Kiến giải khác thường của nhà giáo dục thời Nguyễn

Google News

(Kiến Thức) -  Nguyễn Đức Đạt đã có những phân tích, kiến giải khác thường, khá tích cực so với thời đại về Đạo Nho.

Vốn là nhà giáo, Nguyễn Đức Đạt rất coi trọng phương pháp giáo dục. Về mục đích việc học, ông viết: “Người quân tử học là vì mình, học không phải để làm quan, sự học vì mình thì phải học suốt đời, còn kẻ nào học để làm quan, chưa làm thì học, được làm quan rồi thì không học nữa”.
Quan niệm tích cực về việc học
Là nhà giáo dục, Nguyễn Đức Đạt rất quan tâm đến các sách kinh điển của đạo Nho. Hễ ai đã bước tới cửa Khổng sân Trình để theo đường hoạn lộ, đều bắt buộc phải học Ngũ Kinh, Tứ thư, Bắc sử... theo các cụ các sách đó có giá trị ở chỗ “chính danh định phận” về con người. Nguyễn Đức Đạt cho rằng: “Kinh Xuân Thu là gấm hoa, kiêm cả Thi, Thư, Lễ, Dịch”, Kinh Xuân Thu thay thế trời đất là nẩy mực cho đường cong, đường thẳng, cân nhắc điều khinh, điều trọng.
Kinh dịch là phỏng theo trời đất, tựa như mờ tối, song lại rõ ràng; Kinh thi là Ngọc Bích thuận theo trời đất, tựa như quê mùa nhưng lại trang sức; Kinh Thư bắt chước trời đất xem tựa như kỳ dị nhưng lại lưu loát. Còn Kinh lễ là “củ” trong lúc Kinh dịch là quy (tức là để đo tròn, đo vuông) xem như bó buộc nhưng lại thích hợp, đúng mực trong trời đất.
Nguyễn Đức Đạt nói về cách học tập: “Kiến thức thì có hạn, sự lý thì vô cùng, học giả không quý ở biết hết mà quý ở biết đến nơi đến chốn”. Nhưng học những gì, học ở đâu? Trước hết, Nguyễn Đức Đạt cho rằng phải học trong sách vở, trong các bộ sách kinh điển của ông cha, sách của Khổng Mạnh, nhưng theo ông không phải là học vẹt, học hẹp. Nguyễn Đức Đạt dạy học trò của mình rằng: “Vạn cuốn sách như đồng ruộng, học tập như kho đụn, nên chăm đồng ruộng để có kho đụn hay có kho đụn đồng ruộng để giữ nồi chõ, hay bỏ cả nồi chõ mà giữ lấy cái bát mẻ”.
Ông khuyên học trò và người đời như vậy, nhưng nhiều người đâu có nghe ông. Người ta học để làm quan là chính. Những lời dạy của Nguyễn Đức Đạt quả có phần gần với phương pháp giáo dục tiên tiến ngày nay.
Những lời nói tâm huyết của một người thầy đối với học trò đã cách xa chúng ta ngót 150 năm, nhưng nó còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp chấn hưng nền giáo dục và đào tạo của chúng ta hôm nay.
 Tranh minh họa. 
Những kiến giải khác thường
Nguyễn Đức Đạt là một nhà giáo, ngoài việc nêu lên những kiến giải về dạy và học, ông còn là một học giả, một triết gia. Nguyễn Đức Đạt đã có những phân tích, kiến giải khác thường, khá tích cực so với thời đại về Đạo Nho. Nho giáo có hai nội dung lớn về Thiên đạo và Trị đạo. Về Thiên đạo, cũng như bao nhà nho khác, Nguyễn Đức Đạt cũng cho thấy rằng có Trời và mệnh trời, nhưng tư tưởng mệnh trời của ông khác và trái với tư tưởng tiền định.
Trong sách Nam Sơn tùng thoại có đoạn: “Mệnh là việc sau. Sinh rồi mới biết mệnh sinh. Chết rồi mới biết mệnh chết. Chưa sinh chưa chết thì mệnh chưa định...”. Như vậy có khác gì nói ý niệm về mệnh là do con người, là sản phẩm của xã hội, của con người. Rõ ràng tư tưởng của Nguyễn Đức Đạt là nhấn mạnh vào con người và xã hội làm ra họa phúc của mình, nhấn mạnh vào đạo đức và nỗ lực của con người là cái có thể biết được. Đây là điểm tích của Nguyễn Đức Đạt.
Về quan niệm Trị đạo, trong đó có vương đạo và bá đạo. Muốn lập vùng vương đạo hay bá đạo thì phải dùng chính trị người hiền. Người hiền tài là của quý của triều đình, của quốc gia. Khẳng định vai trò quyết định của người hiền, người tài đối với sự tồn vong của một triều đại, sách Nam Sơn tùng thoại có đoạn: “Mất kẻ sĩ thì nước mất và mất rất chóng, được kẻ sĩ thì nước thịnh và thịnh lâu dài”. Nhưng được người hiền tài về phục vụ mình, phục vụ đất nước không dễ.
(Còn nữa...)
Chí Đức

Bình luận(0)