Hầu hết, mọi người đều sẽ nghĩ rằng Tử Cấm Thành thu hút lượng lớn khách du lịch vì lưu giữ nhiều di tích văn hóa đặc biệt như vàng bạc châu báu, đồ vật gốm sứ cổ xưa, nhưng đó không phải là tất cả. Lọ chất lỏng đen nhầy bên trong Tử Cấm Thành cũng đã thu hút rất nhiều du khách khi đến nơi đây.
Câu chuyện về lọ chất lỏng này vẫn rất bí ẩn, không có mô tả chính xác ngoài một ghi chú dọc có trên lọ với các từ: Dầu Balsamo.
Từ thời Đường, dầu Balsamo đã được du nhập vào Trung Quốc nhưng phải tới nhà Thanh mới bắt đầu trở nên phổ biến.
Balsamo sử dụng nhiều trong việc điều chế tinh dầu thơm để trong hoàng cung và đặc biệt chữa lành được vết thương do bị đâm. Ở các chiến trường hay doanh trại quân đội, dầu Balsamo không thể thiếu.
Trong một câu chuyện được kể lại, để mừng quân chiến thắng trên chiến trường, Hoàng đế Khang Hy đã ban cho họ một lượng lớn dầu Balsamo, cả doanh trại vô cùng hoan nghênh và vui sướng.
Hiện tại, việc ghi chép lịch sử về loại dầu này thường thấy trong các cuốn sách cổ của 2 triều đại Minh và Thanh. Nhiều người đã đề cập đến nguồn gốc thực sự của dầu Balsamo trong các tác phẩm của họ.
Trong sách "Hoa Di Tạp Mộc Khảo", nhà Minh có ghi lại: "Cây này được sinh ra ở một xứ rừng, lá mỏng, xếp thành từng cặp với nhau, đặc biệt có hoa màu vàng. Nước cốt cây đặc như dầu, cực kỳ đắt, khi bôi lên cơ thể có thể chữa được bách bệnh".
Còn ở Khôn Dư Đồ Thuyết, nhà Thanh: "Balsamo là tên một loài gỗ, đến từ xứ Fufu, có mùi đặc trưng của dầu mỡ và rất thơm. Tính chất của cây rất mạnh, có thể dùng làm thuốc đắp vào vết thương hở. Vết thương sẽ nhanh chóng liền và không để lại sẹo. Đặc biệt sử dụng với tử thi, ngàn năm không bị thối rữa".
Trên thực tế, quốc gia Fufu được đề cập trong sách cổ nhà Thanh chỉ Đế chế Đông La Mã cổ đại và thực vật mô tả chính là cây cao su và dầu Balsamo được chiết ra trực tiếp từ cây thực vật này.
Đối với người xưa, Balsamo là một loại thuốc thần kỳ, có thể dùng để chữa lành các bệnh ngoài da, vết thương hở và thậm chí ướp xác.
Tuy nhiên trong điều kiện y học ngày nay, các chuyên gia đã phát hiện trong dầu Balsamo có chưa dược tính gây nhiều tác dụng phụ cho con người thông qua các nghiên cứu khoa học.
Thần dược nhà Thanh đến nay đã không còn được sử dụng trong việc chữa trị vết thương nữa và chỉ đóng vai trò là nguyên liệu sản xuất kẹo và mỹ phẩm.