Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (viết tắt là KGB, thực chất là cơ quan tình báo-phản gián của Liên Xô) đã dễ dàng tác động lên công luận thế giới, nhắm tới các quan chức hàng đầu của NATO, và giữ cho toàn khối Trung Đông trong trạng thái nơm nớp.
|
Hình ảnh minh họa về KGB và đặc vụ của cơ quan này. Ảnh: Legion Media. |
1. Chiến dịch Toucan
Vào thập niên 1970, KGB hùng mạnh đến nỗi họ có thể tác động lên các cơ quan truyền thông hàng đầu ở thế giới tư bản theo hướng có lợi cho mình. Sau đây là câu chuyện thực về việc KGB đã tác động lên tờ báo nổi tiếng New York Times trong chiến dịch Toucan.
Chiến dịch này do cơ quan mật vụ Liên Xô và Cuba phát động chung vào năm 1976. Mục đích của chiến dịch là hạ hình ảnh của nhà độc tài Chile Augusto Pinochet trong con mắt thế giới. Pinochet là một nhân vật coi chủ nghĩa cộng sản là kẻ thù chính của mình.
|
Tướng Chile Augusto Pinochet. Ảnh: AP. |
Cùng năm 1976 đó, tờ New York Times này xuất bản 66 bài báo về các vi phạm nhân quyền ở Chile. Trong thời kỳ này, tờ báo Mỹ danh tiếng đã dành không dưới 10 bài cho các vấn đề tương tự ở Campuchia và Cuba.
Ngoài ra, KGB còn ngụy tạo “sự trao đổi thư từ qua lại” giữa Pinochet và Miguel Contreras – người đứng đầu Cục Tình báo Quốc gia Chile (DINA), trong đó có sự miêu tả chi tiết một kế hoạch vô hiệu hóa các đối thủ của chế độ cầm quyền đang sống lưu vong ở nhiều nước khác nhau. Dựa vào hình thức họ cảm nhận, các nhà báo Mỹ giáng thêm đòn nặng nữa vào hình ảnh vốn đã xấu của nhà độc tài Chile.
2. Chiến dịch RYAN
Đây là chiến dịch tình báo lớn nhất và phức tạp nhất trong lịch sử Liên Xô. Năm 1981, KGB và GRU (tình báo quân sự Liên Xô) được giao nhiệm vụ tiến hành chiến dịch Tấn công tên lửa hạt nhân (viết tắt theo tiếng Nga là RYAN).
|
Một vụ thử bom hạt nhân. Ảnh: Getty. |
Mục đích của chiến dịch RYAN là tìm hiểu về khả năng Mỹ chuẩn bị mở một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào Liên Xô và phát triển chiến lược tốt nhất để đối phó với một cuộc tấn công như vậy. Nỗi lo lắng của ban lãnh đạo Liên Xô gia tăng nhanh chóng sau khi ông Ronald Reagan có thái độ chống cộng trở thành Tổng thống Mỹ và theo đuổi chính sách cứng rắn nhằm vào Liên Xô.
Tham gia chiến dịch này, các đặc vụ của tình báo Liên Xô sống bên ngoài các nước thuộc khối Warsaw đã đẩy mạnh các hoạt động của mình. Họ thiết lập chế độ theo dõi nhằm vào nhân vật có chức trách ra lệnh tấn công bằng tên lửa hạt nhân và những ai chịu trách nhiệm về phóng tên lửa đạn đạo và hành trình, cũng như theo dõi các quan chức cấp cao trong bộ chỉ huy không quân của các nước NATO. Bên cạnh đó, toàn bộ mạng lưới điệp viên nằm vùng được thiết lập để tung vào cuộc khi nổ ra chiến tranh hạt nhân.
Năm 1984, Liên Xô đã kết thúc chiến dịch tốn kém này sau khi Tổng bí thư Yuri Andropov và Bộ trưởng Quốc phòng Dmitry Ustinov qua đời.
3. KGB đối đầu với Hezbollah
Vào ngày 30/9/1985, các thành viên của tổ chức du kích Hồi giáo Hezbollah đã bắt cóc 4 nhà ngoại giao Liên Xô, 2 trong số đó là nhân viên KGB, ngay ở bên ngoài Đại sứ quán Xô viết ở thủ đô Beirut của Lebanon.
Những kẻ bắt cóc yêu cầu nhà lãnh đạo Syria Hafez al-Assad hủy bỏ hoạt động truy quét an ninh ở miền bắc Lebanon do các lực lượng Syria lên kế hoạch.
Để chứng tỏ mình sẵn sàng làm thật, những kẻ bắt cóc đã bắn chết một trong các con tin. Moscow sau đó gây sức ép lên al-Assad và chiến dịch truy quét của Syria dừng lại. Tuy nhiên Hezbollah không vội thả các nhà ngoại giao Liên Xô và đưa ra các yêu sách mới.
|
Giáo chủ Fadlallah. Ảnh: Getty. |
Do vậy ban lãnh đạo KGB bắt đầu tìm kiếm giải pháp khác cho vấn đề này. Họ xác định tên của những kẻ bắt cóc và vị trí các nhà ngoại giao bị giam giữ. Tuy nhiên ý tưởng dùng vũ lực đột kích vào tòa nhà nơi các con tin bị giam giữ đã nhanh chóng bị loại bỏ vì điều này có thể dẫn tới phản ứng thái quá không mong muốn.
Thế rồi cơ hội đã đến. Trong một cuộc đấu súng với quân đội Lebanon, phía những kẻ bắt cóc đã có 2 người bị giết chết.
KGB quyết định tận dụng tình hình này. Yuri Perfilyev, trưởng chi nhánh KGB ở Lebanon, đã gặp nhà sáng lập và nhà lãnh đạo tinh thần – giáo chủ Fadlallah. Người này đã tiếp đón viên sĩ quan KGB nồng nhiệt. Tuy nhiên, trong cuộc đối thoại, giáo chủ Fadlallah đã vô hiệu hóa mọi nỗ lực của Perfilyev liên quan đến việc giải quyết vấn đề con tin.
Và rồi sau đó Perfilyev nói những điều mà ông chưa được thượng cấp của mình cho phép tiết lộ. Perfilyev tuyên bố kiểu “nắn gân” rằng nơi ở của giáo chủ Khomeni ở Qom nằm sát biên giới với Liên Xô và rằng một “lỗi” kỹ thuật trong quá trình diễn tập quân sự của Liên Xô có thể dẫn tới hậu quả là một quả tên lửa có thể vô tình đánh trúng Qom.
Lời đe dọa này có hiệu quả. Sau một sự im lặng chết người, giáo chủ Fadlallah nói: “Tôi nghĩ mọi thứ sẽ tốt đẹp”. Hai ngày sau các con tin được phóng thích./.