Mãnh tướng là hào kiệt chốn Giang Đông
Mãnh tướng mà bài viết đề cập đến chính là Tôn Kiên (155 – 191), là người đặt nền móng xây dựng nước Đông Ngô thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Đương thời ông là tướng nhà Hán và tham gia cuộc chiến chống quyền thần Đổng Trác.
Tôn Kiên người Phú Xuân thuộc Ngô quận. Theo Tam quốc chí, ông là hậu duệ của danh tướng Tôn Võ thời Xuân Thu, nhiều đời làm quan. Lớn lên, Tôn Kiên được làm chức lại trong huyện, tính tình khoáng đạt, thích kết giao với các hào kiệt.
Năm 171, khi đó Tôn Kiên 17 tuổi, ông cùng cha đi thuyền đến sông Tiền Đường, bất ngờ gặp một toán cướp Hồ Ngọc đang cướp tiền của các nhà buôn và chia chác với nhau trên bờ. Mọi người trên thuyền đều sợ không dám tiến lên, Tôn Kiên tỏ ý định đánh cướp. Dù cha đã can không nên mạo hiểm nhưng Tôn Kiên vẫn xách dao nhảy lên bờ, vừa chạy vừa cầm dao chỉ đông chỉ tây như đang chỉ huy mọi người nghe hiệu lệnh. Bọn cướp biển thấy vậy tưởng rằng có quân triều đình đến bắt, liền vứt hết tiền của bỏ chạy. Tôn Kiên thừa thế đuổi theo, chém chết một tên cướp.
Sau đó, ông trở nên nổi tiếng, được quan phủ trong quận phong làm Hiệu úy.
Năm Tôn Kiên 18 tuổi, làm tư mã trong quận đã chiêu tập hơn 1000 quân hợp lực cùng quân sĩ trong các châu đi dẹp Hứa Xương. Hứa Xương là người dấy binh chống triều đình ở Cú Chương, có hơn 1 vạn quân, đánh phá khắp nơi. Sau khi chiến thắng, Tôn Kiên được triều đình phong làm Huyện thừa huyện Diễm Độc, mấy năm sau lại được phong làm Huyện thừa ở Vu Thai rồi huyện Hạ Bì.
Tôn Kiên làm huyện thừa ở 3 huyện, tại đâu cũng nổi tiếng, được nhiều người ngưỡng mộ. Ông giao du với nhiều nhân tài, đối đãi rất hậu. Giang Biểu truyện chép: "Kiên trải chức phó ở ba huyện, ở đâu cũng được khen, quan dân thân gần nương dựa. Những người quen cũ cùng quê quán, những người nhỏ tuổi ham thích lập nghiệp, qua lại thường có mấy trăm người, Kiên tiếp đón, phủ dụ, đối đãi xem như con em mình."
Năm 184, anh em Trương Giác cầm đầu khởi nghĩa Khăn Vàng chống nhà Hán, thanh thế rất lớn. Trong các tướng được triều đình cử ra mặt trận, Chu Tuấn tiến cử Tôn Kiên làm Tả quân tư mã. Tôn Kiên chiêu mộ quân sĩ ở vùng Hoài, Tứ, dồn thêm binh mã có từ trước được hơn 1000 người, theo Chu Tuấn đi đánh quân Khăn Vàng.
Quân Khăn Vàng bị dẹp. Tôn Kiên được phong làm Biệt bộ tư mã.
Khi Đổng Trác làm loạn triều chính, Tôn Kiên đã tham gia liên quân các chư hầu nhằm mục đích đánh đổ quyền thần này. Thế lực của ông từng được Viên Thiệu đánh giá là mạnh nhất trong số các lộ chư hầu khi kêu gọi liên minh dẹp loạn Đổng Trác. Tuy nhiên, đáng tiếc số phận của Tôn Kiên không được may mắn.
Quân đội của Tôn Kiên là đội quân có sức chiến đấu mạnh nhất trong 18 lộ chư hầu, bản thân Tôn Kiên cũng là người có vũ lực cường hãn, chính Tôn Kiên cũng luôn làm gương cho binh sĩ, sắc bén vô cùng. Ông là người tiên phong tấn công Lạc Dương, nhưng do các chư hầu mỗi người tự có ý riêng cho nên kết quả cũng không thể tiến xa được.
Theo sử liệu, Lưu Biểu làm thứ sử Kinh châu giáp địa bàn với Viên Thuật. Năm 191, Viên Thuật lại sai Tôn Kiên mang quân đánh Lưu Biểu. Xung đột giữa hai bên bùng nổ.
Quân Tôn Kiên từ Dự Châu kéo tới Tương Dương. Lưu Biểu sai Hoàng Tổ mang quân ra địch. Hoàng Tổ mang quân sang sông Hán Thủy, đóng ở đất Phàn, đất Đặng đón đánh Tôn Kiên.
Tôn Kiên giao tranh đánh bại Hoàng Tổ. Hoàng Tổ phải vượt sông bỏ chạy, rút về thành Tương Dương cùng Lưu Biểu. Tôn Kiên sang sông đuổi theo, bao vây thành Tương Dương (thuộc Nam Quận). Lưu Biểu và Hoàng Tổ đóng cửa thành cố thủ.
Ban đêm, Hoàng Tổ theo lệnh của Lưu Biểu, bí mật ra khỏi thành thu thập quân sĩ chạy tản mát. Hoàng Tổ thu thập được một số quân, quay trở lại thành thì đụng độ với Tôn Kiên. Hai bên giao tranh một trận nữa, Hoàng Tổ lại bị Tôn Kiên đánh bại một lần nữa, phải dẫn quân bỏ chạy. Tôn Kiên mang quân đuổi theo.
Khi Hoàng Tổ chạy đến Hiệp Sơn thì Tôn Kiên đuổi kịp. Hoàng Tổ rút quân vào trú trong rừng trúc, đợi Tôn Kiên đuổi lại gần, bèn lệnh bắn ra. Bộ tướng của Hoàng Tổ nấp trong rừng trúc bắn tên trúng Tôn Kiên.
Tôn Kiên vì quá khinh suất nên kết quả phải trả giá bằng cả tính mạng bản thân, mất khi mới 37 tuổi. Nhiều nhà sử học cho rằng, nếu Tôn Kiên không qua đời sớm thì có lẽ lịch sử Tam Quốc đã phải viết lại.
Trên thực tế, Hoàng Tổ chỉ là thuộc hạ của Lưu Biểu, từng làm Thái thú Giang Hạ. Tam Quốc Chí không chép nhiều về Hoàng Tổ, chỉ biết người này chưa từng có chiến thắng nào trên trận mạc. Còn trong Tam Quốc diễn nghĩa, Hoàng Tổ được tả là một vị tướng vô mưu. Do đó, việc hạ sát được Tôn Kiên là cột mốc sáng chói duy nhất trong sự nghiệp của Hoàng Tổ. Thế nhưng, cũng vì thế mà ông liên tục bị gia tộc họ Tôn trả thù.