Từ Kim tự tháp châu Mỹ…
Kim tự tháp là một đặc trưng văn hóa cổ Ai Cập, thế nhưng nhiều nơi trên thế giới cũng có những công trình được người ta gọi là Kim tự tháp: nổi tiếng nhất là vùng Trung và Nam Mỹ kỳ bí của thổ dân xứ này. Có thực sự nền văn minh Ai Cập đã sớm truyền bá qua Nam Mỹ trước thời Colombo? Những kiến trúc này có nguồn gốc từ đâu? Và tại sao Kim tự tháp Ai Cập lại nổi tiếng khắp năm châu bốn biển, còn Kim tự tháp châu Mỹ lại ít người biết đến?
Nguyên nhân là do bộ lạc xây dựng Kim tự tháp châu Mỹ đột nhiên biến mất. Tất cả các Kim tự tháp và hàng trăm TP, thị trấn lớn nhỏ vây quanh chúng cũng bị rừng rậm nhiệt đới nuốt, trong đó đại bộ phận bị chìm sâu trong lòng bùn đất, biến mất khỏi tầm mắt con người. Đầu thế kỷ XX, một cuộc khai quật khảo cổ với quy mô lớn, bước đầu con người đã vén được tấm mạng che mặt của Kim tự tháp châu Mỹ. Châu Mỹ có khoảng 20 Kim tự tháp to nhỏ, được xây dựng vào thế kỷ XIV-VIII trước Công nguyên. Từ quy mô hùng vĩ và nghệ thuật kiến trúc điêu luyện của Kim tự tháp châu Mỹ, người ta nhận thấy vẻ đẹp của chúng không kém vẻ đẹp của Kim tự tháp Ai Cập, thậm chí có Kim tự tháp còn vượt cả Kim tự tháp Ai Cập.
Kim tự tháp Ai Cập là phần mộ của các Pharaon, nhưng Kim tự tháp của châu Mỹ lại không phải như thế. Kim tự tháp châu Mỹ đại bộ phận là tế đàn để hiến tế cho các vị thần thánh và cúng lễ. Kim tự tháp do các khối hình vuông tạo thành, từng tầng một xếp chồng lên nhau, thu nhỏ dần lên phía trên; có 4-5 tầng, có cái tới 20 tầng; cao nhất tới 80m. Xung quanh tháp hoặc 2 mặt tháp là các bậc đá dốc đứng để leo lên tới đỉnh. Trên đỉnh rộng rãi có tế đàn hoặc miếu thần. Ngoài việc tiến hành nghi lễ tế lễ thần vào các ngày tế lễ đặc biệt để cầu xin giải trừ thiên tai, một ngày người ta còn lên đỉnh tháp thờ cúng thần 4 lần. Bên trong Kim tự tháp được đắp bằng đất, cát, sỏi, đá - đây là điều khác biệt với Kim tự tháp Ai Cập. Thoáng nhìn, cả hai loại Kim tự tháp gần như nhau. Nhưng thực sự chúng có những cốt lõi khá khác biệt nếu nghiên cứu sâu. Một vài ví dụ về sự khác biệt kiến trúc này. Người Mayas và người Artez có nhiều Kim tự tháp, nhưng nổi tiếng lại là Kim tự tháp Mặt trời và Kim tự tháp Mặt trăng Teotihuacan của người Teotihuacano. Kim tự tháp Mặt trời ở Teotihuacan là Kim tự tháp có hai bậc thang lớn nhất vùng Trung Mỹ, cao 71,2 m và chu vi đáy 893,9 m. Nó được xây dựng vào khoảng năm 100 sau Công nguyên dùng để thờ rhần Rắn lông vũ, nhưng lại bị bỏ hoang phế nhiều thế kỷ. Người ta biết đến Kim tự tháp Mặt trời chỉ trong 500 năm trở lại đây. Kỳ quan này còn có thể gọi là Kim tự tháp thời đại, vì theo một truyền thuyết cổ xưa của Mexico, Kim tự tháp này đánh dấu nơi thời đại bắt đầu.
Kim tự tháp được dựng lên cách đây gần 2.000 năm như một đài tưởng niệm, một nơi để thờ những vị thần vĩ đại và có lẽ cũng là lăng mộ của nhà thống trị đã xây dựng công trình. Cao 60 m so với đồng bằng trong thung lũng Teotihuacan thuộc vùng cao nguyên miền trung Mexico khí hậu lạnh khô, Kim tự tháp là thành tựu kiến trúc tinh xảo nhất ở Teotihuacan, TP lớn đầu tiên của Mexico cổ đại. Teotihuacan trong thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên chỉ là một trong hai TP thịnh vượng thuộc thung lũng Mexico, mỗi TP đều nằm trong vùng đồng bằng tựa lưng vào núi. Một vài trăm năm trước Công nguyên, Teotihuacan lâm vào tình thế hiểm nghèo, sau cùng chôn vùi TP này dưới dòng dung nham. Dân tị nạn tìm thấy một quê hương mới, nơi họ cùng con cháu tiếp tục xây dựng các công trình lớn nhất Mexico cổ đại.
TP Teotihuacan phát triển bao quanh Kim tự tháp Mặt trời với mạng lưới đô thị có dân định cư chiếm diện tích 20 km², dân số hơn 100.000 người. Giới học giả cho rằng dân tị nạn tự nguyện xây dựng hai công trình này, do các nhà cai trị Teotihuacan giám sát, và để phục vụ các vị thần linh thiêng của TP.
Đầu thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên, lực lượng lao động của Teotihuacan xây dựng con đường đắp cao ngày nay gọi là Đại lộ tử thần, đầu phía Nam con đường nằm ở lối vào hang, đầu phía Bắc nằm ở chân núi, nơi đây người ta xây Kim tự tháp Mặt trăng, công trình kiến trúc đồ sộ đầu tiên của TP.
Đến cuối thế kỷ, công việc tập trung vào việc mở rộng ngôi đền trong hang đến tận Kim tự tháp Mặt trời. Người ta chỉ hiểu biết sơ sài về các giai đoạn xây dựng, các cuộc khai quật sau này cuối cùng mới tìm ra lời đáp trọn vẹn cho câu hỏi Kim tự tháp trải qua bao nhiêu lần tái xây dựng. Thế nhưng, ai cũng biết rõ phần móng của Kim tự tháp là hình vuông khổng lồ, mỗi cạnh 349 m. Trong chu vi này, phiên bản áp chót của Kim tự tháp được xây dựng trên một nền hình vuông, mỗi cạnh khoảng 184 m, đạt đến độ cao khoảng 46 m. Phần lõi gồm lớp tro núi lửa đầm chặt, gạch bùn phơi nắng và sỏi núi lửa phủ một lớp vữa dày làm từ nhiều loại sỏi núi lửa, bên ngoài là lớp vữa đá vôi và lớp sơn.
|
Kim tự tháp Teotihuacan ở Mexico. Ảnh tư liệu |
…đến Kim tự tháp ở châu Âu
Vào đầu thế kỷ 21 các nhà khảo cổ đã bắt đầu đào bới một khu vực mà họ hy vọng là đang ẩn giấu một Kim tự tháp cổ bên dưới một quả đồi bí ẩn ở Bosnia - nơi từ lâu đã là chủ đề của truyền thuyết. Trưởng nhóm nghiên cứu Bosnia cho biết mô đất nổi lên trên thị trấn nhỏ Visoko tương tự như các địa điểm Kim tự tháp ở châu Mỹ Latinh mà ông từng nghiên cứu. Nghiên cứu sơ bộ quả đồi, được gọi là Visocica, đã tìm thấy một sườn dốc 45 độ, có hình dáng hoàn hảo hướng về 4 phía và một đỉnh bằng. Dưới các lớp đất đá, công nhân đã khám phá ra một lối vào bằng phẳng lát đá, các lối vào dẫn đến những đường hầm và các tảng đá lớn có thể là một phần của mặt ngoài cùng của Kim tự tháp. Ảnh vệ tinh và nhiệt học đã tiết lộ hai quả đồi hình Kim tự tháp nhỏ hơn trong thung lũng Visoko. Các công nhân cứu hộ đã được gửi tới một đường hầm, nơi được cho là một phần của hệ thống ngầm nối 3 quả đồi trên.
Từ trên cao, nhìn bằng mắt thường cũng có thể dễ dàng nhận ra các yếu tố cơ bản của một tòa Kim tự tháp kinh điển: bốn mặt dốc hoàn hảo cùng chụm vào một điểm, chóp nón bằng phẳng và một lối vào phức tạp. Trên đỉnh của Kim tự tháp cũng từng tồn tại một tòa thành có tường lớn bao quanh thời Trung cổ, nơi trị vì của một vị vua hùng mạnh trong lịch sử dân tộc Bosnia: vua Tvrtko xứ Kotromanic (1338-1391).
Kim tự tháp của Bosnia có chiều cao 220m, là Kim tự tháp cao thứ ba trên thế giới, chỉ đứng sau Kim tự tháp Lớn của Ai Cập. Bốn mặt của nó được xây dựng chính xác theo các hướng Bắc-Nam, Đông-Tây. Mặt phía Bắc của nó cũng hướng thẳng vào các chòm sao phía Bắc (giống như Kim tự tháp Ai Cập), song song với sao Bắc Đẩu. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành khảo sát bằng nhiều phương pháp hiện đại như ảnh vệ tinh, đo đạc ra đa… Kết quả là họ phát hiện thấy dấu tích của những lối đi giao nhau 90 độ, hệ thống thoát nước và những kiến trúc nhân tạo khác. Các cạnh bên của công trình có góc nghiêng 45 độ hoàn hảo. Việc khai quật khảo cổ cũng phát lộ những khối đá được đẽo gọt dùng để xây dựng nên các bức tường của Kim tự tháp. Đặc biệt là bên cạnh đá tự nhiên, người ta còn phát hiện ra những phần vật liệu kết hợp, giống như bê tông ngày nay.
Dựa vào những đo đạc theo phương pháp đồng vị phóng xạ, người ta ước tính công trình kiến trúc này được xây dựng vào khoảng 27-12.000 năm trước. Điều kỳ lạ là vào khoảng thời gian trên, khu vực Balkan vẫn còn nằm trong giai đoạn cuối của Kỷ Băng Hà, với lớp lớp sông băng và khí hậu cực kỳ khắc nghiệt. Những cư dân hiếm hoi có mặt vào thời điểm đó là những nhóm người thuộc cuối thời kỳ Đồ đá cũ, sinh sống rải rác trong các hang động bằng việc săn bắt và hái lượm. Những người này không có công cụ hoặc kỹ năng để có thể xây dựng nên một công trình vĩ đại như Kim tự tháp.
Kế đến là những Kim tự tháp khổng lồ, được phát hiện ở Luganshchina, Ukraine. Các nhà khoa học kết luận rằng 5.000 năm trước, một nền văn minh phát triển đã tồn tại trên mảnh đất là Ukraine ngày nay. Phát hiện lý thú này do các em học sinh phổ thông trong một chuyến tham quan khảo sát đã tìm ra. Đến nay, chỉ phần đỉnh của công trình đồ sộ là được hé mở và các nhà khoa học cho biết cần cả một thập kỷ để quét sạch đất cát khỏi Kim tự tháp. Không có vàng hay vật quý nào được tìm thấy trong Kim tự tháp. Tuy nhiên, bản thân công trình là vô cùng quý giá bởi các nhà khoa học tin rằng cuộc điều tra kỹ lưỡng về công trình này sẽ thay đổi đáng kể sự hiểu biết về lịch sử châu Âu cổ đại. Cho đến giờ những công trình này tuy chưa được khảo sát và nghiên cứu quy mô, nhưng đều là những địa điểm hết sức hứa hẹn của các nhà khoa học.