Cả thế giới đều nhớ đến cái tên Albert Einstein nhưng mấy ai biết rằng người phụ nữ đứng đằng sau đóng góp một phần không hề nhỏ vào sự nghiệp thành công của vị thiên tài này cũng giỏi giang không kém. Đó chính là người vợ đầu tiên của ông, bà Mileva Marić (1875 - 1948).
Người phụ nữ giỏi giang
Bà Mileva Marić sinh ra một trong gia đình có điều kiện ở miền bắc Serbia. Cha bà là ông Marija Ruzić và mẹ là Miloš Marić, cả hai đều là những người có địa vị trong xã hội. Không chỉ giàu có, nổi tiếng mà gia đình Mileva còn được người dân trong vùng kính trọng.
Dù là phái yếu nhưng bà Mileva lại có niềm đam mê với môn khoa học tự nhiên, vốn chỉ được mặc định là dành cho đấng mày râu lúc bấy giờ. Thời đi học, bà đã có thành tích học tập đáng nể và thậm chí được theo học tại một ngôi trường toàn nam sinh ở Zagreb. Toán và vật lý là hai môn nổi trội của bà.
Các bạn cùng lớp với Mileva mô tả bà là một nữ sinh giỏi giang, thông minh nhưng ít nói. Với thầy cô, Mileva là một học sinh chăm chỉ, cần cù. Bà thích khám phá tới tận cùng của mọi vấn đề, kiên trì và làm việc có mục đích.
|
Bà Mileva Marić là một người giỏi giang, xuất thân trong một gia đình giàu có và danh tiếng.
|
Năm 1896, Mileva bước chân vào trường Đại học Zurich, Thụy Sĩ. Tại đây bà đã quen Einstein, kém bà 4 tuổi. Cùng chung niềm đam mê, Einstein và Mileva nhanh chóng trở thành một đôi không thể tách rời. Cả hai luôn hỗ trợ nhau trong học tập và nghiên cứu. Mileva học một cách có phương pháp và tổ chức. Bà đã giúp truyền năng lượng cho Einstein và định hướng việc học cho ông.
Tuy nhiên, mối quan hệ của hai người bị gia đình phản đối. Mẹ của Einstein không muốn con trai mình kết hôn với một phụ nữ lớn tuổi. Mileva cũng không cùng nguồn gốc với nhà thiên tài này, chưa kể việc bà quá thông minh cũng không được lòng gia đình nhà trai.
Tuy nhiên, vượt qua tất cả, họ vẫn ở bên nhau. Trước khi kết hôn năm 1903, Mileva đã mang trong mình giọt máu của Einstein và phải tạm dừng việc học để trở về quê nhà sinh con. Đó là một bé gái đầu lòng nhưng sự chào đời của đứa trẻ đã khiến mối quan hệ giữa hai người trở nên xa cách hơn, những mâu thuẫn bắt đầu xuất hiện. Đứa bé cũng khiến sự nghiệp và con đường khoa học của Mileva bị gián đoạn, mà về sau chấm dứt hoàn toàn.
Là một nữ sinh giỏi giang nhưng con đường nghiên cứu khoa học của Mileva bị chững lại do việc sinh nở. Sau khi sinh con được vài tháng, Mileva quay lại Thụy Sĩ để tiếp tục học tập, tuy nhiên bà đã trượt các kỳ thi và buộc phải chấm dứt việc học. Ước mơ dang dở, lại thêm việc không may xảy ra với con gái nhỏ (theo nhiều tài liệu ghi lại cô bé bị ốm nặng và qua đời năm 1903) khiến tâm lý của Mileva bất ổn.
Bi kịch hôn nhân
Đầu năm 1903, Einstein và Mileva kết hôn nhưng cả hai không còn mặn mà với nhau như trước nữa. Thiên tài Einstein coi việc kết hôn chỉ là nghĩa vụ, hoàn thành lời hứa của mình với Mileva. Trong một số tài liệu để lại của Einstein, về già ông đã miêu tả Mileva Marić là một người trầm lặng, luôn mang tâm trạng ủ dột và có dấu hiệu của bệnh thần kinh phân liệt. Có lẽ bởi vậy mà hôn nhân của họ như một nhà tù giam lỏng, cả hai đều ngột ngạt và mệt mỏi.
Cả hai sau đó có thêm 2 người con chung nhưng cũng không đủ cứu vãn cuộc hôn nhân này. Einstein đã nhiều lần muốn ly hôn nhưng Mileva không chấp thuận. Điều này khiến Einstein khó chịu và đặt ra nhiều luật lệ vô lý, buộc Mileva phải tuân theo nếu muốn sống chung cùng ông dưới một mái nhà.
|
Einstein và Mileva từng rất hạnh phúc.
|
Trong một bức thư riêng của Einstein gửi tới vợ còn lưu lại tới ngày nay, ông viết rõ ràng các yêu sách:
"1. Cô phải luôn đảm bảo rằng:
- Quần áo của tôi phải được giặt giũ, phân loại rõ ràng và được giặt ủi cẩn thận.
- Tôi phải có đầy đủ 3 bữa ăn mỗi ngày trong phòng riêng.
- Cô phải dọn dẹp và giữ vệ sinh phòng ngủ, phòng làm việc riêng của tôi, tuyệt đối không được động vào bàn làm việc khi không được cho phép.
2. Giữa chúng ta không còn duy trì sự thân mật, gần gũi nữa, trừ trường hợp tôi phải giữ thể diện với bên ngoài xã hội. Cô không được yêu cầu tôi:
- Cùng ở nhà với cô
- Đi chơi hay du lịch với cô
3. Trong mối quan hệ của chúng ta:
- Cô không được mong đợi bất kỳ sự thân mật nào từ tôi và cũng không được trách móc tôi.
- Phải im lặng ngay khi tôi yêu cầu.
- Ra khỏi phòng của tôi ngay lập tức khi tôi yêu cầu mà không được phép phản đối.
- Không được coi thường tôi bằng lời nói hay hành động trước mặt con cái".
Sau khi nhận được những yêu cầu của Einstein, Mileva miễn cưỡng chấp nhận để chung sống cùng chồng và các con. Tuy nhiên, trái tim của Albert Einstein hoàn toàn không còn đặt ở gia đình nhỏ của mình. Vào năm 1912, Albert bắt đầu ngoại tình với Elsa Löwenthal. Họ bí mật viết thư cho nhau trong 2 năm.
Níu kéo hôn nhân với người chồng "đồng sàng dị mộng" được một thời gian, sức chịu đựng của Mileva cũng đến giới hạn. Cuối cùng bà chấp nhận ly hôn vào tháng 2/1919 sau 5 năm sống ly thân. Sau khi ly hôn vợ được khoảng 4 tháng, Einstein đã tái hôn với người tình, đồng thời là em họ xa của ông, Elsa.
Nhiều nhà nghiên cứu đặt ra câu hỏi chất chứa đầy sự tiếc nuối cho Mileva Marić - người phụ nữ sở hữu trí tuệ không thua kém thiên tài Albert Einstein: "Nếu họ không yêu nhau, hoặc nếu hôn nhân của họ thật sự hạnh phúc, có lẽ Mileva đã sánh bước bên chồng với vai trò là cộng sự cùng tạo nên những công trình nghiên cứu khoa học vĩ đại cho hậu thế. Biết đâu rằng "Thuyết tương đối" nổi tiếng cũng gắn liền với tên bà?".
Kể từ khi quen biết nhau tại trường đại học, Mileva Marić đã được biết tới như một người bạn đồng thời là một người thầy của Albert Einstein. Theo một số tài liệu của Einstein để lại có ghi chép về những đêm ông miệt mài nghiên cứu khoa học với Mileva.
Năm 1922, Albert Einstein nhận giải Nobel vật lý và ít ai biết rằng nhà khoa học vĩ đại này đã gửi tặng người vợ đầu tiên toàn bộ số tiền thưởng của ông. Mileva Marić từ chối nói với công chúng về nghiên cứu của hai người, nhưng đã nhận số tiền của Einstein và mua nhà ở Zurich - căn nhà bà sống tới hết cuộc đời.
Hai người con trai của ông có với người vợ đầu cũng chịu nhiều thiệt thòi và số phận của họ cũng không mấy tốt đẹp. Người con trai thứ hai, Eduard bị thần kinh và nhiều lần tự tử không thành. Albert Einstein cảm thấy rất xót xa vì con phải ở một mình trong bệnh viện tâm thần không có ai bên cạnh. Ông từng phải thốt lên rằng: "Nếu biết trước, tôi đã không để thằng bé đến với cuộc đời này".
Tháng 10/1965, ở tuổi 55, Eduard qua đời vì đột quỵ. Ông được chôn cất ở nghĩa trang Hönggerberg, Zurich. Không lâu trước khi mất, Eduard từng nói với một nhà báo: "Có người cha thiên tài chẳng giúp ích gì cho tôi cả".
Về phần người con trai lớn Hans Albert Einstein từng chạnh lòng và tủi thân không khác gì người mẹ khi bị cha bỏ rơi. Chia sẻ với công chúng về người cha, Hans chỉ nói một câu đầy tổn thương: "Có thể công trình duy nhất ông ấy từ bỏ chính là tôi".