Năng lực bí ẩn của các thiền sư nhà Lý

Google News

Theo sử sách, ngoài tài năng về võ học, các thiền sư thuộc thiền phái Diệt Hỷ còn được biết đến bởi khả năng tiên tri lạ kỳ.

Khả năng tiên tri linh nghiệm

Nhiều câu chuyện cho thấy, các thiền sư thuộc thiền phái này đã tiên liệu được sự xuất hiện của nhà Lý trong lịch sử và có sự chuẩn bị trước cho việc Lý Công Uẩn lên ngôi vua từ hàng trăm năm trước.

Gắn liền với sự ra đời của nhà Lý trong lịch sử dân tộc, đến nay vẫn còn lưu truyền nhiều câu chuyện mang màu sắc tâm linh, kỳ bí khó lý giải. Điều đặc biệt, những câu chuyện kỳ lạ trên lại gắn liền tên tuổi của những vị thiền sư nổi danh thuộc thiền phái Diệt Hỷ.

Nang luc bi an cua cac thien su nha Ly

 

Người được cho là có dự cảm sớm nhất đối với sự ra đời của nhà Lý trong lịch sử là thiền sư Định Không – đệ tử đời thứ 7 của thiền phái Diệt Hỷ. Được biết, thiền sư Định Không là người họ Nguyễn, ở làng Cổ Pháp, phủ Thiên Đức (hiện nay là phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).

Ông nổi tiếng là người am hiểu thế, số. Tuy cái duyên cửa thiền đến với ông rất muộn, khi ông đã về già nhưng tài năng và đức hạnh của vị thiền sư này đến nay vẫn còn lưu truyền. Trong đó, ông được ca ngợi là người có khả năng tiên tri và để lại nhiều lời sấm truyền mà sau này được nhiều thế hệ ghi nhận là ứng nghiệm.

Trong sách Thiền Uyển tập Anh cho rằng, ngay từ thời điểm năm 785 đến 804, tức hơn 200 năm trước khi Lý Công Uẩn lên ngôi vua, thiền sư Định Không đã dự cảm được việc nhà Lý xuất hiện trong lịch sử. Câu chuyện mang màu sắc huyền bí này lại gắn liền với ngôi chùa Quỳnh Lâm (tức chùa Đài hay còn gọi là chùa Lục Tổ, ở Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh) nổi tiếng đất Kinh Bắc.

Tương truyền, khi tiến hành xây chùa Quỳnh Lâm, lúc mới đào đất đắp nền đã phát hiện 1 cái ly hương và 10 cái khánh. Sau đó, sư sai người đem xuống sông rửa.

Một cái khánh bị rơi xuống tận đáy sông. Thiền sư Định Không cho rằng đây là điềm báo tốt, liền nói với mọi người: “Chữ Thập, chữ Khẩu hợp thành chữ Cổ. Chữ Thuỷ, chữ Khứ hợp thành chữ Pháp. Chữ Thổ chỉ làng ta ở nên sư quyết định đặt tên làng mình từ Diên Uẩn thành Cổ Pháp”. Sau đó, sư tụng rằng: “Hiện ra pháp khí/ 12 chuông đồng/ Họ lý làm vua/ Ba phẩm thành công”.

Bản thân vị thiền sư này không chỉ có dự cảm về sự xuất hiện của triều Lý, mà còn đoán định trước việc vùng đất Cổ Pháp có thể bị yểm bởi một người ngoại quốc. Do đó, thiền sư Định Không đã căn dặn đệ tử của mình trước khi viên tịch.

Chuyện xưa kể rằng, trước khi sắp tịch, sư gọi đệ tử Thông Thiện, nói: “Ta muốn mở rộng làng xóm nhưng e nửa chừng gặp tai hoạ, chắc có kẻ muốn phá hoại nước ta. Sau khi ta mất, con cố giữ đất Cổ Pháp này, rồi gặp người họ Đinh thì truyền”.

Lời nhắn nhủ của thiền sư Định Không với đệ tử Thông Thiện sau này được cho là đúng sự thực. Người ngoại quốc mà vị thiền sư này nhắc đến chính là Cao Biền – Tiết độ sứ ở Tĩnh Hải Quân (tên gọi Việt Nam thời gian 866 – 968) của một nhân vật được người đời sau nhắc đến nhiều lần trong những câu chuyện liên quan đến việc phá long mạch nước ta vào thời điểm ông làm Tiết độ sứ ở nước ta.

Dùng cây gạo để hàn long mạch

Không chỉ thiền sư Định Không mà nhiều thiền sư các đời kế tiếp của thiền phái này đến nay vẫn được hậu thế lưu truyền là có biệt tài về phong thuỷ và có khả năng dự đoán được tương lai. Nhiều huyền sử đến nay vẫn còn nhắc đến tên tuổi của nhiều vị thiền sư như Trưởng lão La Quý, thiền sư Vạn Hạnh. Họ đều là những bậc thầy về phong thuỷ và những người có khả năng tiên tri.

Được biết, sau khi thiền sư Định Không viên tịch, đệ tử là thiền sư Thông Thiện đã nghe theo lời dặn của thầy, suốt ngày tu luyện để giữ Cổ Pháp. Lời truyền dạy của thiền sư Định Không đã ứng nghiệm khi thiền sư Thông Thiện đã gặp được một người học trò họ Đinh và truyền pháp lại cho người này, người đời sau gọi người học trò này là Trưởng lão La Quý.

Theo sử chép, Trưởng lão La Quý người An Chân (Thái Bình ngày nay), ông tu tại chùa Song Lâm, làng Phù Ninh, phủ Thiên Đức (Từ Sơn, Bắc Ninh). Thuở nhỏ, Trưởng lão La thường chu du khắp các phương, hỏi thăm các bậc thiền sư. Trải qua nhiều năm không gặp đạo duyên, Trưởng lão La sắp thối chí.

May mắn sau này, Trưởng lão gặp được pháp hội của Thông Thiện, nghe một lời, lòng thiền khai ngộ, bèn chịu phục thờ làm thầy. Được thiền sư Thông Thiện truyền pháp, Trưởng lão ra sức tu luyện đến khi đắc pháp sư tuỳ phương diễn hoá, tài phép vô biên. Tương truyền, mỗi khi ngài nói ra lời nào, tất là phù sấm.

Cuộc đời của vị thiền sư này gắn liền với giai thoại hàn long mạch, phá yểm của Cao Biền. Theo sách Thiền Uyển tập Anh, khi Cao Biền sang nước ta, xây thành bên sông Tô Lịch, biết đất Cổ Pháp có khí đế vương, nên đã đào đứt con sông Điềm và những ao Phù Chẩn đến 19 chỗ để trấn yểm. Việc Cao Biền tìm cách trấn yểm, để nước Nam mãi là vùng đất thuộc phương Bắc là một hành động rất nham hiểm nhưng cũng rất vi diệu mà người thường không dễ nhận ra.

Chính Trưởng lão La Quý, khi đã “đắc pháp”, ông đã phát hiện được điều này và chính ông là người cho tiến hành lấp lại các điểm Cao Biền sai người đào, phá long mạch trước đây. Để long mạch được trở về như xưa, Trưởng lão La Quý đã trồng một cây bông gạo ở chùa Châu Minh để hàn long mạch nhằm trấn chỗ đứt. Cây gạo mà Trưởng lão La Quý trồng sau này gắn liền với giai thoại, sét đánh thành bài sấm truyền cho sự lên ngôi của Lý Công Uẩn.

Chuyện xưa kể rằng, khi trồng cây gạo này, Trưởng lão La Quý đã làm bài thơ, “Đại sơn đầu rồng ngửng/ Đuôi cù chẩn Châu Minh/ Thập bát tử định thành/ Bông gạo hiện long hình/ Thỏ gà trong tháng chuột/ Nhất định thấy trời lên”. Người đời sau cho rằng, bài thơ này là lời sâm truyền báo hiệu ngày, tháng, sự ra đời của vua Lý Công Uẩn. Bởi nội dung bài thơ có ý dự báo cho sự ra đời của nhà Lý vào tháng 10 năm Dậu. Sau này, nhà Lý sau này ra đời vào tháng 10 năm Đinh Dậu.

Biệt tài “dung ba cõi”

Cũng liên quan đến sự ra đời của vương triều Lý trong lịch sử, một vị thiền sư nổi danh khác của thiền phái Diệt Hỷ được nhắc đến đó chính là thiền sư Vạn Hạnh, đời thứ 12 của thiền phái Diệt Hỷ.

Đến nay, tên tuổi của vị thiền sư này được người đời sau ca ngợi: “Sư nói lời nào, thiên hạ cho là phù sấm”. Vua Lý Nhân Tông đã làm kệ (thể thơ phổ biến thời Lý Trần), ca ngợi tài năng của vị thiền sư này: “Vạn Hạnh dung ba cõi/ Thật hiệp lời sấm xưa/ Quê hương tên Cổ Pháp/ Chống gậy trấn kinh đô”. Bài thơ ý nói Vạn Hạnh thấu suốt tất cả sự việc của quá khứ, hiện tại và thời vị lai.

Được biết, sư Vạn Hạnh vốn là thầy của Lý Công Uẩn. Người có công rất lớn trong việc giáo dục và giúp đỡ Lý Công Uẩn lên ngôi vua. Tương truyền, ngày vua Lý Thái Tổ lên ngôi (sự kiện diễn ra tại Ninh Bình), sư Vạn Hạnh ở mãi tận chùa Quỳnh Lâm, đã biết trước mọi việc, bảo với người bác và chú của vua rằng: “Thiên tử đã băng, Lý Thân vệ (Lý Công Uẩn) hiện đang ở nhà. Trong trưa nay, Thân vệ ắt được lên ngôi”. Rồi nhà sư cho yết bảng ở đường cái nói rằng: “Tật lên chìm bể Bắc/ Hạt Lý mọc trời Nam/ Bốn phương gươm giáo dẹp/ Tám cõi mừng bình an”, ý thơ nói nhà Lý thay nhà Lê.

Xung quanh những câu chuyện về biệt tài võ học, phong thuỷ và khả năng tiên tri của những thiền sư thuộc thiền phái Diệt Hỷ, võ sư Nguyễn Văn Thắng, Trưởng môn phái Thăng Long võ đạo cho rằng, những câu chuyện huyền sử trên có cơ sở.

Vị võ sư này cho rằng, trong các câu chuyện về các vị thiền sư, có người được nhắc tới như một bậc thầy về võ học, người được nhắc đến với vai trò là người có tầm hiểu biết phong thuỷ và khả năng tiên tri đoán định. Nhưng thực tế, khi đạt đến đỉnh cao của thiền học, tất yếu đạt đến đỉnh cao của võ và có hiểu biết sâu sắc về phong thuỷ.

Theo PV/Theo Đời sống & Pháp luật

>> xem thêm

Bình luận(0)