Lá số của người đàn bà đầu tiên làm Hoàng đế
Lịch sử phong kiến Trung Quốc ghi nhận Võ Tắc Thiên (624 – 705) là nữ Hoàng đế duy nhất. Bà cực kỳ đặc biệt, là giai nhân tuyệt sắc kiều mị, có tài năng tuyệt đỉnh và minh mẫn hơn người. Bà bị lịch sử lên án trị vì rất ác nghiệt, dùng mọi thủ đoạn để thống trị vương triều hơn chục năm.
“Tân đường thư – Viên Thiên Cang truyện” và sách tiên tri “Thôi Bối Đồ” viết về Viên Thiên Cang, Lý Thuần Phong – những bậc thầy tướng số, phong thủy nổi tiếng thời kỳ đầu nhà Đường đã ghi lại những lời tiên đoán về Võ Tắc Thiên.
Võ Tắc Thiên hoàng đế. Ảnh cổ trang.
Viên Thiên Cang khi đã trở thành bậc thầy tướng số có lần đi qua ngoài phủ Võ Sĩ Hoạch – cha của Võ Tắc Thiên đang làm Đô đốc Lợi Châu. Tình cờ gặp vợ ông và bật nói: “Phu nhân, bà có cốt pháp không giống người thường, trong nhà tất có quý tử”. Bà liền mời Viên Thiên Cang vào phủ xem tướng cho các con.
Viên Thiên Cang khen hai con trai là “bảo gia chi tử”, nói con gái lớn tương lai sẽ là quý phu nhân… nhưng không có “quý tử”. Bà bèn gọi nhũ mẫu bế một đứa trẻ ăn mặc như bé trai ra. Nhìn đứa bé sắc mặt Viên Thiên Cang chợt biến đổi, và khi đứa bé mở đôi mắt to ngước nhìn Viên Thiên Cang thì ông kinh hãi: “Đứa trẻ này có con ngươi của rồng và cái cổ của phượng hoàng (long tinh phượng cảnh), có tướng đại phúc, đại quý. Nếu nó là con gái tất sẽ là vua của thiên hạ”.
Đứa trẻ ấy chính là Võ Tắc Thiên. Viên Thiên Cang cũng từng tiên tri rằng, triều đại nhà Đường sẽ bị một phụ nữ họ Võ xâm phạm.
Lần tiên đoán được ghi chép thứ hai về Võ Tắc Thiên là của Lý Thuần Phong – bậc thầy thiên văn, địa lý và kinh dịch. Khi đó Hoàng đế Đường Thái Tông Lý Thế Dân đã cao tuổi, muốn Lý Thuần Phong dùng hiểu biết về thuật số, tính xem ai là người làm mất nước, ai sẽ bắt đầu triều đại mới.
Lý Thuần Phong không dám tiết lộ thiên cơ, nên nói: “Người làm loạn triều ta, ở ngay bên cạnh bệ hạ. 30 năm sau, người đó sẽ giết chết hầu hết con cháu nhà Đường”. Nghe vậy Đường Thái Tông muốn giết chết người đó trừ họa, nhưng Lý Thuần Phong nói đó là thiên ý, nếu giờ giết chết đi, Trời tất sẽ giáng họa, con cháu nhà Đường càng nguy hiểm.
Vì thế Hoàng đế Đường Thái Tông biết trước mà không lạm sát. Khi ông qua đời, Võ Tắc Thiên trở thành Hoàng hậu, trải qua các đời Đường Trung Tông Lý Hiển, Đường Duệ Tông Lý Đán với tư cách Hoàng thái hậu, và đã trở thành Hoàng đế duy nhất của triều đại Võ Chu (690 -705).
Theo tiên tri của Lý Thuần Phong nói về người sẽ người làm mất nước và bắt đầu triều đại mới: “Người này chỉ có cây thương không rời thân, 2 mắt mọc trên không trung”.
(Lời này là tả về tên thật của Võ Tắc Thiên là Võ Chiếu. Võ Tắc Thiên có họ là Võ (“武”). Từ Võ (“武”) này do chữ “chỉ có”(“止”) ghép với “cây thương (” 戈”), tên là Chiếu (“曌”) tức là “2 mắt “(目目”) mọc ở trên không trung (” 空”). Về sau này, sự tình thực tế xảy ra hoàn toàn đúng với lời tiên đoán này.)
Đương số đặc biệt của cụ Ngô Hùng Diễn
Ở Việt Nam ghi nhận 3 quẻ bói về cuộc đời ly kỳ của giai nhân tuyệt sắc là Đệ nhất phu nhân (1924-2011). Bà là vợ ông Ngô Đình Nhu, cố vấn chính quyền ở miền Nam trước đây - đặc biệt là lá số của thần tướng Ngô Hùng Diễn. Bà sinh ra trong gia đình quyền quý: Cha là ông Trần Văn Chương, đại địa chủ và là luật sư Việt Nam đầu tiên có bằng tiến sĩ luật của Pháp. Mẹ là quận chúa Thân Thị Nam Trân, là công chúa, con của Kiên Thái Vương (em vua Tự Đức).
Bà Trần Lệ Xuân. Ảnh Internet.
Lời tiên tri đầu tiên là khi Trần Lệ Xuân ra đời. Ông thầy bói xem tướng rồi đối chiếu ngày sinh, giờ sinh, hoàng đạo với vị trí của mặt trời và mặt trăng và cả những ngôi sao xấu đang lướt qua… để đưa ra tiên tri. Ông đã thốt lên vì bà có số phận kỳ lạ ngoài sức tưởng tượng: “Ngôi sao chiếu mệnh của nó không thể nào tốt hơn. Đứa bé sẽ leo lên đến những đỉnh cao vời vợi”.
Lần xem bói thứ hai được ghi lại trong “Đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân” của tác giả Hoàng Trọng Miên (Mõ Hà Nội, VNthuquan - Thư viện Online). Khi ấy Trần Lệ Xuân đang tiến tới hôn nhân với Ngô Đình Nhu. Về gia thế thì gia đình ông Trạng Trần thông gia với cụ Thượng Ngô rất môn đăng hộ đối, chú rể lại có bằng cấp cao, cô dâu tân thời đúng mực – rất xứng đôi vừa lứa.
Nhưng bà Nam Trân vẫn đưa Trần Lệ Xuân đi xem bói cho đôi lứa ở trước khi quyết định có nhận lời nhà trai hay không. Trần Lệ Xuân thắp hương, van vái rồi hai tay cầm ống quẻ lắc mạnh để xin xăm. Bà Nam Trân đặt lên tráp thầy bói 5 đồng bạc để nghe lời thánh dạy (năm 1948 đó là số tiền lớn, bởi giải quẻ xăm chỉ thu đồng hào). Để “tạ ơn” mệnh phụ phu nhân và tiểu thư, ông thầy cao hứng xem cả tướng số, xem tay và bói Dịch, phán rằng:
- Bẩm bà lớn, cô nhà ta cao số, đôi lưỡng quyền nổi bật - đủ thấy người đàn ông phải bản lĩnh lắm mới ăn đời ở kiếp được. Lòng bàn tay đầy đặn đỏ son là số về sau sống trong nhung lụa, lên xe xuống ngựa, đường đường mệnh phụ phu nhân. Chỉ phải cái gia đạo không yên vui mấy vì những nét phá ngang. Theo tử vi thì đường tình duyên cô có nhiều éo le, song nhờ "tử phù vũ tướng" và "tả phù hữu bật" nên đời cô dù có lao đao về chồng con, rốt cuộc cô vẫn sung sướng thanh nhàn, giàu sang quý phái hơn thiên hạ.
Bà Nam Trân đưa tuổi của chàng rể tương lai ra hỏi. Thầy tính toán một hồi nói:
- Số người đàn ông này cũng cao lắm. Có thể sánh được với cô nhà ta. Cung quan lộc của ông này về sau vượng lắm, danh tiếng lẫy lừng. Đi đôi với số cao của cô dù cách nhau trên 16 tuổi, song có thể phối hợp được thành chồng thành vợ. Trong tử vi người đàn ông có bị phá cách về sau, nhưng có thể cúng sao giải hạn được.
Và năm 1943 khi Trần Lệ Xuân 18 tuổi đã kết hôn với Ngô Đình Nhu.
Lần xem bói thứ ba của Trần Lệ Xuân được ghi nhận theo đương số của cụ Ngô Hùng Diễn. Theo đó: “Cô là một người phụ nữ danh giá. Chồng cô chỉ đứng sau một người và trên cả triệu người. Nhưng trong cuộc đời, cô tuyệt đối không được rời xa nhà chồng. Nếu cô rời xa nhà chồng thì cả gia đình nhà chồng sẽ gặp đại họa”.
Cụ Ngô Hùng Diễn nói về Trần Lệ Xuân là mắt phượng, mặt cái lá, dáng người thanh thoát, quý phái. Người mặt cái lá thì suốt đời gặp may. Đàn bà mắt phượng là có quyền lực lớn, đã mắt phượng mà còn xinh đẹp thì quyền lực rất lớn. Ngoài cụ Ngô Hùng Diễn, không ai luận đoán về số phận một con người chính xác đến thế. Cụ cũng nói với Ngô Đình Diệm: “Xin tổng thống đừng để bà cố vấn đi ra khỏi biên giới”.
Cuộc đời của Trần Lệ Xuân đã diễn ra đúng như vậy. 18 tuổi, Trần Lệ Xuân lấy chồng, trở thành bà cố vấn và nhảy thẳng vào chính trường miền Nam, không qua bầu bán. Bà thực sự đứng dưới một người và trên cả triệu người, còn được coi là lá bùa hộ mệnh của gia đình nhà chồng.
Bà nổi tiếng là người đàn bà đầy mưu mô, dùng tất cả mánh lới để leo lên đỉnh cao của quyền lực. Robert McNamara, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, đã nhận xét về Trần Lệ Xuân: “Giống như hầu hết những người Mỹ đến đất nước này, và theo tôi, cả nhiều người Việt nữa, tôi thấy bà Nhu là một người sáng sủa, mạnh mẽ và xinh đẹp, nhưng cũng độc ác và mưu mô - một mụ phù thủy thực sự”.
Nhưng tình hình năm 1963 rất căng thẳng. Tại Sài Gòn các tướng lĩnh dưới sự chỉ đạo của Dương Văn Minh và Trần Văn Đôn (được Đại sứ Mỹ đảm bảo là sẽ không can thiệp), đã tổ chức đảo chính. Gia đình họ Ngô bị xóa sổ, trừ Trần Lệ Xuân và Ngô Đình Thục thoát nạn vì đang ở Mỹ.
Khi quân đảo chính nổ súng, ngồi trong hầm ngầm dưới Dinh Độc Lập, Ngô Đình Diệm đã nói với Ngô Đình Nhu: “Nếu thím Xuân ở nhà thì tình hình không phải như thế này”.
Lời nói đó có cơ sở, bởi trong cuộc đảo chính vai trò của Trần Văn Đôn rất quan trong, là Tổng tham mưu trưởng và Phó Chủ tịch Hội đồng Quân nhân Cách mạng. Viên tướng trẻ này - và nhiều tướng tá của quân lực Cộng hòa miền Nam - tuy không ủng hộ Ngô Đình Diệm nhưng đều si mê trí thông minh, nhan sắc đa tình của Trần Lệ Xuân. Bà Trần Lệ Xuân cũng rất thích đức tính hào hiệp của Trần Văn Đôn. Cuộc tình vụng trộm khiến vợ Đôn ra tay “đánh ghen” bắn Trần Lệ Xuân ở Đà Lạt. Sau đó mối quan hệ vợ chồng giữa Đôn và bà vợ chấm dứt. Và Đôn chỉ còn Trần Lệ Xuân. Nếu Trần Lệ Xuân không đi ra khỏi biên giới thì tình hình có thể không xấu như thế.