Lâm Xung xuất hiện đầu tiên ở hồi 6 Thủy Hử, nhân chuyện Thi Nại Am tả Lỗ Trí Thâm tay không nhổ bật gốc cây dương liễu ở chùa Tướng Quốc rồi múa thuyền trượng (dài 5 thước nặng 62 cân) như “gió bay mây cuốn… xuống lên rất là khoái hoạt”.
Anh hùng gì mà nhu nhược hèn nhát đến vậy?
Hình ảnh của Lâm Xung rất được Thi Nại Am chăm chút: “Thấy một người, đầu đội khăn xéo xanh, đằng sau gáy cài vòng bạch ngọc, mình mặc áo chiến bào đơn, mầu lục, lưng thắt đai bạc chạm một dải lưng rùa, chân đi đôi hài mõm vuốt, tay cầm cái quạt Tứ Xuyên, đầu báo mặt tròn, râu hùm, hàm én thân cao tám thước, tuổi ngoại ba mươi… Người ấy là Giáo Đầu Lâm Xung dạy 80 vạn cấm binh ở Đông Kinh đó”.
|
Báo tử đầu Lâm Xung, kẻ tầm thường dưới vẻ ngoài anh hùng đệ nhất. |
Nhưng tính cách của Lâm Xung lại không thực sự đẹp đẽ và anh hùng như vẻ ngoài vạn người mê của chàng. Chúng ta hãy từng bước điểm qua các đoạn viết về chàng ta mà Thi Nại Am, với ngòi bút của mình đã rất khéo léo trong việc khắc họa tính cách của “Báo tử đầu”.
Đầu tiên là chi tiết Lâm Xung đang uống rượu kết giao cùng Lỗ Trí Thâm, nghe con ở báo vợ mình “ở trên lầu Ngũ Nhạc Miếu đi xuống, thì gặp người nào giữ lại, rồi cãi nhau ở đấy luôn”. Lúc đầu phản ứng của Lâm Xung, một người chồng khi thấy vợ bị trai lạ dở trò thì như này: “Lâm Xung thấy vậy, tức giận chạy lên thang lầu nắm lấy vai anh chàng thiếu niên mà giật một cái rồi bảo rằng: - Anh dám đùa bỡn vợ con nhà tử tế, thì có đáng tội hay không?”.
Ấy nhưng sau khi biết “chàng thiếu niên” là nhân vật không tầm thường thì Lâm Xung lại “co vòi” mà không dám dạy cho gã ta một bài học: “Chàng nói xong giơ tay toan đánh, bất đồ trông đến mặt, thì té ra chính là cậu ấm Cao, con nuôi Cao Thái Úy nhà mình, liền chùn tay lại mà không đánh nữa. Nguyên Cao Cầu mới phát tích được làm Thái Úy, mà con cái chưa có, bèn nuôi con người em là Cao Tam làm con. Nhân thế Cao Cầu rất là yêu quý, cho nên cậu ấm cứ ỷ quyền cậy thế, mà phóng túng, chơi bời gặp vợ con ai cũng là đùa bỡn, người ta đã thường gọi là Hoa Hoa Thái Tuế xưa nay”.
Đoạn sau đó, Thi Nại Am viết tiếp: “Những người ở gần đấy thấy vậy, thì xúm nhau đến khuyên giải Lâm Xung rằng: - Thôi Giáo Đầu đừng nói nữa, cậu ấm không biết cho nên mới lỡ ra như thế. Cậu ấm nghe tới đó mới biết là vợ Lâm Xung, lại bị người ta khuyên giải cản ngăn, mới bất đắc dĩ, phải ra miếu lên ngựa mà về. Lâm Xung tuy vậy trong lòng vẫn còn tức giận, trừng mắt nhìn theo cậu ấm một lúc rồi mới đưa vợ ra về”.
Vậy là đã rõ, ngay khi biết kẻ quấy rối vợ mình là con nuôi Cao Cầu, Lâm Xung chẳng những không đánh, không dạy cho gã “Hoa Thái Tuế” một bài học mà chàng ta lại chọn cách im lặng, để người ngoài nói vào khuyên giải. Rồi sau đó, khi Lâm Xung kể lại chuyện với Lỗ Thí Thâm thì cái tính cách nhu nhược, hèn nhát của chàng ta càng lộ rõ: “Có phải ai đâu, đấy là cậu ấm con quan Thái Úy, vì không biết là vợ con tôi, cho nên mới vô lễ như thế, tôi đã toan đánh cho một trận, nhưng lại sợ đối với Cao Thái Úy, có điều không tiện, cho nên phải thôi”.
Tới đây, Thi Nại Am đã dùng câu nói của Lỗ Trí Thâm – người vốn được xem là chính nhân quân tử bậc nhất Thủy Hử để làm nổi bật cái sự tầm thường của Lâm Xung khi đặt bên cạnh hảo hán họ Lỗ: “Bác sợ Thái Úy nhà bác, chứ tôi sợ gì, giá tôi mà gặp nó thì đãi vài trăm cái thuyền trượng này cho biết tay đã”.
Anh hùng gì mà toàn kết giao với bạn xấu?
Không tính Lỗ trí Thâm và các huynh đệ đầu lĩnh gặp gỡ, kết giao sau này khi lên Lương Sơn, Lâm Xung khi còn đương chức về cơ bản chỉ kết giao thân thiết với vài ba người. Có điều vòng tròn bạn bè của Lâm Xung, đa phần toàn là phường tiểu nhân, thấp kém.
Người thân nhân với Lâm Xung, là Ngu Hầu – Lục Khiêm. Thủy Hử viết: “Lục Ngu Hầu Lục Khiêm là người tâm phúc ở trong phủ (Cao Cầu) mà nhà ở liền đây, xưa nay chơi với Lâm Xung thân lắm… Ngu Hầu tuy chơi với Lâm Xung cũng có phần thân mật, song đến điều sở thích của Nha Nội, thì cũng phải bỏ tình bè bạn chiều chuộng cho xong, liền vâng lời về sắp sửa, để sáng hôm sau thi kế”.
Đến khi biết mình bị Lục Khiêm lừa, nhằm tạo điều kiện cho Cao Nha Nội giở trò xằng bậy với vợ mình thì phản ứng của Lâm Xung thế nào? “Lâm Xung lên đến gác, tìm Cao Nha Nội, thì đã mất rồi, sau hỏi đến vợ cặn kẽ, mới biết là trúng kế gian… trong lòng căm tức Ngu Hầu vô hạn, liền đập phá nhà Ngu Hầu tan nát cả, rồi đưa vợ cùng con trẻ ra về. Khi đưa về đến nhà rồi, Lâm Xung lại vác đao, đi thốc đến Phàn Lâu, tìm Ngu Hầu, nhưng Ngu Hầu đã trốn đi đâu mất, chàng lại đến tận cổng để đón đánh, mà suốt ngày hôm ấy cũng không thấy đâu cả”.
Như vậy có thể thấy rằng, Lâm Xung chỉ quyết đi tìm để xử gã bạn đểu Lục Khiêm, chứ tuyệt nhiên không đả động gì đế chuyện hỏi tội kẻ chủ mưu và nhân vật chính số 1 Cao Nha Nội. Anh hùng gì mà vẫn tính đường lui an toàn cho mình thế. Rồi sau đến chuyện Lâm Xung mắc mưu Cao Cầu, bị khép tội, thích chữ lên mặt, giải đi Thương Châu, thêm 1 lần nữa gã bạn đểu Lục Khiêm lại xuất hiện. Lần này, Lục Khiêm gặp hai tên công sai Đổng Siêu Tiết Bá, theo lệnh cha con Cao Cầu đút tiền cho bọn này để “Cứ đến chỗ nào vắng vẻ, thì các ông giết phăng tên Lâm Xung ấy đi”.
Người mà Lâm Xung từng kết giao khá thân trước đó còn có một tay tên Lý Tiểu Nhị, sau chàng gặp lại khi ở Thương Châu “Nguyên tên Tiểu Nhị khi trước còn làm công cho một tửu điếm ở Đông Kinh, thỉnh thoảng lại được Lâm Xung giúp đỡ cho ít nhiều, sau tên ấy ăn cắp tiền của chủ, bị người ta bắt được đem đến nộp quan, Lâm Xung lại che chở cho, rồi cho tiền để đến hồi thoát nạn. Đến khi tên ấy không muốn ở Đông Kinh nữa, thì Lâm Xung lại cho tiền nong làm vốn, để đi kiếm chỗ khác mà làm ăn”.
Họ Lý quả thực một lòng đối tốt với Lâm Xung nhờ ơn nghĩa xưa cũ, thậm chí còn là người báo tin cho Lâm Xung chuyện Lục Khiêm bàn mưu tính kế với bọn Sát Bát nhằm phóng hỏa đốt chết “Báo tử đầu”. Nhưng đừng quên, họ Lý trước đó từng là tay ăn cắp vặt, bất kể xuất phát hay hoàn cảnh thế nào cũng không thể nói là chính nhân quân tử được. Cách đánh giá tốt nhất nhân cách một người đàn ông, hãy nhìn vào bạn bè của anh ta. Lâm Xung tiếng là anh hùng, tại sao bạn bè toàn hạng hạ lưu?
Anh hùng gì mà như kẻ “cơ hội”?
Sau khi được Lỗ Trí Thâm cứu mạng ở rừng Dã Trư, Lâm Xung cùng bọn công sai tiếp tục lên đường tới Thương Châu, đi qua trang viện của Tiểu Toàn Phong Sài Tiến. Khi nghe được tay chủ quan rượu kể về cái sự hào phóng của Sử Tiến: “Có một ông đại tài chủ, tên gọi là Sài Tiến, ở đây thường gọi là Sài Đại Quan Nhân, mà đám giang hồ thì vẫn gọi là Tiểu Đoàn Phong Sài Tiến… Ông ta thích chiêu hào những hảo hán trên đời, cho nên trong nhà lúc nào cũng nuôi đến năm bảy mươi người ở đó! Lại thường dặn ở nhà tôi, nếu thấy những người nào mắc tội đày ải qua đây, thì đưa vào để ông ta giúp đỡ” thì Lâm Xung ngay lập tức nói với 2 tay Đổng Siêu Tiết Bá thế này: “Vẫn thường nghe tiếng Sài Đại Quan Nhân, nhưng ngày nay mới biết là ở đây, vậy bất nhược ta thử vào đấy xem sao?”.
Mục đích của Lâm Xung chẳng cần nói nhiều, cũng quá rõ rồi, tới gặp Sài Tiến trước là kiếm chút bạc lẻ, sau là tạo quan hệ cho bản thân. Khi Lâm Xung tới trang viện Sài Tiến và được bọn gia nhân chỗ này nói “Các ông hôm nay thực là đen lắm, giá có gặp Quan Nhân ở nhà, thì ít ra cũng phải có rượu thịt tiền nong để đãi, nhưng tiếc vì ngài lại mới đi săn sáng hôm nay rồi” không biết khi nào mới về, thì phản ứng của chàng ta như này: “Lâm Xung thở dài mà than rằng: - Nếu vậy, thì chúng tôi kém phúc đức quá!” rồi “Bấy giờ trong bụng Lâm Xung có phần buồn bã, trách thương cho số phận long đong, đi đến đâu cũng lỡ làng không gặp”. Anh hùng gì mà cứ gặp chút chuyện không như ý là than thở vậy?
Sau khi chia tay Sài Tiến, Lâm Xung cũng thu hoạch được một khoản kha khá: 25 lạng bạc nhờ đánh thắng Hồng Giáo Đầu, thêm 25 lạng nữa Sài Tiến tặng lúc giã từ, lại có thêm 2 phong thư “Tiểu Toàn phong” viết gửi cho Quan Đại doãn và bọn Quản Doanh – Sái Bát ở Thương Châu để nhờ đó mà được “đối đãi biệt nhãn”.
Sau đấy, Thi Nại Am lại tả đến chuyện Lâm Xung dùng tiền “kiếm chác” được từ chỗ Sài Tiến để đút lót bọn quan lại Thương Châu nhằm được yên thân. Nào là “5 lạng bạc cho Sái Bát”, “10 lạng bạc cho Quản Doanh”, rồi sau đưa nốt thư tay của Sài Tiến. Cũng bởi chuyện tài lợi mà Lâm Xung bị người bạn thân từ thuở thiếu thời Lục Khiêm hại vào tù ra tội suýt mất cả mạng nhưng rốt cuộc chàng ta cũng đâu đẹp đẽ gì hơn, khi dùng tiền để mua lấy sự an toàn cho bản thân.
Lâm Xung hiểu hơn ai hết cái chân lý ấy nhưng “Báo từ đầu” ngoài việc than thở: “Lâm Xung thấy thế thì thở dài, than một mình rằng: - "Tha hồ nghĩa nặng tình sâu, Anh em máu mủ chẳng đâu bằng tiền" thế gian nói không sai câu gì cả”, chứ tuyện nhiên vẫn cư xử như phường tiểu nhân, chẳng đáng mặt anh hùng chút nào.
Rồi những chuyện như Lâm Xung sau khi một tay giết sạch bọn Lục Khiêm, Phú An, Sái Bát, đến sưởi nhờ ở gian nhà hẻo lánh, thèm rượu mà bọn ở đấy nhất mực không cho cũng không bán, chàng ta cáu quá vung gậy đánh người mà cướp rượu uống, hay tới đoạn giết chủ trại Lương Sơn Bạc – Vương Luân, người dù không chí hướng nhưng ít nhiều cũng cho Lâm Xung một chốn dung thân khi cùng đường tuyệt lộ, tuyệt nhiên cũng cho thấy cái nhân cách tầm thường của “Báo tử đầu”.
Lâm Xung, trước sau, chưa bao giờ xứng được coi là anh hùng cả!