Đền Cuông thờ An Dương Vương ở ven biển Diễn Châu (Nghệ An) là một di tích đẹp nổi tiếng. Nhưng tục truyền về long mạch núi Mộ Dạ tích tụ khí thiêng trời đất, là chốn "hạc thần" trú ẩn mới thật kỳ thú.
Mộ Dạ linh tích
Thục Phán An Dương Vương không chỉ nổi tiếng với vai trò là người khai sinh ra nhà nước Âu Lạc mà còn nổi tiếng với tài binh lược. Gắn liền với An Dương Vương là câu chuyện tình Mỵ Châu - Trọng Thủy đã dẫn đường cho kẻ ngoại bang chiếm mất Âu Lạc và chính An Dương Vương phải trầm mình xuống biển.
Cái chết của Thục Phán An Dương Vương cho đến nay vẫn gây nhiều tranh cãi trong giới khoa học. Đặc biệt về phần mộ của ông ở vùng đất Nghệ An. Nhiều người cho rằng, thi hài của ông được chôn ở núi Mộ Dạ, ngày nay chính là đền Cuông thuộc xã Diễn An (Diễn Châu, Nghệ An).
Sử sách xưa đều ghi lại, Mộ Dạ là một trong tám cảnh đẹp của Đông Thành, gọi tắt là "bát cảnh Đông Thành". Ngọn núi này giáp biển và có rất nhiều hang sâu ăn xuống phía dưới, cũng là nơi có rất nhiều chim công, chim hạc sinh sống. Cùng với thuyết phong thủy nên người đời coi Mộ Dạ là linh tích tuyệt diệu nhất của nước Việt.
Ông Cao Ngọc Xuân, làm thủ từ đền Cuông gần 30 năm nay cho biết: "Nhiều người cho rằng, mộ của An Dương Vương tại núi Mộ Dạ nên từ xưa đã có ngôi đền này để thờ vua. Giữa đền có một cái hang rất sâu, chúng tôi thả một quả bưởi xuống đó mà quả bưởi lại trôi ra biển. Đó gọi là hang trời, là long mạch chính của trời đất".
Ông Xuân cũng cho biết, mỗi ngày đền Cuông đón hàng trăm du khách khắp nơi đến tham quan. Ngoài hệ thống kiến trúc cổ kính, đền Cuông còn giữ được nhiều cổ vật quý giá. "Thời chiến tranh chống đế quốc Mỹ, những năm 1973 khi đó tôi làm Chủ tịch UBND xã Diễn An đã đón 2 tướng là Vương Thừa Vũ và Lê Quang Đạo về đền Cuông hoạt động, khảo sát vị trí đặt pháo bắn máy bay từ ngoài biển vào", ông Xuân cho biết.
Theo ông Xuân, đền Cuông có vị trí chiến lược hết sức quan trọng. Với đỉnh núi cao có thể bao quát xung quanh, lại sát vùng ven biển nên núi Mộ Dạ như một pháo đài kiên cố để phòng thủ trước sự tấn công của quân địch từ vùng biển vào đất liền.
|
Tam quan đền Cuông. |
Sự thật về gốc đền Cuông
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đặng Quang Liễn cho biết, đền Cuông hiện thời trên núi Mộ Dạ ở xã Diễn An không phải là gốc tích thực sự về việc thờ tự Thục Phán An Dương Vương. Đó chỉ là một đền thờ được xây dựng từ thời Tự Đức mà thôi.
"Tôi và các nhà sử học đã tìm hiểu rất kỹ về đền thờ An Dương Vương trước đây. Đó là ở làng La Vân xã Nghi Thiết (Nghi Lộc). Người ta gọi đó là "La Vân hải bản thạch thôi ngôi" tức là nơi đường cùng ra biển. An Dương Vương đã chạy ra chỗ này và không còn đường để tiến tiếp nên đã tuẫn tiết tại đó", ông Liễn cho biết.
Theo dẫn chứng của ông Liễn, đền Cuông ở núi Mộ Dạ được xây dựng có liên quan rất nhiều đến Thượng thư Bộ học Cao Xuân Dục. Vì ông Cao Xuân Dục là người Diễn Châu, lại dạy học cho các con của vua. Khi ông biết ngày tháng vua Tự Đức sẽ qua vùng Diễn Châu nên đã mách với dân chúng. Đúng ngày, nhân dân quỳ lạy hai bên đường xin vua cho xây một ngôi đền trên núi Mộ Dạ.
Vua Tự Đức thấy núi Mộ Dạ sáng láng hợp phong thủy, lại tiện đường qua lại của khách thập phương nên đồng ý. Ngôi đền Cuông có từ đó đến nay. "Cũng vì việc xây đền thờ An Dương Vương ở đây nên nhiều người nhầm tưởng mộ của vua được chôn ở núi Mộ Dạ", ông Liễn cho biết.
|
Giếng Mỵ Châu. |
"Hạc thần" về đền
Theo nghiên cứu của ông Đặng Quang Liễn, núi Mộ Dạ còn được gọi là "Đan phượng hàm thư" tức là phượng ngậm thư. Đầu con phượng chính là đền Cuông bây giờ, trước đó là khoảnh đất trống vuông vắn trông như cái án thư. Ngoài nghĩa bóng, Mộ Dạ còn là ngọn núi quy tụ rất nhiều chim chóc, đặc biệt như loài phượng, hạc.
Hiện nay, tại đền Cuông còn lưu giữ một con hạc lớn trong tủ kính. Theo như ông Cao Ngọc Xuân: "Vào đúng ngày khai mạc lễ hội đền Cuông năm 1995, một con hạc lớn màu trắng đã bay lượn xung quanh núi Mộ Dạ mà đậu trên đền Cuông. Lạ hơn nữa là chim hạc không biết sợ, mà cứ đứng giữa những tiếng hò hét của hàng nghìn người hiếu kỳ".
Lúc bấy giờ, nhiều người cho rằng đó là "hạc thần" là hóa thân của công chúa Mỵ Châu. Người ta rước hạc vào một nơi trang trọng trong đền thờ để chiêm ngắm. Nhưng đúng ngày kết thúc lễ hội, "hạc thần" lăn đùng ra chết không rõ nguyên nhân. Và nhiều người lý giải đó là sự ứng nghiệm của câu chuyện cổ tích với hạc trời.
|
Ông Xuân cho biết "hạc thần" bay về đền năm 1995. |
"Hạc thần" lúc này được coi là linh vật thiêng liêng của đền Cuông. Người dân đã định lập mộ của hạc nhưng các chuyên gia khuyên chính quyền Nghệ An nên đưa chim hạc ra Hà Nội ướp xác. Vì dù sao, rất khó để phát hiện ra một con hạc có hình dáng và trọng lượng lớn như vậy.
Vào lễ hội năm sau, cũng đúng ngày khai mạc tại bờ biển Cửa Hiền, nơi mà dân gian cho rằng chính là nơi An Dương Vương đã tuẫn tiết xuất hiện một xác cá voi nặng 10 tấn. Những ngư dân vùng biển quan niệm, xác cá voi đó chính là hiện thân của vua An Dương Vương nên một nghi lễ an táng cá voi trang trọng được tổ chức ngay sau đó tại huyện Diễn Châu.
Được biết, bờ biển Cửa Hiền nằm sát cạnh núi Mộ Dạ. Ở đó còn lại những di tích mang tính truyền thuyết về An Dương Vương. Nổi bật nhất là những khối đá bàn cờ mà người dân cho rằng, đó là nơi mà An Dương Vương và thần Kim Quy thường hay ngồi đánh cờ với nhau.
"Đền Cuông còn giữ được khá nguyên vẹn dáng vẻ cổ kính từ khi xây dựng thời vua Tự Đức. Trong đền cũng giữ được một số cổ vật như long ngai và các đồ tế khí quý giá. Riêng về "linh vật" đền Cuông là "hạc thần" chúng tôi phải bảo quản rất cẩn thận. Hằng năm đều phải đem ra Hà Nội để các chuyên gia xử lý ướp xác".
Ông Cao Ngọc Xuân (Ban Quản lý đền Cuông)
"Vị trí của núi Mộ Dạ khá quan trọng. Trong quân sự gọi đó là "Cao Sơn thần vũ", còn trong văn hóa thì gọi đó là "linh tích". Dù đó là di tích lịch sử cấp Quốc gia, nhưng tôi cho rằng gốc gác của đền Cuông vẫn là ở làng La Vân xã Nghi Thiết (Nghi Lộc) chứ không phải ở núi Mộ Dạ".
Đặng Quang Liễn (Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian)