Đi phía sau những nam thanh niên tham gia tục bắt vợ có khá đông người, nhưng không ai ngăn cản mà tỏ ra hào hứng với việc này. Một lúc sau, cô gái đã bị “bắt cóc” lên ô tô.
Tục bắt vợ kỳ lạ của người Mông
Bắt vợ là một nét văn hoá trong hôn nhân người Mông. Người con trai sẽ tìm người giúp để bắt cô gái mà họ “chấm” về làm vợ. Phong tục này đã tồn tại trong công đồng người Mông như một nét văn hoá đặc sắc, thu hút sự tìm hiểu, khám phá của các du khách mỗi lần đến với Sapa. Nghe cái tên “bắt vợ”, du khách phần nào đó thấy được mục đích cũng như sự quyết liệt trong cuộc bắt vợ.
Bắt vợ là cách thức để người con trai lấy được người con gái mà mình yêu thương khi không có đủ tiền xin cưới hay bị gia đình nhà gái phản đối.
Theo các già làng trong bản kể, nguyên nhân diễn ra tập tục này ở người Mông là trước đó có rất nhiều đôi trai gái yêu nhau tha thiết nhưng lại không được một hoặc cả hai bên cha mẹ đồng ý. Khi cha mẹ không đồng ý mà trai gái khác tự tìm đến sống với nhau thì không những bị coi là bất hiếu, cuộc hôn nhân còn không được cộng đồng chấp nhận. Thế nên, “bắt vợ” là một giải pháp khá hiệu quả trong những trường hợp này.
Trường hợp cô gái và chàng trai yêu thương nhau từ trước nhưng họ không đủ tiền thách cưới hay bố mẹ không đồng ý. Chàng trai sẽ bàn kế với cô gái trước ngày, giờ, địa điểm nhà trai tổ chức bắt vợ. Mọi chuyện được tính toán trong bí mật, gia đình nhà gái không hề hay biết, cô gái vẫn hằng ngày lên nương rẫy đi làm bình thường. Rồi đến ngày hẹn, chàng trai xuất hiện cùng bạn bè “bắt” cô gái về nhà mình. Cô gái dù biết trước mọi chuyện vẫn tỏ ra bất ngờ, giả vờ kêu khóc. Theo phong tục người Mông, trong cuộc bắt vợ, cô gái khóc càng to, phản ứng càng quyết liệt thì đôi đó càng hạnh phúc, con đàn cháu đống. Người Mông quan niệm, có “bắt” vợ thì người đàn ông mới chứng minh sự thật lòng với người yêu, sự mưu trí, dũng cảm của mình. “Bắt” vợ là thử thách cuối cùng để trai gái trở thành vợ chồng của nhau”.
Khi người nhà gái mang gậy gộc đến cứu cô gái thì các bạn của chàng trai sẽ xông ra đỡ đòn. Cũng theo luật lệ của người Mông là đã đi “bắt” vợ thì cả hai bên không xảy ra đánh nhau thật mà để chàng trai mang cô gái về nhà. Cô gái bị bắt về sẽ ở nhà chàng trai ba ngày và được bố trí ngủ cùng các anh, chị của chàng trai. Sau ba ngày, cô gái được thả về nhà, nhà trai đem lễ vật xin cưới.
|
Các thanh niên nam gia trò bắt vợ.
|
Trường hợp chàng trai chỉ yêu đơn phương và “bắt” không đúng đối tượng thương yêu mình. Trong trường hợp này cô gái sẽ tìm cách trốn khỏi nhà chàng trai hoặc được chàng trai cố tình để cô gái trốn thoát. Lúc đó, gia đình nhà chàng trai phải làm lễ vật sang nhà cô gái để “đền danh dự” cho nhà gái. Còn sau ba hôm bị “bắt”, cô gái không trốn, không trốn được khỏi nhà chàng trai, nhà trai sẽ đến báo cho nhà gái biết và bàn việc cưới.
Trường hợp chàng trai Mông bắt vợ nhưng người con gái không ưng hay không đồng ý lấy người đó, họ sẽ thách cưới rất cao như : 60-120 đồng bạc trắng, 60-120 cân gà, 60-120 cân lợn… Nếu như chàng trai nỡ bắt vợ mà không đáp ứng được những lễ vật nhà gái thách cưới sẽ bị dân làng bài trừ và phạt vạ. Lễ phạt vạ rất lớn thường sẽ phải khao dân làng ăn uống trong 7 ngày liên tiếp. Vì vậy, tục “bắt vợ” này không phải ai cũng có thể tiến hành. Nếu yêu thương nhau từ trước thì sẽ dễ dàng hơn.
Cứ đi chợ, nhất là dịp tết của người Mông, con trai, con gái độ tuổi 13-15 lại rìu rặt rủ nhau đi. Họ đi thành từng nhóm, nam riêng, nữ riêng. Các cô gái khi gần đến chợ, tách tốp, tụt nấp sau một bụi rậm, thay áo mới, váy mới rồi lấy trong túi áo ra chiếc gương con, chiếc lược nhỏ ra chải tóc. Ai có tiền mua son cũng bôi son chỉn chu mới vào chợ.
Dọc đường trai gái cứ thế liếc mắt tìm hiểu nhau. Ngắm được cô nào ưng ý, chàng trai chạy lại vỗ mấy cái vào mông cô gái và nói: Tao thích mày. Cô gái nếu đồng ý cũng giả vờ bỏ chạy một tí cho có lệ. Vừa chạy vừa ngoái cổ lại, chờ đợi chàng trai đuổi theo.
|
Chỉ bằng mấy cái vỗ mông, chàng trai cô gái Mông đã thành đôi. |
Trước sự chứng kiến của nhiều người, chàng trai sẽ phải cầm cổ tay cô gái và kéo cô về phía mình, nghĩa là đã thành đôi, thành lứa rồi đấy. Nếu cô gái không thích chàng trai đó, cũng không sao, cứ đứng lại, điềm nhiên chờ những cú vỗ mông khác đến khi gặp người hợp mắt. Những anh chàng người Kinh, người Tày, người Dao, người Giáy láu lỉnh vẫn thỉnh thoảng chọn những cô mông mẩy vỗ mấy cái, nhưng chẳng bao giờ bị ăn tát cả. Phụ nữ Mông vốn lành như đất đá miền biên ải. Vỗ mông chọn vợ là tục rất cổ, mang đậm tính nhân văn.
Theo tục cưới hỏi xưa của đồng bào Mông, có nhiều thứ nghi lễ, nào là bao nhiêu bò béo, bao nhiêu lợn tạ, bao xâu bạc trắng hoa xòe, bao chum rượu hạ thổ lâu năm. Lấy nhau con cái đã có gia đình rồi, thành ông bà rồi mà nhiều khi cũng chưa trả nổi nợ. Nhiều đôi mê nhau, say nhau còn hơn con công, con trĩ quấn quýt trên rừng nhưng nhà trai bần hàn quá, không thể nào tìm nổi những lễ vật tốn kém do nhà gái thách cưới nên đành dứt tình, lìa nhau.
Bắt vợ, vỗ mông chính là giải pháp bất đắc dĩ, giúp cho những chàng trai Mông nghèo có được vợ với cái giá rẻ, thậm chí là... cho không, biếu không. Xưa, vỗ mông xong, chàng trai dắt vợ lên lưng ngựa, dong thẳng về nhà mình, nhốt vào trong buồng, cắt tiết gà, cúng ma, ba ngày mới dắt về nhà gái. Lúc này, cô gái như con bò đã đóng ách, như chùm hoa mơ, hoa mận đã có người hái, nhà gái đành phải nhượng bộ, cho cưới mà không thách cao, thậm chí là không dám thách.
Ngày nay, vỗ mông chọn vợ đã có nhiều đổi thay. Trước khi bắt vợ, chàng trai Mông nào biết "ga lăng" thường tặng một đôi dép xốp tổ ong khoảng mươi, mười lăm ngàn được mua tại chợ hay một cái khăn, cái gương con con cho người con gái mình thích để dẫn dụ cảm tình. Lúc vỗ mông cũng không còn phải lên ngựa nữa mà đi xe máy hoặc đi bộ về nhà trai. Nhiều cặp trong số cuộc tình vỗ mông này còn chưa đủ tuổi kết hôn, nhưng tập tục như cái đinh đã đóng vào thân cây nghiến, không bao giờ rút nổi.