Trong quan niệm dân gian Việt Nam, có rất nhiều điều kì bí không thể lí giải được trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, chúng thực sự rất có hiệu quả và có những điều đại kị nên tránh để con luôn khỏe mạnh và ăn tốt. Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không cổ súy.
Lý tưởng nhất là phòng của một đứa trẻ nên được ở giữa, hay phần trước của ngôi nhà, để tạo ra cảm giác là điểm trọng tâm, được yêu thương chăm sóc, an toàn. Không nên chọn nhà để xe, nhà kho, hay một không gian trống bên dưới làm phòng ngủ cho bé. Phòng ngủ cũng không nên đặt nơi có tiếng ồn quá mức, giữ cho em bé có được giấc ngủ sâu, không chọn phòng gần một phòng khách nơi có TV hoặc gần một con đường ồn ào.
Đặt đầu giường của em bé dựa vào một bức tường vững chắc (không phải theo chiều dọc). Thông thường cha mẹ đặt chiều dài của nôi hay giường của trẻ vào tường. Tránh làm điều này vì em bé sẽ ở một vị trí phòng thủ. Dòng năng lượng sinh khí bị tắc nghẽn. Nên đặt giường hoặc nôi ở điểm xa nhất từ cửa phòng.
Những điều thường xảy ra với trẻ nhỏ người lớn cần chú ý
1. Trẻ sơ sinh khóc đêm nhiều
Trẻ nhỏ hay khóc khi đêm về gọi là khóc dạ đề. Cha mẹ sang nhà hàng xóm mượn một con dao cũ, đã cùn quăng xuống gầm giường nơi trẻ nằm. Đến đêm bé sẽ dừng khóc, ngủ ngon lành.
2. Trẻ sơ sinh ngủ mãi không dậy
Khi bé ngủ không chịu dậy, mẹ hãy xin vài sợi tóc mai của người khác họ (không cùng huyết thống hay họ hàng). Cầm những sợi tóc này phe phẩy vào miệng trẻ, trẻ sẽ ngo nguậy tỉnh ngay sau đó.
3. Tránh sự lộn xộn
Phòng của trẻ nên được tổ chức ngăn nắp, hợp lý, bởi vì sự lộn xộn sẽ phá vỡ dòng chảy của năng lượng và tạo nên cảm giác về sự hỗn loạn, mơ hồ. Nếu căn phòng có thùng rác, nó phải được đậy kín mọi lúc và làm sạch thường xuyên. Bố mẹ nên dạy trẻ cách làm việc nhà và chịu trách nhiệm vệ sinh chính căn phòng của mình.
4. Khi mang trẻ sơ sinh ra ngoài
Theo quan niệm ngày xưa, khi cho bé ra ngoài, trong vòng 3 tháng 10 ngày đầu sau sinh nên chấm một ít nhọ nồi lên trán của đứa trẻ để tránh tà ma, vía dữ. Ở thời hiện đại, không có nhọ nồi thì mẹ chấm một ít son đỏ lên trán con thay cho nhọ nồi. Vì mới sinh vía của trẻ còn yếu nên khi gặp người lạ vía dữ, bé rất hay khóc. Ngay khi người lạ đi khỏi, cha mẹ có thể đốt vía để trẻ dừng khóc.
5. Lưu ý khi bồng bế trẻ sơ sinh
Không đưa con qua cửa sổ cho người khác ẵm bé vì sợ sau này bé hành nghề trộm cắp, cướp giật.
6. Trẻ sơ sinh khóc liên miên, dữ dội mãi không chịu nín
Quan niệm người xưa gọi đó là đau bão. Người mẹ nên ôm con ép vào bụng mình, nhờ một người khác quấn những sợi tóc của mình vào với nhau thành từng mớ rồi giật tóc. Bé sẽ hết khóc và ngoan trở lại.
|
Ảnh minh họa. |
7. Khi trẻ bị ngã, dỗ mãi không nín
Trẻ ngã đau, dỗ mãi không nín thì cha mẹ nên vẩy nước vào nơi bẽ đã ngã. Bé thôi khóc và nín một cách kì lạ dù không ai dỗ. Trẻ em thường có bà mụ đỡ khi ngã nên cha mẹ đừng quá lo lắng khi bé ngã nhẹ.
8. Khi trẻ chậm lớn, còi cọc
Nếu bé chậm lớn, yếu ớt hay ốm đau thì cha mẹ nên bế đứa bé chui qua áo quan của cụ già bậc thượng thọ lúc đi đưa đám ma. Bé sẽ khỏe mạnh và ăn tốt hơn.
9. Không cho trẻ sơ sinh soi gương
Không nên cho trẻ soi gương vì bé sẽ sợ, hay khóc, hoảng loạn lúc đi ngủ. không nên để gương chiếc thẳng vào giường nơi em bé nằm.
10. Khi trẻ bị nấc cụt
Mẹ cho bé trai uống 7 ngụm nước nhỏ tương đương với 7 vía của bé trai, còn bé gái uống 9 ngụm tương đương với 9 vía của bé gái. Hoặc dùng ngọn lá trầu không dán vào giữa trán của bé.
11. Khi trẻ hắt hơi
Mỗi khi trẻ sơ sinh hắt xì hơi, ngươi lớn nên nói “Sống lâu trăm tuổi” để cầu chúc cho bé luôn khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn.
12. Khi khách đến thăm trẻ sơ sinh
Tuyệt đối phải biết ý khen bé “trộm vía”. Không khen bé béo mập, xinh đẹp vì như vậy bị gọi là quở. Quan niệm dân gian cho rằng như vậy trẻ sơ sinh sẽ lười bú, sút cân và đau ốm.
*Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo