Lăng mộ của pharaoh Tutankhamun
Năm 1922, nhà khảo cổ học Howard Carter và nhóm khảo cổ của ông đã phát hiện lăng mộ của pharaoh Tutankhamun (còn gọi là vua Tut) nổi tiếng của
Ai Cập cổ đại ở Thung lũng các vị vua, Luxor, Ai Cập. Khi vào bên trong lăng mộ, các chuyên gia vô cùng kinh ngạc trước kho báu khổng lồ với hàng trăm cổ vật cực giá trị, trong đó có mặt nạ vàng của pharaoh Tutankhamun.
Việc phát hiện lăng mộ của pharaoh Tutankhamun đánh dấu dấu mốc quan trọng trong lịch sử khảo cổ học. Tutankhamun là một vị hoàng đế Ai Cập ở triều đại thứ 18 lên ngôi từ khi còn nhỏ và qua đời khi mới 18, 19 tuổi. Thông qua phân tích xác ướp Tutankhamun, các chuyên gia phát hiện vị pharaoh huyền thoại này gặp một số vấn đề về sức khỏe và phải sử dụng gậy chống để di chuyển. Cho đến nay, nguyên nhân cái chết đột ngột của pharaoh trẻ tuổi Tutankhamun vẫn còn là điều bí ẩn.
Rosetta Stone
Có niên đại vào năm 196 TCN, Rosetta Stone (tảng đá Rosetta) do các các linh mục Ai Cập viết nhằm ủng hộ pharaoh Ptolemy V (khi đó mới 13 tuổi) cai trị đất nước.
Rosetta Stone gây chú ý đối với giới khảo cổ khi thông điệp trên tảng đá này được viết bằng 3 ngôn ngữ: chữ tượng hình Ai Cập, ngôn ngữ Demotic và Hy Lạp cổ đại. Năm 1799, một lính Pháp đã tìm thấy hòn đá này khi đang bới cát ở Ai Cập. Vào thời điểm đó, chỉ có ngôn ngữ Hy Lạp cổ đại được biết đến.
Do những thông điệp khắc trên Rosetta Stone được viết bằng 3 ngôn ngữ nên căn cứ vào ngôn ngữ Hy Lạp cổ đại mà các chuyên gia, nhà khoa học giải mã được hai ngôn ngữ còn lại. Rosetta Stone trở thành một trong những khám phá vĩ đại nhất của khảo cổ học cho đến nay và là nguồn tư liệu cơ bản cho việc khám phá chữ tượng hình Ai Cập.
Sách giấy ở Oxyrhynchus
Trong khoảng thời gian từ năm 1896 - 1907, nhà khảo cổ học Bernard Grenfell và Arthur Hunt phát hiện hơn 500.000 tài liệu cổ được viết trên giấy cói có niên đại khoảng 1.800 năm tuổi. Các chuyên gia đã phát hiện những tài liệu quý này ở Oxyrhynchus - một thành phố ở phía Nam của Ai Cập thời cổ đại.
Vào thời đó, người dân ở Oxyrhynchus sau khi sử dụng xong các văn bản viết thường vứt chúng vào các hố rác được đào sẵn. Những thứ tưởng chừng là rác đó được bảo quản rất tốt trong cái nắng nóng của sa mạc đã khiến những tài liệu cổ này còn gần như nguyên vẹn trong gần 2 thiên niên kỷ.