NXB Văn học và Sbooks vừa ra mắt cuốn truyện, ký Khi đại dịch thế kỷ COVID-19 đi qua của nhà văn Sương Nguyệt Minh.
|
Sách "Khi đại dịch thế kỷ COVID-19 đi qua". |
Nhà văn Sương Nguyệt Minh cho biết, anh viết bài đầu tiên về dịch bệnh đăng trên báo Tuổi trẻ & Đời sống ngày 1/2/2020, khi Việt Nam có 5 ca nhiễm virus Corona, trong đó có 2 bệnh nhân người Trung Quốc và 3 người Việt. Tiếp đó, nhiều trường đại học cho sinh viên nghỉ 1 tuần không đến lớp, rất nhiều lễ hội, hội thảo bị hoãn hoặc hủy bỏ, rồi Bộ Y tế và Bộ Tư pháp họp và xác nhận đủ cơ sở pháp lý để công bố tình trạng khẩn cấp của dịch bệnh.
"Tôi nhận ra tình hình có vẻ căng rồi, sẽ lâu dài rồi. Tôi có gần 20 năm công tác ở một bệnh viện quân đội, cũng đã hiểu biết phần nào về bệnh truyền nhiễm. Bạn bè tôi là bác sĩ dịch tễ học, lúc đó đã lo ngại thực sự. Cộng với trực cảm nhà văn, tôi cảm nhận có lẽ phải viết lâu dài về sự kiện quá dữ dội khốc liệt này", nhà văn Sương Nguyệt Minh chia sẻ.
Gần hai năm qua, Việt Nam đã không thể đứng ngoài cơn bão giông thế kỷ mang tên COVID-19. Hậu quả do đại dịch để lại vô cùng lớn, không tính toán được. Theo Sương Nguyệt Minh, dường như virus Sars-CoV-2 đặt ra "luật chơi", và phá hủy nhiều hệ giá trị tinh thần đã ổn định của loài người, làm nhân loại thất điên bát đảo. Con người nhận thức về con người, về thế giới và hành động, ứng xử thế nào, phòng tránh thiên tai ra sao vẫn là cuộc hành trình bất tận đi tìm câu trả lời. Nhưng, những gì xảy ra trong đại dịch thì tất cả đều lộ diện y nguyên, trần trụi, khiến chúng ta giật mình phải điều chỉnh lại tư duy và cách sống.
Người Việt có câu: "Qua cơn hoạn nạn mới hiểu lòng nhau". Nói một cách văn chương là "hoàn cảnh bộc lộ tính cách". Quả thật, đại dịch COVID-19 như "hàn thử biểu" đo lòng người. Cuộc chiến chống virus Sars-CoV-2 càng khốc liệt, tang tóc, thì phẩm chất con người càng thử thách.
|
Chân dung tác giả Sương Nguyệt Minh. |
Đọc Khi đại dịch thế kỷ COVID-19 đi qua của Sương Nguyệt Minh, độc giả có thể hình dung được quá trình diễn biến của dịch. Dù đại dịch COVID-19 chưa đến hồi kết, nhưng đã có quá nhiều điều đáng kể, đáng nói, đáng ghi chép lại từ một hiện thực nóng bỏng và khốc liệt. Bên cạnh những người giả dối, cơ hội, trục lợi, chủ quan, lơ là, lo sợ, hoang mang, kỳ thị… thậm chí vô cảm với nỗi đau đồng loại, thì số đông là những người chân thực, thiện lương, tử tế, can đảm, tận tụy, tỉnh táo, giàu tình thương yêu, thầm lặng làm việc tốt trước thiên tai nghiệt ngã…
Những sự kiện, câu chuyện, nhân vật ấy đã được ghi lại bằng cái nhìn tỉnh táo, nhân văn giàu trách nhiệm người cầm bút của nhà văn, nhà báo Sương Nguyệt Minh. Ông nêu sự kiện, ông trích văn bản đặt trong ngoặc kép, ông dẫn câu chuyện rồi ông bình luận, khái quát bằng một cái nhìn khách quan, sắc sảo.
Nhà văn Sương Nguyệt Minh tên thật là Nguyễn Ngọc Sơn, quê ở Yên Mô, Ninh Bình. Ông đã giành nhiều giải thưởng văn học như Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010, giải thưởng cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ năm 2003-2004, giải thưởng cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1996, giải thưởng Văn học Nghệ thuật Bộ Quốc phòng 5 năm 1999-2004… Một số tác phẩm tiêu biểu của ông: Đêm Thánh vô cùng, Người về bến sông Châu, Lửa cháy trong rừng hoang, Mây bay cuối đường, Đi qua đồng chiều, Mười ba bến nước, Miền hoang…
Đồng thời với Khi đại dịch thế kỷ Covid-19 đi qua của nhà văn Sương Nguyệt Minh, Sbooks cũng liên kết với NXB Văn học ra mắt cuốn Covid-19 và cuộc chiến sinh tử. Đây là tập hợp ký ghi chép của các nhà văn, nhà báo, được chọn lọc trong rất nhiều bài viết trong suốt gần hai năm qua.
Đó là những bài viết kể về những chiến sĩ áo trắng, những nhà báo xông pha tuyến đầu, những người lính ở mọi miền, những nhà hảo tâm và cả những bệnh nhân khỏi bệnh cùng chung sức chống dịch…
Theo nhà văn Võ Thị Xuân Hà, những bài viết trong Covid-19 và cuộc chiến sinh tử sẽ giúp bạn đọc nhận được năng lượng dồi dào từ những tấm gương vì cộng đồng, những bài học rút ra ngay trong cuộc chiến sinh tử, những mất mát và những điều lớn lao qua thử thách cam go này.