Xuất thân từ tầng lớp nghèo, khi trở nên giàu có Bạch Thái Bưởi vẫn luôn quan tâm đến đời sống của giới thợ thuyền. Ông dành chế độ an sinh tốt từ lương thực, thuốc men… cho các nhân viên của mình.
|
Doanh nhân Bạch Thái Bưởi. Ảnh: Gia đình cung cấp |
Những người già ở các khu mỏ Quảng Ninh vẫn còn nhớ câu chuyện về tấm lòng rộng lượng của doanh nhân họ Bạch. Ông thường thu nhận những người ăn xin, người nghèo trong vùng vào làm việc trong mỏ. Ông tạo công việc, nơi ăn chốn ở cho họ. Đàn ông làm công nhân, phụ nữ làm nấu ăn cho thợ, giúp việc cho gia đình…
Thậm chí, nhà nào có ma chay, cưới hỏi, Bạch Thái Bưởi còn cho người tới chia buồn hoặc tặng quà, chúc phúc. Với những công nhân ở gần hầm, Bạch Thái Bưởi xây dựng tình cảm bằng cách tặng thuốc men, gạo, muối, cho người tới xay lúa giúp.
Con cái của họ nếu học hành tốt, có ý chí ông giúp đỡ tiền bạc để đi học trong nước cũng như nước ngoài. Với cách làm đó, họ Bạch đã chiếm được lòng tận tụy của công nhân.
Ông cũng thường xuyên phát chẩn cho dân nghèo ở khắp các tỉnh xa. Trong đó có một sự kiện được ghi chép nhiều trong sách vở nhất là vào năm ở Huế diễn ra lũ lụt lớn, người dân rơi vào cảnh đói kém.
Bạch Thái Bưởi lập tức cho 2 tàu gỗ chở đầy gạo vận chuyển từ ngoài Bắc vào Huế để cứu đói cho dân. Với hành động này, ông được vua Bảo Đại tặng Sắc Phong.
Với con cái trong gia đình, họ Bạch lại chứng tỏ mình là người cha rất nghiêm khắc.
Bạch Thái Bưởi có nhiều người vợ. Người vợ cả là bà Trần Thị Khả không sinh được người con nào, người vợ thứ hai là Đỗ Thị Tính sinh được 2 con là Bạch Thái Toán và Bạch Thái Tòng. Bà Tính mất sớm nên bà Khả một lòng nuôi 2 người con của chồng với vợ hai.
Trong số 10 người con, Bạch Thái Bưởi tin tưởng coi trọng nhất là Bạch Thái Tòng. Sau này trong bản di chúc dài 30 trang, Bạch Thái Bưởi cũng giao cho người con cả này toàn quyền tiếp nối nghiệp kinh doanh của gia đình.
Ông rất chú trọng việc giáo dục con. Các con đến tuổi trưởng thành đều được ông cất giao công việc trên các bến tàu hay các khu mỏ. Ông Tòng thường theo cha cưỡi ngựa đi thăm nom các khu mỏ của gia đình.
Trong số 10 người con, có người con trai Bạch Thái Tư được ông cho đi học tại Pháp. Bạch Thái Tư sau này mất tại Pháp khiến ông rất đau buồn. Người con này sau khi mất được đặt trong cỗ quan tài kiên cố "trong quan ngoài quách" làm bằng kẽm và chuyển về Việt Nam bằng máy bay.
Không chỉ chú trọng giáo dục văn hóa, kinh doanh, Bạch Thái Bưởi còn giáo dục con cái lòng quý trọng những người cần lao, nghèo khó. Một chuyện được nhiều người lưu truyền lại là ông dạy các con luôn có thái độ tôn trọng người nghèo.
Khi các con cho tiền người ăn mày, ông yêu cầu các con phải lại gần biếu tiền hoặc vật dụng đưa tận tay họ với thái độ trân trọng. Nếu con ném đồng xu trước mặt hay có thái độ thiếu tôn trọng người nghèo, ông đều nhắc nhở, quở trách.
Theo lời kể của những người trong gia đình, ông Bạch rất nóng tính. Con cái trong nhà làm gì sai trái ông phạt không nương tay. Bà Hương nói: “Tôi từng nghe kể về việc nghiêm khắc của cụ tôi. Một lần khi một người con trai (lúc này đã trưởng thành) đi đánh bạc suốt đêm.
Cụ Bưởi biết chuyện đã rất giận. Thấy con về đến cửa cụ liền rút gậy baton ra đánh con. Do nóng giận vì con cái nên cụ lên cơn đau tim và mất. Đó là vào ngày 22/7/1932”.
|
Bà Bạch Quế Hương - chắt nội doanh nhân Bạch Thái Bưởi. Ảnh: NVCC |
Bà Quế Hương kể: “Mặc dù nghiêm khắc là vậy nhưng cũng có những lúc cụ rất chiều các cháu. Sinh thời cha tôi (cháu đích tôn của Bạch Thái Bưởi) rất ít khi nhắc về ông nội. Nhưng theo nhiều cô chú trong họ thì cha tôi rất được cụ Bưởi yêu thương.
Cụ thường rất nghiêm khắc với con cái nên nhiều con cháu sợ sự uy nghiêm của cụ, nhưng cha tôi thì thường xuyên được cụ cho ngồi vào lòng.
Ngày đó, cha tôi đi học có xe kéo đưa đón. Ông học trường Bưởi, được mời thầy về tận nhà kèm cặp thêm. Sinh nhật cha tôi cũng được cụ Bưởi tặng một trái táo làm bằng vàng ròng”.
Bà Quế Hương cũng chia sẻ thêm: “Tài sản của cụ tôi khó thể đo đếm được. Tôi đang có trong tay bản di chúc với dòng chữ ký của cụ. Trong bản di chúc 30 trang đó, cụ chia đều tài sản cho các con cháu, em gái, em trai…
Nhưng điều khiến tôi ấn tượng nhất không phải là số tài sản khổng lồ của một bậc doanh nhân tài giỏi nhất lúc bấy giờ mà là 5 điều răn dạy con cháu phía dưới bản di chúc”.
Theo lời bà Thái Hương, một trong 5 điều đó, Bạch Thái Bưởi nhấn mạnh các con đều được chia tài sản công bằng và con cháu không được tranh chấp, tị nạnh nhau. Ngược lại phải biết đoàn kết, giúp đỡ nhau.
Ông lo lắng xảy ra mâu thuẫn, tranh giành tài sản sau khi ông mất gây mất đoàn kết trong gia đình. Toàn bộ di chúc được ông ủy quyền cho con trai mình tin tưởng nhất là Bạch Thái Tòng thực hiện.
Đúng như lời ông dặn, sau khi Bạch Thái Bưởi mất, không có bất cứ sự tranh chấp nào giữa các con cháu của dòng họ Bạch...