Hang đá Mayrieres
Hang đá Mayrieres nằm ở Tây Nam nước Pháp nổi tiếng với hai bức bích họa bò rừng có niên đại tới 15.000 năm. Đây là những tác phẩm đặc biệt quý giá về cả tính lịch sử lẫn mỹ thuật. Cho tới cuối thế kỷ 20, di sản đặc biệt này vẫn trong tình trạng khá nguyên vẹn.
Tuy nhiên, vào năm 1992, một nhóm thanh thiếu niên thiện nguyện của nhà thờ Tin Lành đã quyết định tự tổ chức lao động công ích bằng cách tới tẩy rửa hình vẽ graffiti trong các hang động tại địa phương. Được trang bị chổi cọ kim loại và các chất tẩy rửa, nhóm 70 thanh thiếu niên thiếu hiểu biết đã vào hang đá Mayrieres và cọ đi hết gần như toàn bộ tác phẩm mỹ thuật tiền sử này.
Cho đến khi họ nhận ra sai lầm của mình thì tác phẩm gần như đã bị phá hủy hoàn toàn. Vụ việc đã khiến các quan chức văn hóa Pháp vô cùng phẫn nộ, còn nhóm thanh niên thì được trao một giải thưởng “phản Nobel” (Ig Nobel Prize) giành cho đóng góp của họ trong việc xóa sổ lịch sử.
Các khu vực khảo cổ sa mạc Atacama
Sa mạc Atacama là khu vực khô hạn nhất trên thế giới. Do độ ẩm cực thấp, các bức vẽ và cổ vật thời kỳ tiền Colombo đã được bảo quản một cách hoàn hảo trong nhiều thiên niên kỷ. Nhiều đụn cát còn lưu lại được dấu ấn của các luồng gió định hình nên chúng từ 18.000 năm về trước. Thế nhưng, các nhà tổ chức giải đua xe địa hình xuyên sa mạc Dakar Rally năm 2009 đã phá hủy những khu di chỉ này một cách khó hiểu nhất: biến đây thành đấu trường đua xe.
Trước đó, các cuộc đua xe địa hình xuyên sa mạc được tổ chức tại châu Phi, nhưng được chuyển về Nam Mỹ từ năm 2008 để tránh nguy cơ khủng bố. Tuy nhiên, các nhà tổ chức đã không khảo sát địa điểm kỹ lưỡng, dẫn đến việc nhiều di chỉ quan trọng đã bị tàn phá nặng nề.
Các bức vẽ cổ đại khổng lồ trên mặt đất bị bánh xe đua in vết chằng chịt. Một khu di chỉ trại dân cư săn bắt-hái lượm bị cán và vùi xuống cát, và rất nhiều khu vực khác đã bị tổn hại không thể phục hồi. Các cuộc đua xe được tổ chức sau đó thậm chí còn gây ra hậu quả tồi tệ hơn nữa. Cuộc đua Dakar Rally năm 2011 đã gây tổn hại vô phương cứu chữa với 44% các di chỉ, phá tan hoang di sản văn hóa của sa mạc Atacama.
Các di sản văn hóa lịch sử của Arab Saudi
Kể từ năm 1985 đến nay, Hoàng gia Arab Saudi đã phá hủy hơn 98% di sản Hồi giáo của vương quốc này. Dòng Hồi giáo Wahhabism hà khắc chủ đạo tại Arab Saudi cấm các tín đồ không được thờ phụng thần thánh, bởi vậy, các giáo sĩ tại đây khuyến khích việc phá hủy các tượng đài và cổ vật được xem là sẽ khiến các tín đồ xao nhãng, mất tập trung vào việc thờ phụng thánh Allah. Kết quả là nhà chức trách nước này đã phá hủy rất nhiều dấu ấn lịch sử của đạo Hồi.
Trong số các di tích đã bị phá hủy có dinh thự của Khadijah, vợ của nhà tiên tri Muhammad. Công trình này đã bị dỡ bỏ để lấy đất xây một nhà vệ sinh công cộng. Dinh thự của quốc vương Hồi giáo đầu tiên đồng thời là truyền nhân đời thứ nhất của nhà tiên tri Muhammad cũng đã bị san phẳng để lấy chỗ xây dựng một khách sạn thuộc chuỗi Hilton.
Tại thánh địa Mecca, 95% các công trình cổ đại, phần lớn trên 1.000 năm tuổi, đã bị phá hủy để phục vụ nhu cầu lưu trú, giải trí của người hành hương và khách du lịch. Có thể kể đến công trình Bảy Nhà Thờ do con gái và 4 đệ tử của nhà tiên tri Muhammad xây dựng và pháo đài Ajyad có từ thời đến quốc Ottoman. Hiện tại, thánh địa Mecca chỉ còn lại khoảng 20 công trình có niên đại từ thời Muhammad, và những công trình này cũng đang đứng trước nguy cơ bị phá hủy bất cứ lúc nào.
Thành phố cổ Nimrud - Iraq
Thành phố cổ Nimrud nằm cách thành phố Mosul hiện đại 30 km, là một trong những nạn nhân mới nhất của con người.
Nimrud được nhắc đến trong quyển đầu tiên cua Kinh Thánh, và mang ý nghĩa lịch sử văn hóa quan trọng. Thành phố từng là kinh đô của vương quốc Assyria từ năm 3500 trước Công nguyên, và được mở mang thành một đô thị lớn vào khoảng 1200 năm trước khi chúa Giê-su giáng sinh. Các hoạt động khảo cổ đã được tiến hành tại đây kể từ năm 1845, và nhiều di chỉ, cổ vật quan trọng đã được phát hiện.
Nhưng Nimrud đã biến thành tro bụi vào năm 2014, khi nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chiếm đóng Mosul. Năm 2015, tổ chức này đã dùng xe ủi, búa và thuốc nổ để phá hủy di sản văn hóa này, do mọi cổ vật và thư tịch ở đây đều được coi là báng bổ đạo Hồi. Ngày nay, Nimrud chỉ còn tồn tại qua những di chỉ đã được đưa ra nước ngoài và lưu giữ tại những bảo tàng khác nhau trên thế giới.
Tượng phật khổng lồ Bamiyan
Hai bức tượng Phật khổng lồ ở Bamiyan là những bức tượng Phật lâu đời nhất, tráng lệ nhất do bàn tay con người tạc nên. Các bức tượng được điêu khắc trong lòng một vách núi ở Bamiyan, Afghanistan trong khoảng từ thế kỷ thứ IV tới thế kỷ V sau Công nguyên. Đây là những đại diện tiêu biểu của nghệ thuật điêu khắc vương quốc Gandhara.
Hai bức tượng đã tồn tại suốt 1.500 năm, trải qua nhiều cuộc chiến tranh xung đột. Nhưng chúng đã bị lực lượng Taliban phá hủy bằng thuốc nổ trong vòng một vài tuần, bởi theo tín ngưỡng đạo Hồi, việc tạc tượng thần thánh được coi là hành vi báng bổ.
Đền Parthenon
Đền Parthenon là một trong những di sản văn hóa vĩ đại nhất của thế giới cổ đại. Công trình được xây dựng từ năm 447 trước Công nguyên là biểu tượng quan trọng nhất còn tồn tại của Hy Lạp cổ đại.
Công trình tráng lệ này ban đầu là đền thờ nữ thần Hy lạp Athena, nhưng đến cuối thế kỷ VI, nó được chuyển đổi thành một nhà thờ Thiên chúa giáo cùng với sự chuyển dịch tín ngưỡng của người dân. Tới thế kỷ XV, đế quốc Ottoman đã chiếm đóng thành phố Athens và chuyển đổi đền Parthenon thành một đền thờ Hồi giáo.
Trong Đại chiến Thổ Nhĩ Kỳ (1683 - 1699), quân đội Ottoman quyết định biến đây thành một kho tàng trữ thuốc nổ. Một phần ngôi đền bị nổ tung vào tháng Chín năm 1687, khi quân đối phương phóng hỏa kho thuốc nổ. Trong suốt một thế kỷ rưỡi sau đó, phần còn lại của đền Parthenon đã “hôi của”, tước đi nhiều cổ vật giá trị.
Các di chỉ của thành phố cổ Palmyra
Được UNESCO miêu tả là “ốc đảo giữa lòng sa mạc Syria”, thành phố cổ Palmyra được thư tịch cổ nhắc đến lần đầu tiên khoảng 4000 năm trước. Đây là một thành phố thịnh vượng đa văn hóa, là đầu mối giao thương với Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều quốc gia khác.
Một trong số những công trình quan trọng nhất của Palmyra là đền thờ thần Baal, được xây dựng năm 32 sau Công nguyên. Công trình này sau đó được chuyển đổi thành một nhà thờ Thiên chúa giáo, một đền thờ Hồi giáo và còn được sử dụng cho tới tận năm 1920. Đền thờ Baal là một trong những di tích còn nguyên vẹn nhất của Palmyra, và được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1980.
Di tích 2000 năm tuổi này cuối cùng đã bị nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng phá hủy vào tháng Tám năm 2015.
Thành phố cổ Troy
Thành phố cổ Troy là nơi diễn ra Cuộc chiến thành Trojan huyền thoại trong sử thi Hy Lạp, đặc biệt là trong trường ca Illiad, một trong hai trường ca bất hủ của đại thi hào Homer.
Năm 1870, nhà khảo cổ học người Đức Heindrich Schliemann tuyên bố đã tìm được thành phố cổ Troy tại địa điểm là thành phố Kisarlik của Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Tuy nhiên, tại Hisarlik có ít nhất 9 địa tầng văn hóa khảo cổ xếp chồng lên nhau.
Schliemann quyết tâm lục tìm cả 9 địa tầng này để kiếm cổ vật thời Troy. Đội khảo cổ của ông đã dùng thuốc nổ để phá đi từng địa tầng lịch sử, cho tới khi ông tìm thấy cái gọi là “kho báu của Hoàng đế Priam” - những cổ vật và đồ trang sức nằm sau dưới lòng đất Hisarlik, tại địa tầng mà ông cho là thành phố cổ Troy.
Tuy nhiên, các phương pháp xác định niên đại đã cho thấy những cổ vật mà Schliemann khai quât được không thuộc về thành cổ Troy. Trên thực tế, nó thuộc về một thành phố tồn tại trước Troy khoảng 1000 năm, tức là nằm ở lớp bên dưới địa tầng của thành Troy. Điều này đồng nghĩa với việc trong quá trình khai quật, Schliemann đã đánh thuốc nổ toàn bộ di chỉ thành Troy và biến nó thành cát bụi.
Hậu quả của cuộc khảo cổ thảm họa này là điều mà các nhà khảo cổ và chuyên gia cổ vật còn cảm thấy nuối tiếc cho đến ngày nay, 140 năm sau khi sự kiện diễn ra.
Thành phố cổ Babylon
Thành phố cổ Babylon, nổi tiếng với Vườn treo Babylon, đã trải qua một cuộc trùng tu kéo dài từ năm 1983 đến năm 2003, dưới thời của cựu tổng thống Saddam Hussein.
Cuộc trùng tu đã mắc phải nhiều sai lầm cơ bản, như việc xây dựng các công trình mới bằng vật liệu hiện đại trên khu vực di chỉ. Sau khi ông Saddam Hussein bị lật đổ, quân đội Mỹ và Ba Lan đã biến đây thành nơi đóng quân, đào nhiều hầm hào qua các lớp di chỉ và phá hủy trạng thái của chúng. Sau cuộc chiến, di tích thành phố cổ Babylon bị phá hủy nặng nề quá khả năng phục hồi.