Sinh, trưởng và lên ngôi giữa biến cố
Mới được 6 tuần tuổi thì hoàng tử Lê Tư Thành (tên của hoàng đế Lê Thánh Tông) phải chịu tang vì phụ hoàng bị sát hại. Vụ trọng án hoàng đế Lê Thái Tông bị sát hại kinh động đất nước Đại Việt. Ngoài nỗi đau mất chồng, Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao còn nơm nơp lo âu khi vợ chồng quan Hành khiển Nguyễn Trãi và Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ - những người từng che chở và cứu mạng cho hai mẹ con bà bị kết án tru di tam tộc vì bị quy tội giết vua. Thái tử Lê Bang Cơ trở thành hoàng đế Lê Nhân Tông khi mới lên một tuổi. Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh (mẹ vua Lê Nhân Tông) nhiếp chính càng khiến Ngô Thị Ngọc Dao e sợ. Do đó, bà đã sớm dạy hoàng tử Lê Tư Thành biết ẩn dấu đi sự thông minh của mình, chỉ vui với sách vở cổ kim, nghĩa lý thánh hiền.
17 năm sau vụ trọng án vua Lê Thái Tông bị sát hại, đất nước Đại Việt lại rung chuyển bởi vụ trọng án hoàng đế Lê Nhân Tông và thái hậu bị sát hại tại cung cấm ngày 3/10/1459. Thủ phạm là Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân (con trưởng của vua Lê Thái Tông) lên ngôi vua. Rồi hơn 6 tháng sau (tháng 5/1460), hàng loạt quan đại thần đầu triều như Đỗ Bí, Lê Ngang, Lê Thụ, Lê Ê bị xử tử khi âm mưu binh biến bại lộ. Nhưng chưa đầy một tháng sau, vào ngày 6/6, những đại lão thần khai quốc như Nguyễn Xí, Đinh Liệt đã chỉ huy các đại thần Lê Lăng, Lê Niệm, Lê Nhân Thuận, Lê Nhân Khoái, Trịnh Văn Sái, Trịnh Đạc, Nguyễn Đức Trung, Nguyễn Yên, Lê Vĩnh Trường, Lê Yên, Lê Giải… thực hiện binh biến bắt giết hàng loạt quan thân tín của hoàng đế trước rồi ép vua Lê Nghi Dân tự xử.
|
Bức phù điêu vua Lê Thánh Tông được trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng. |
Chứng kiến những sự biến kinh hoàng tại cung đình, hoàng tử Lê Tư Thành không ngờ hai hôm sau mình đã được rước lên điện Tường Quang, vào ngai vị thiên tử. Đại Việt sử ký toàn thư chép lại nguyên cớ hoàng tử Lê Tư Thành được chọn lên ngôi qua lời bàn của nhóm đại thần làm binh biến: “Ngôi trời khó khăn, thần khí rất trọng, nếu không phải là bậc đại đức, thì sao có thể kham nổi. Nay Gia Vương thiên tư sáng suốt, hùng tài đại lược, hơn hẳn mọi người, các vương không ai so được, lòng người đều theo, đã biết ý trời đã quyết”.
Kỳ vĩ những canh tân
18 tuổi lên ngôi và trị vì suốt 38 năm, hoàng đế Lê Thánh Tông đã thực hiện những cuộc canh tân kỳ vĩ. Phải xét từng khía cạnh canh tân mới thấy hết tầm vóc vĩ đại của vua Lê Thánh Tông. Trước hết là cải cách và hoàn thiện về mặt luật pháp để dẹp yên nạn bè phái từ trong cung đình sau đó đến thứ dân. Với bộ luật Hồng Đức, Đại Việt là một trong những nước sớm nhất trên thế giới hình thành một nhà nước pháp quyền sơ khởi. Ngày 26/7/2016, phát biểu trong lễ nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn lời vua Lê Thánh Tông: “Với việc ban hành Bộ luật Hồng Đức từ thế kỷ thứ 15, Vua Lê Thánh Tông đã đặt nền móng cho việc hình thành hệ thống pháp luật ở nước ta từ rất sớm. Nhà vua nói: “Pháp luật là phép tắc chung của Nhà nước, ta và các ngươi phải cùng tuân theo”… Nguyên tắc này vẫn là thông điệp đúng đắn cho chúng ta hôm nay. Chính phủ quản lý xã hội bằng pháp luật và đồng thời Chính phủ cũng phải nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật...”.
Bộ luật Hồng Đức lưu lại đến ngày nay bao gồm 6 quyển với 13 chương, 722 điều. Với những nội dung cơ bản như: Canh tân, cải tạo bộ máy tập quyền từ trung ương tới địa phương; Bảo vệ chủ quyền (điều 74 quy định: Những người bán ruộng đất ở bờ cõi cho người nước ngoài thì bị chém). Một trong trọng tội “thập ác” là tội vi phạm an ninh tổ quốc, toàn vẹn lãnh thổ. Năm 1473, Hoàng đế Lê Thánh Tông khi tuần du biên cương nói với quan trấn ải: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước núi, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di”.
Luật cũng quy định nghĩa vụ quân sự; Giữ nghiêm kỷ cương phép nước, quan lại hay thường dân vi phạm cũng bị xử theo luật; Chấn hưng nông nghiệp. Chức Hà đê chánh sứ (Cục trưởng Cục đê điều bây giờ) được đặt ra và quy định rõ các kỳ hạn đắp đê phòng lũ, làm thủy lợi; Khuyến khích phát triển thương nghiệp, cho mở mang thêm nhiều chợ, làng nghề; Quyền lợi, tài sản của dân được pháp luật bảo vệ, quan lại ức hiếp, đục khoét bị trừng trị (trong khoảng những điều từ 344 đến 379); Đặc biệt quyền lợi của trẻ em, phụ nữ được đề cao. Với xã hội triều Lê, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” của Nho giáo được đề cao, nhưng trong bộ luật Hồng Đức, người vợ có thể đơn phương được bỏ chồng nếu chồng bỏ bê đi xa quá 5 tháng. Con gái dù đã bị hứa gả, nhận đồ lễ rồi, nhưng nếu người con trai bị ác tật hay phạm tội thì được quyền từ hôn; Thuần phong mỹ tục được khuyến khích…
Về hành chính, hoàng đế Lê Thánh Tông cải cách 3 bộ có từ thời vua Lê Thái Tổ (Lại, Hộ (Dân), Lễ) thành 6 bộ: Lại (chức năng: tuyển dụng, thăng giáng quan chức); Lễ (tổ chức nghi lễ, học hành, đúc ấn tín, cử người coi đình chùa, miếu mạo); Hộ (coi việc ruộng đất, tài chính, hộ khẩu, thuế, kho tàng, lương); Binh (tổ chức quân đội, đặt quan trấn thru biên cương, ứng phó việc khẩn cấp); Hình (thi hành luật pháp, lệnh, xét các việc tù đày, kiện cáo); Công (lo việc xây dựng, sửa chữa cầu đường, cung điện, quản đốc thợ thuyền). Vua cho vẽ bản đồ đất nước một cách chi tiết, đến năm 1490 thì hoàn thành Thiên hạ bản đồ có cả các nước lân bang. Vua chia nước làm 13 thừa tuyên. Trong đó, đạo thừa tuyên Quảng Nam là được bổ sung vào sau khi chiếm được Chiêm Thành năm 1471.
Cải cách về kinh tế, xã hội được thể hiện qua những điều luật, lệnh, dụ… bên cạnh cho mở mang đồn điền, khai khẩn đất hoang, đào kênh, khơi ngòi, chợ, phát triển làng nghề, in ấn, trong nước còn cho phép người dân được buôn bán với các nước lân bang. Về giáo dục, vua định ra việc thi cử định kỳ 3 năm tổ chức một lần. Và bắt đầu đặt lệ vinh quy bái tổ tôn vinh các sĩ tử thi đỗ được đón rước về quê hương. Các khoa thi trong 38 năm vua Lê Thánh Tông trị vì đã lấy đỗ 501 Trạng nguyên, tiến sĩ. Đây là lực lượng trí thức, nguyên khí của quốc gia được bổ làm quan lãnh đạo đất nước. Cũng chính vua có sáng kiến dựng bia Tiến sĩ kể từ khoa thi 1442 (năm vua sinh). Và tấm bia đầu tiên do Thân Nhân Trung soạn đã khắc tạc vào lịch sử lời văn bất hủ: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Chính vì là người có công tôn tạo Văn Miếu, dựng bia tiến sĩ nên sau năm 2000 khi trùng tu nhà hậu đường, vua Lê Thánh Tông và hai vị vua trước là Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông đã được thờ ở tầng 2 nhà hậu đường. Thời đại Hồng Đức, Đại Việt phát triển mạnh toán học, địa lý, sử học với những tên tuổi: Phan Phu Tiên (Bản thảo thực vật toát yếu); Lương Thế Vinh (tác phẩm Đại thành toán pháp); Ngô Sĩ Liên (Đại Việt sử ký toàn thư); Nguyễn Trực (tác phẩm y học Bảo anh phương lương)…
Về thơ ca, vua trực tiếp tổ chức ra Tao đàn nhị thập bát tú (sau đó nâng từ 28 lên hơn 30 người) do mình làm nguyên súy với các sao sáng thi thần như: Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Thái Thuận, Ngô Luân, Nguyễn Xung Xác, Nguyễn Quang Bật, Lưu Hưng Hiếu, Lương thế Vinh, Đàm Thận Huy, Nguyễn Trực, Nguyễn Nhân Bị… Đặc biệt, tác phẩm Thánh Tông di thảo do chính nhà vua viết là tác phẩm đánh dấu mốc quan trọng bước trưởng thành của truyện ký nước ta, trước cả tập truyện nổi tiếng Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ gần thế kỷ. Thi phẩm đề trên vách núi Truyền Đăng ở Vịnh Hạ Long của vua sau này đã trở thành di tích lịch sử thu hút du khách. Núi được đổi tên thành Núi Bài Thơ.
Về quân đội, hoàng đế Lê Thánh Tông chỉ đạo chế tạo súng hỏa công theo phương Tây và cải tạo súng của nhà Minh, kết hợp vũ khí của Đại Việt để tạo thành những vũ khí hiện đại trang bị cho quân đội. Quân đội được sắp xếp từ 5 đạo vệ quân thành 5 phủ đô đốc. Mỗi phủ lại có vệ, sở. Bên cạnh quân chính quy còn có quân dự bị ở địa phương. Riêng quy định về quân đội, trong luật Hồng Đức có tới 43 điều. Lương thảo, nhất là lương khô đã được chế biến nhiều để phục vụ chinh chiến phương xa, như đánh Chiêm Thành…
Rất đỗi tài năng, hoàng đế Lê Thánh Tông cũng vô cùng nhân bản và dám đối chọi với chân lý, với quyền lợi của vương triều. Chính hoàng đế đã chiêu tuyết cho vụ đại án oan khuất của Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ xảy ra 22 năm trước đó khi ông cầm quyền được 4 năm.ư
Một thời đại Hồng Đức rực rỡ trong lịch sử nước ta sẽ không thể có nếu như không xuất hiện đấng minh quân Lê Thánh Tông. Nhưng có được vua sáng là nhờ những bậc tôi hiền vì đại nghĩa dựng lên, và đổi lại, vua sáng biết trọng dụng những bậc tôi hiền. Đẹp thay hình ảnh nhà vua khi “tự họa”:
Lòng vì thiên hạ những sơ âu
Thay việc trời, dám trễ đâu
Trống dời canh còn đọc sách
Chiêng xế bóng chửa thôi chầu...
Mời quý độc giả xem video Chuyện ấy của các Hoàng đế xưa (nguồn Youtube):