Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Jagiellonia, Đại học Nicolaus Copernicus và Đại học Warsaw (Ba Lan) đã khai quật và phục hồi hơn 800 cổ vật giá trị sau nhiều chuyến lặn tìm kiếm dưới đáy hồ Petén Itzá.
Theo nhà khảo cổ Magdalena Krzemień (Đại học Jagiellonia), trưởng nhóm nghiên cứu, hồ nước rộng mênh mông này bao quanh một hòn đảo lớn, nơi tọa lạc thành phố Nojpetén của người Maya cổ đại.
Các cổ vật được khai quật bao gồm những mảnh gốm nhỏ, những chiếc bình tế lễ cỡ lớn chứa xương động vật và cả một lưỡi dao bằng hắc diện thạch – loại đá đen thực chất là thủy tinh núi lửa. Các bước nghiên cứu cho thấy kho báu dưới đáy hồ này chính là những vật dụng mà người Maya nhiều thế hệ đã dùng để phục vụ cho nghi lễ hiến tế.
|
Lưỡi dao hắc diện thạch. |
Đa phần các cổ vật thuộc về thời kỳ hậu cổ điển của nền văn minh Maya (khoảng năm 1000-1697 sau công nguyên); trong khi một số khác xưa hơn rất nhiều, thuộc về thời tiền cổ điển Maya (khoảng năm 150 trước công nguyên đến năm 250 sau công nguyên).
Những vật dụng mang tính nghi lễ này có thể do chính những người cử hành lễ hiến tế ném xuống. Theo bà Krzemień, nước có ý nghĩa đặc biệt và mang tính biểu tượng trong tín ngưỡng của người Maya cổ đại. Nó được cho là cánh cửa dẫn đến thế giới ngầm, thế giới của cái chết nhưng cũng là nơi các vị thần sinh sống.
|
Một số cổ vật khi còn nằm dưới đáy hồ. |
Trước đó, các nhóm khảo cổ từng tìm thấy dấu tích các cuộc hiến tế động vật và thậm chí là con người trong các hồ nước hay các hố đá vôi bị sụt lún, ngập nước. Với phát hiện lần này, các nhà khảo cổ tin rằng ít nhất một phần hồ Petén Itzá rộng lớn ngày nay đã được những người cổ đại cho là hồ thiêng.
Thành phố Nojipetén cổ xưa này là trung tâm của một nền văn minh Maya rộng lớn, vốn trải dài từ phía Đông Nam Mexico sang Guatemala, Belize, một phần của Honduras và El Salvador.