Mike D’Andrea và hành trình trở thành “chúa tể hắc ám” CIA

Google News

Kể từ năm 2017, đặc vụ huyền thoại Mike D’Andrea, người đảm nhận trách nhiệm giám sát Iran tại CIA.

Tuy nhiên vào tháng 10/2021, ông Mike bị cho “về vườn” vì CIA hiện đang có kế hoạch cải tổ bộ máy quản lý và đổi mới nhân sự. Một cựu quan chức cấp cao giấu tên khác cũng cho biết các đặc vụ cấp cao vẫn đang tại vị dù đã đến tuổi nghỉ hưu khác cũng sẽ chuẩn bị nối gót ông D’Andrea.

“Chúa tể hắc ám” nhậm chức Trưởng bộ phận giám sát Iran của CIA từ năm 2017, và đây là nhiệm vụ cuối cùng của một trong những đặc vụ có sức ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử của tổ chức này. Ông chính là người đã thay đổi hoàn toàn cục diện cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ từ năm 2006 đến 2015 bằng cách thiết lập chương trình triệt hạ các căn cứ al-Qaeda bằng trực thăng không người lái. Ngoài ra, ông Mike còn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc săn lùng và tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden.

Quá khứ của “Hoàng tử bóng tối” CIA

Mike sinh ra và lớn lên trong một gia đình có tới hai thế hệ phụng sự CIA tại Virginia. Năm 1979, ông gia nhập cơ sở huấn luyện của tổ chức tại phía Nam Virginia và theo như lời nhiều người bạn cùng lớp, Mike không phải là một học viên xuất sắc. Cụ thể hơn, ông bị đánh giá là một cậu thanh niên mập mạp, hơi chậm chạp, dễ nản chí, luôn nhận điểm trung bình trong các bài kiểm tra viết và thường xuyên bị thầy cô khiển trách.

Sau khi hoàn thành khoá huấn luyện, ông được cử đến một số quốc gia châu Phi có tình hình chính trị bất ổn, liên tục xảy ra những cuộc giao tranh đẫm máu giữa các bộ lạc và không hề nhận được bất kì sự chỉ đạo cũng như giám sát từ CIA. Mike buộc phải rũ bỏ sợ hãi, thấu hiểu tình hình, rèn luyện về tâm lý và ông đã viết tới hàng trăm báo cáo giá trị cũng như gây dựng được một kho kiến thức khổng lồ về nghiệp vụ tình báo. Kinh nghiệm hoạt động ở châu Phi cũng là một bài học quý báu cho ông sau này trong cuộc chiến chống khủng bố hậu 11-9. Sau những năm thành công rực rỡ ở châu Phi, ông Mike nhậm chức Trưởng chi nhánh CIA tại hai địa điểm trọng yếu là Cairo, Ai Cập và Baghdad, Iraq.

Trong quá trình công tác tại nước ngoài, ông đã gặp gỡ và phải lòng người phụ nữ hơn mình 10 tuổi là bà Faridah Currimjee, con gái một gia đình Hồi giáo giàu có và để có thể kết hôn với người trong mộng, ông đã chấp nhận cải sang đạo Hồi.

Mike D’Andrea va hanh trinh tro thanh “chua te hac am” CIA

Vào năm 2006, cuộc chiến chống al-Qaeda của CIA bắt đầu gặp khó khăn do nguồn lực của tổ chức bị chính phủ phân bổ sang Iraq. Đồng thời, hệ thống nhà tù bí mật cùng những cuộc tra tấn của CIA bị bóc trần khiến CIA phải xóa sổ các nhà tù này. CIA lại phải đối mặt với thế khó mới khi Chính phủ Pakistan bắt đầu hoà giải với hàng loạt bộ lạc và những thoả thuận này sẽ cho phép al-Qaeda tuyển mộ thêm thành viên.

Trưởng bộ phận tình báo CIA Jose Rodriguez và Trưởng bộ phận chống khủng bố CIA Robert Grenier liên tục bất hoà do ông Jose cho rằng ông Robert chỉ quan tâm đến tình hình nội bộ trong khi ông Robert cho rằng mình bị ép buộc giải quyết những bê bối do chính ông Jose gây ra. Sau nhiều tháng, ông Robert quyết định bỏ việc và ông Jose đã lựa chọn ông Mike thay thế do “hoàng tử bóng tối” vốn khét tiếng cứng rắn và tỉ mẩn.

Do nguồn lực khan hiếm, ông Mike cùng cấp dưới tìm cách tái sử dụng các trực thăng không người lái, vốn được dùng vào mục đích giám sát, thành những vũ khí chết người. CIA cho xây một loạt những ngôi nhà giống hệt như ở Afghanistan tại một bãi đất trống ở Nevada, Mỹ sau đó liên tục cho trực thăng không người lái tấn công những mục tiêu này. Cuộc thử nghiệm tốn rất nhiều thời gian do bộ phận chế tạo vũ khí phải thiết kế những đầu đạn xuyên qua tường nhà trước, rồi sau đó mới phát nổ trong nhà nhằm gia tăng tính sát thương.

Dưới sự chỉ đạo của “chúa tể hắc ám”, CIA đã thực hiện tới 500 cuộc không kích từ năm 2012 đến 2016. Tuy bị dư luận trong nước và quốc tế chỉ trích nặng nề, CIA vẫn khẳng định đã nỗ lực bảo đảm an toàn cho dân thường còn danh tiếng của ông Mike tăng lên đáng kể. Trong mắt cấp trên, đồng nghiệp và cả kẻ thù, người đàn ông này là tử thần chính hiệu.

Một đặc vụ cấp cao từng làm việc dưới quyền ông Mike trong giai đoạn này khẳng định kế hoạch chống khủng bố của ông vô cùng quyết liệt, còn “hoàng tử bóng tối” xứng đáng được đưa vào thông điệp hàng năm của nhiều đời tổng thống, nhận những danh hiệu cao quý nhất trong lịch sử nước Mỹ vì ông là người cầm cương toàn bộ cuộc chiến chống khủng bố.

Những nét khác lạ trong tính cách và cuộc đời người đàn ông này cũng nhanh chóng được lan truyền khắp CIA: một lãnh đạo khắc nghiệt nhưng ăn nói dễ nghe, nghiện thuốc lá nặng, chăm tập thể dục và cho dù ông cải sang đạo Hồi để có thể kết hôn với vợ, ông cũng dành hơn 30 năm sự nghiệp để quét sạch những tên khủng bố Hồi giáo cực đoan.

Dưới sự lãnh đạo của Mike, bộ phận chống khủng bố của CIA được đánh giá là một cỗ máy hoạt động vô cùng hiệu quả và là nỗi khiếp sợ của những tên al-Qaeda máu mặt nhất. Thậm chí, theo một số báo cáo của CIA, nhiều tên sợ hãi những cuộc không kích của ông Mike đến mức chúng thẳng thừng từ chối lên chức và những tên đủ dũng cảm để đảm nhận nhiệm vụ đầu lĩnh al-Qaeda chỉ trụ được khoảng 1 tháng trước khi bỏ mạng. Trong thời điểm này, thành tựu huy hoàng nhất của Mike là chỉ đạo cấp dưới tìm ra nơi ẩn náu của Osama bin Laden và dẫn đường cho biệt đội SEAL tiêu diệt trùm khủng bố tại Abbottabad, Pakistan năm 2011.

Tuy đã nắm giữ một trong những vị trí quyền lực nhất tại CIA, ông Mike vẫn làm việc vô cùng chăm chỉ. Theo nhiều cựu nhân viên, “chúa tể hắc ám” thường làm việc tới 12-14 tiếng mỗi ngày, 7 ngày một tuần, liên tục ngủ lại cơ quan và thức dậy từ 4 giờ sáng để đọc báo cáo. Ông cũng sẽ nghiêm khắc khiển trách các nhân viên nếu họ “chỉ” đi làm sớm… 30 phút thay vì 1 tiếng. Kinh nghiệm chinh chiến cùng với sự chăm chỉ hiếm có đã khiến Mike trở thành người nắm rõ mọi vấn đề nhất trong những cuộc họp hàng ngày có sự tham gia của ít nhất 50 chuyên gia chống khủng bố. Trong mắt nhân viên, ông là một vị lãnh đạo nghiêm khắc, thậm chí tàn nhẫn, thường xuyên thách thức tất cả và khiến hàng loạt đặc vụ phải thôi việc vì không chịu nổi sức ép. Tuy nhiên, ông cũng là người sẽ tận tình hướng dẫn mọi đặc vụ trẻ tiềm năng và dưới thời ông Mike, rất nhiều đặc vụ da màu đã đạt được những vị trí quan trọng trong CIA - một tổ chức từng không trọng dụng người gốc Phi.

 Mike D’Andrea va hanh trinh tro thanh “chua te hac am” CIA-Hinh-2

Điểm đen trong sự nghiệp chói sáng

Mong muốn duy nhất của Mike là tiêu diệt toàn bộ al-Qaeda, tuy nhiên sự cứng nhắc của ông đôi khi khiến cấp trên và đồng nghiệp mất lòng khi ông từ chối chi viện cho những lực lượng khác nếu mục tiêu của những lực lượng này không phải là al-Qaeda.

Nhiều người cho rằng sự ám ảnh của ông với al-Qaeda cùng với cách thức quản lý cực đoan đã gián tiếp gây ra vụ bê bối nghiêm trọng nhất trong sự nghiệp của ông: một vụ đánh bom tự sát năm 2009 tại căn cứ của CIA ở Khost, Afghanista cướp đi sinh mạng của 7 đặc vụ CIA. Một cuộc điều tra nội bộ chỉ ra thủ phạm, một điệp viên ba mang người Jordan, đã được tiến cử một cách quá vội vàng trong khi lý lịch của hắn chưa hề được điều tra chặt chẽ.

Đặc vụ Jennifer Matthews, một trong những nạn nhân, là một chuyên viên phân tích được đánh giá rất cao và là học trò cưng của ông Mike. CIA cho rằng ông Mike đã quá nóng vội và thiếu khách quan khi để một đặc vụ chưa hề có kinh nghiệm hoạt động ở nước ngoài như Jennifer nắm giữ vị trí đứng đầu văn phòng CIA tại “chảo lửa” Khost, và chính sai lầm này đã dẫn đến sự việc đau lòng kể trên.

Vụ đánh bom tự sát cũng như thái độ của Mike đã trở thành điểm đen trong quá trình công tác chói sáng của ông, tước đi nhiều cơ hội thăng tiến và hủy hoại ước mơ cả đời của “hoàng tử bóng tối”: trở thành Trưởng bộ phận tình báo nước ngoài của CIA. Mike có mâu thuẫn sâu sắc với ông John Brenna khi ông John quản lý bộ phận chống khủng bố của Nhà Trắng, không may cho Mike là sau đó ông John lại trở thành Giám đốc CIA năm 2013. Cho dù “hoàng tử bóng tối” có nỗ lực cạnh tranh với những người đồng cấp đến mấy, ông cũng không thể hàn gắn quan hệ với giám đốc.

Mike D’Andrea va hanh trinh tro thanh “chua te hac am” CIA-Hinh-3

Năm 2015, sau khi CIA giết nhầm một công dân Mỹ và một công dân Ý trong một cuộc không kích ở Pakistan, ông John đã chính thức yêu cầu Mike rời ghế Trưởng bộ phận chống khủng bố. Nhằm vớt vát thể diện cho Mike, Giám đốc CIA đã công khai gọi Mike là một tài năng kiệt xuất và là nhân tố chủ chốt trong hàng loạt thành tựu của nước Mỹ kể từ sau 11-9.

Cũng trong năm 2015, ông Mike lại phải gánh chịu một cú sốc khác khi tên tuổi và chân dung hai vợ chồng ông - một bí mật của CIA - bị phóng viên Mark Mazzetti vạch trần trong một bài báo gây chấn động dư luận trên tờ The Washinton Post do anh Mark cảm thấy buộc phải lên tiếng sau vụ không kích thảm họa trên. Chỉ 1 ngày sau đó, danh tính của ông Mike tràn ngập các mặt báo Trung Đông và nhiều chuyên gia bắt đầu lo ngại “hoàng tử bóng tối” sẽ phải đối diện với số phận bi thảm tương tự như đặc vụ Bill Buckley - người bị khủng bố Hezbollah bắt cóc, tra tấn và giết hại năm 1985 khi danh tính của ông Bill bị bại lộ.

Sau sự kiện này, Mike đáng lẽ có thể nghỉ hưu nhưng ông quyết định ở lại với CIA để giám sát một số chiến dịch đang được tiến hành ở nước ngoài - một bước lùi so với sự nghiệp rực rỡ trong quá khứ của ông. Vào năm 2017, do chính quyền của Tổng thống Donald Trump mong muốn trấn áp Iran, ông Mike đã được bổ nhiệm vào vị trí đứng đầu bộ phận giám sát Iran của CIA.

Hiện tại, cho dù ông Mike D’Andrea đã nghỉ hưu, nhiều đặc vụ tin rằng di sản của ông sẽ còn mãi. Một cấp dưới của ông đã nhận định, người đàn ông này đã giữ cho nước Mỹ được an toàn suốt sự nghiệp kéo dài 3 đời tổng thống Mỹ, 4 đời giám đốc CIA và 2 đời chỉ huy Cục Tình báo Quốc gia.


Theo Huyền Thi / Công An Nhân Dân

>> xem thêm

Bình luận(0)