Kho báu chấn động trong lăng mộ đế vương nhà Hán

Google News

Trong số tất cả các lăng mộ đế vương đã được khai quật ở đây, thì tòa cổ lăng này được xây dựng gần như hoàn tất nhất.

Chỉ vài tháng sau đó, giới sử gia đã khám phá chủ nhân thực sự của cổ lăng chính là Lưu Hạ (tức Xương Ấp Vương, năm 92 TCN – 59 TCN), vị hoàng đế thứ 9 của nhà Hán, là người duy nhất trong lịch sử Trung Quốc có đầy đủ tước vị của một vị Vương hầu, nhưng chỉ nắm thực quyền có đúng 27 ngày.
Cổ mộ phát lộ
Vào tháng 3/2011, ông Dương Vân, một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu phế tích văn hóa Giang Tây (JICR, gọi tắt là Giang Tây Viện), đồng thời là trưởng nhóm khai quật Lưu Hạ, nhận được một thông báo rằng ngôi mộ trên núi Đôn thuộc làng Quảng Tây, gần huyện Tân Kiến (ngày nay là quận Tân Kiến của thành phố Nam Xương, đã bị bể.
Kho bau chan dong trong lang mo de vuong nha Han
Sơ đồ cho thấy cổ lăng Lưu Hạ rộng từ 141m-186 m về hướng Bắc-Nam, và dài 233m-248m về hướng Đông-Tây. 
Ông Dương đến tận hiện trường và phát hiện một cái hố đào sâu vào bên trong trần mộ. Sau đó, Giang Tây Viện đã tiến hành một cuộc khai quật khẩn cấp tại khu phức hợp mộ táng chưa từng có bàn tay con người đụng tới. Núi Đôn (Đôn Sơn) là một phần của cổ lăng đời Tây Hán, được chứng minh là có mối liên hệ với Lưu Hạ:
Năm 63 trước Công Nguyên (TCN), vua Hán Tuyên Đế (91 TCN – 49 TCN), là vị vua thứ 10 của triều đại Tây Hán, đã truyền chiếu chỉ rằng tiên đế Lưu Hạ phải “cải lăng” (dời lăng mộ đến nơi khác) từ Xương Ấp ở huyện Sơn Dương (ngày nay là địa giới Duy Phường, tỉnh Sơn Đông) sang Hải Hồn trấn ở Chu Trang (ngày nay là Nam Xương, tỉnh Giang Tây), phong tước Vương hầu.
Lăng mộ của Lưu Hạ tiếp tục được truyền đời cho 3 thế hệ sau đó cùng an táng ở đây, tiếp tục diễn ra vào đời Đông Hán (25 TCN - 220 TCN). Vì thế có thể khẳng định rằng các lăng mộ xung quanh Đôn Sơn chỉ thuộc về một trong các thế hệ của Lưu Hạ mà thôi.
4 năm khai quật
Tháng Giêng năm 2015, Cục quản lý nhà nước về di sản văn hóa Trung Quốc (SACH) đã nâng tình trạng của cổ lăng Lưu Hạ thành “dự án khảo cổ học tầm vóc quốc gia”, đồng thời thuê các chuyên gia trong ngành để duy trì dài hạn những phát hiện mới ở Nam Xương, quyết định vấn đề khai quật mộ. Ông Dương Vân nói:
“Cổ lăng Lưu Hạ thật sự là một phức hợp các ngôi mộ hoàn hảo, và phải mất tới 4 năm để chúng tôi xác định sơ đồ bố trí ở đó”. Cổ lăng có thiết kế hình thang, chiều rộng dao động từ 141 m đến 186m theo hướng Bắc-Nam, dài từ 233m đến 248m theo hướng Đông-Tây, bao phủ tổng diện tích khu vực tới 40.000 m2.
Phức hợp mộ ngầm bao gồm một sảnh thờ tổ tiên, một ngôi đền, các chái phòng, một con ngựa và hố chôn cỗ xe ngựa, một bức tường vòng ngoài, các lối vào, các tháp canh và 7 ngôi mộ đi kèm (có thể là thê thiếp hay quan đại thần được sủng ái của Lưu Hạ) cũng như một hệ thống tinh vi các đường ngang ngõ tắt và đường thủy.
Ở mé phía Tây của tòa mộ chính, có một cái hố đào hình chữ nhật, ông Dương giải thích: “Đây là hố chôn ngựa và xe ngựa, hố dài 17,7 m theo hướng Bắc-Nam – hướng trực tiếp – và rộng 4,24 m theo hướng Đông sang Tây. Đây là hố chôn đầu tiên ở miền Nam Trung Hoa được tìm thấy có chôn theo ngựa và xe ngựa thực sự.
Hố chôn này có chứa 20 xác ngựa và 5 cỗ xe ngựa bằng gỗ được trang trí tinh xảo, mỗi xe ngựa cần 4 ngựa kéo. Theo quy chế đời Hán thì xe tứ mã là đẳng cấp cao nhất khi đi lại của vương hầu. Nội chỉ trong cái hố đào này thôi, chúng tôi cũng tìm thấy sơ sơ hơn 3.000 hiện vật.”
Cũng theo quy chế an táng đời Hán thì khi một ai đó có tầm ảnh hưởng lớn qua đời, họ sẽ được đặt trong quan tài, cái quan tài này sẽ được đem đặt bên trong một cỗ quan tài lớn hơn, rồi được đem đặt trong một phòng mộ ngầm khổng lồ.
Hình thức chế tác vỏ quan tài là một hệ thống an táng đã được sử dụng rộng rãi từ đời nhà Thương cho đến thời Tây Hán. Nếu quan tài là nơi “an giấc” ngàn thu cho một ai đó nằm lại thì khi đó phòng đặt quách sẽ là “nhà ở thế giới bên kia” của họ.
Phòng chứa quách của Lưu Hạ đã được mở vào ngày 14/11/2015. Lúc báo chí đến nơi này, những tấm vách quan tài bằng gỗ long não đã được đặt sang một bên, mỗi tấm hòm nặng tới hàng trăm ký, được vận chuyển xuống căn phòng này bằng một hệ thống ròng rọc, sau đó chở bằng băng tải ra khỏi các hầm mộ, rồi được đem đi thẩm tra theo số lượng và sau cùng được đặt trong phòng bảo quản.
Phòng quách ngoài cùng hầu như nằm ngập trong bùn. Ông Dương Vân dẫn giải: “Vào những năm của triều đại Đông Tần (317-420), một trận động đất lớn đã xảy ra ở Chu Trang (ngày nay là Nam Xương), khiến cho phòng quách bị đổ sập và nước ngầm đã rò rỉ thấm vào các sảnh của hầm mộ.
Nhưng thiên tai cũng vô tình giúp cổ lăng này thoát khỏi con mắt háu đói của đám trộm cướp bởi thời cổ đại người ta bất lực trước các kho tàng dưới nước”. Khi những tấm ván gỗ được gỡ ra, các hiện vật tùy táng nằm bên trong chiếc quách ngoài cùng trở nên rõ mồn một, trong đống đất và bùn là một món đồ sơn mài khiến ông Dương bị tò mò.
Đó là một tấm màn sơn mài dài khoảng 0,7m và rộng 0,5m, trên lưng nó là một mảnh đồng có cùng bề rộng, khám phá này đã chỉ ra rằng vào thời đó đã có một nghề thủ công xảo luyện với sự hợp nhất của gỗ sơn mài và đồng, lần đầu tiên nhìn thấy ở Trung Quốc.
Khi lau sạch những mảnh bùn bám trên bề mặt, màn hình đã lộ rõ những con chữ trích từ sách Luận Ngữ của Khổng Tử. Đây là văn bản sớm nhất của Khổng Tử còn tồn tại, kỷ lục trước đó là một bức bích họa hang động tìm thấy ở ngôi mộ đời Đông Hán ở Đông Bình (Thái An, Trung Quốc).
Dù bức họa bị xóa mờ theo thời gian nhưng nếu được phục chế lại thì những con chữ kia sẽ mãi là tài sản vô giá của vị thầy thông thái này. Hôm nay, vô số lăng mộ của 2 triều Hán (Đông Hán, Tây Hán) vẫn còn, nhưng phần đông đã bị đột nhập và con chữ bị xóa sạch, còn cấu trúc ngoài cùng của chúng cũng không rõ nét.
Theo ông Lý Dĩnh Đệ, người phụ trách bảo tàng Từ Châu (Giang Tô, Trung Quốc), quả quyết: “Trong suốt 2 triều Hán có khoảng 1.000 vương hầu, nhưng không có lăng mộ nào có thể cung cấp rõ nét một cuộc nghiên cứu các mẫu vật toàn diện như cổ lăng của Lưu Hạ”.
Còn ông Hình Liệp Xương, người đứng đầu nhóm khai quật cổ lăng Lưu Hạ, tin rằng khu phức hợp cổ lăng Lưu Hạ đã cung cấp một thông tin bách khoa quan trọng về khảo cổ học Trung Quốc, và cực kỳ giá trị đối với công tác phục hồi hệ thống cổ lăng vương hầu Tây Hán và hệ thống lăng mộ nói chung”..
Mời quý độc giả xem video Chuyện ấy của các Hoàng đế xưa (nguồn Youtube):
Theo Báo Pháp Luật

Bình luận(0)