những người cùng cảnh ngộ rằng, sức mạnh không đến từ thể chất, mà từ ý chí bất khuất của chúng ta”, chị Thuần nói.
Mời quý độc giả xem video: Niềm vui của các em nhỏ vùng cao khi được xem phim hoạt hình từ "rạp chiếu phim di động" . Nguồn: NVCC.

Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)