Đối với những ai thường xuyên xem phim cổ trang Trung Quốc hẳn có chút hiểu biết về các quan chức thời phong kiến ở nước này.
Nói đến người cai quản một huyện, nhiều người thường liên tưởng ngay đến "Tri huyện" và "Huyện lệnh". Hầu như ai cũng nghĩ hai chức này là một, gọi cách nào cũng được, đều chỉ người đứng đầu một huyện. Thế nhưng "Tri huyện" và "Huyện lệnh" là 2 chức quan hoàn toàn khác nhau về bản chất.
Bắt đầu từ bối cảnh lịch sử, thuật ngữ "Huyện lệnh" xuất hiện lần đầu tiên vào thời Chiến Quốc. Ngụy, Triệu, Hán và Tần đã chia huyện thành một đơn vị hành chính quan trọng. Đặc biệt là sau Biến pháp Thương Ưởng vào thời nhà Tần, nhiều khu vực nhỏ đã được hợp nhất thành các huyện. Lúc này Huyện lệnh trực tiếp làm việc với quân vương. Mãi đến cuối thời Chiến Quốc, hệ thống quận và huyện hai cấp mới được hình thành, huyện trở thành cấp dưới của quận, cứ thế tiếp tục cho đến thời nhà Tùy và nhà Đường.
Tuy nhiên, cũng có một chút khác biệt giữa "Huyện lệnh" và "Huyện trưởng". Khi một huyện có trên 1.000 hộ gia đình, thì người cai trị này được gọi là Huyện lệnh, huyện có dưới 1.000 hộ mới được gọi là Huyện trưởng. Đến thời nhà Tống, chức danh Huyện lệnh đã có một số thay đổi. Ví dụ, trong một số trường hợp đặc biệt, triều đình sẽ bổ nhiệm một số đại thần đến các địa phương đảm nhiệm người đứng đầu một huyện. Lúc này chức danh không còn được gọi là "Huyện lệnh", mà phải là "Tri huyện". Trong đó, theo ngôn ngữ Trung Quốc, chữ "Tri" hài âm với chữ "Chấp", cùng có âm đọc /Zhi/, mang ý nghĩa chủ trì, cai quản.
Vào thời điểm này, nhà Tống cũng bắt đầu áp dụng mô hình mới về Tri huyện. Quan viên được cử từ kinh thành đến các địa phương, nếu vừa là quan ở kinh thành, vừa giữ chức quan địa phương thì được gọi là Tri huyện. Nếu người này hoàn toàn không còn đảm nhiệm chức quan ở kinh thành, chỉ làm quan ở huyện thì phải gọi là Huyện lệnh.
Quan viên ở kinh thành được triều đình cử đến đều có trình độ và năng lực tương đối tốt hơn quan địa phương, và họ đương nhiên cũng có nhiều lòng tin từ Hoàng đế hơn. Vì vậy, một số Tri huyện còn có thể nắm quân sự chứ không chỉ chịu trách nhiệm cai quản địa phương.
Vì vậy, chức vụ Tri huyện có thể coi là một "công việc bán thời gian" ở thời bấy giờ, và chính Triệu Khuông Dận, vị Hoàng đế sáng lập nhà Tống, đã phát minh ra chế độ này nhằm tập trung quyền lực, tránh hiện tượng các vùng trong nước bị phân tán như tiền triều. Triệu Khuông Dận muốn hạn chế quyền lực của các quan địa phương và tăng cường tập trung hóa bằng cách trực tiếp bổ nhiệm chức quan.
Tuy nhiên, với sự phát triển tiếp theo của hệ thống này, những thay đổi khác cũng đã xảy ra. Sau khi Chu Nguyên Chương thành lập nhà Minh, ông đã khôi phục lại chế độ chức quan của nhà Tống, Tri huyện và Huyện lệnh cùng tồn tại. Tuy nhiên, tình hình thời nhà Minh rất khác so với thời nhà Tống. Sự cai trị của nhà Minh rất ổn định từ lâu, do đó không cần các quan ở kinh thành đến địa phương làm Tri huyện.
Trước thời nhà Tần, quyền lực của Huyện lệnh tương đối mạnh, thậm chí còn nắm trong tay quyền chỉ huy quân sự. Ngoài việc quản lý sản xuất nông nghiệp, gia công và xử lý trật tự an ninh, họ còn chịu trách nhiệm về các hoạt động tuyển quân và thuế cho triều đình.
Tuy nhiên, vì quan huyện là người tiếp cận gần nhất với bách tính nhân dân nên triều đình nhà Tống rất coi trọng việc bổ nhiệm các Huyện lệnh. Khi không tìm được người phù hợp, quan trong triều sẽ được phân phó đến các huyện, làm Tri huyện.
Vì vậy, từ "Huyện lệnh" cho đến "Tri huyện", chỉ khác nhau ở một chữ, cùng làm quan cấp huyện, nhưng về bản chất là khác nhau, là trí tuệ của các Hoàng đế trong việc cai trị thiên hạ của mình. Đó cũng chính là lý do, Tri huyện trong các bộ phim cổ trang thường có nhiều quyền lực và thỉnh thoảng lại phải vào kinh dâng tấu sớ báo cáo sự vụ.