Xuất thân
Hòa Thân, tên đầy đủ là Nữu Hổ Lộc Hòa Thân (1750 - 22/2/1799). Ông xuất thân là một công tử Mãn Châu, 10 tuổi bắt đầu vào cung theo học. Khi mới gia nhập triều đình, ông giữ chức thị vệ. Năm 18 tuổi, Hòa Thân được Phùng Anh Liêm, Tổng đốc Trực Lệ yêu mến và gả cháu gái cho. Từ đó ông như “cá chép hóa rồng”, dần dần bước lên đỉnh cao sự nghiệp, bất chấp việc thi cử không đỗ đạt.
Sự nghiệp thăng hoa
Sự nghiệp với tư cách là tham quan khét tiếng nhất trong 5.000 năm lịch sử Trung Quốc bắt đầu khi Hòa Thân bước sang tuổi 25. Một Hòa Thân với tướng mạo khôi ngô, tài ăn nói dí dỏm, đã lọt vào mắt Hoàng đế Càn Long.
|
Dung mạo thời trẻ của Hòa Thân. Ảnh: Baidu |
Chỉ khoảng một thời gian sau, nhờ học thức uyên thâm, am hiểu thơ văn, quản lý tài chính, cùng tài ngoại giao tài ba, Hòa Thân được Càn Long tin tưởng, trọng dụng, kiêm tới 9 chức quan lớn trong triều: đại thần phủ nội vụ, đại thần ngự tiền, đại thần nghị chính, đại thần tương lam kì lĩnh thị vệ nội, đại thần chính bạch kì lĩnh thị vệ nội, đại thần quan cơ, đại thần lĩnh ban quân cơ, đại học sĩ Văn Hoa điện, đại sĩ Thủ phụ.
Bên cạnh đó, Hòa Thân còn được vua ban cho đặc quyền cưỡi ngựa bên trong Tử Cấm Thành, vinh dự thường dành riêng cho những quan chức cao cấp tuổi cao, không đủ sức khỏe để đi bộ tới điện triều.
Năm 1790, mối quan hệ của Hòa Thân và Càn Long thêm phần khăng khít khi con trai của ông nên duyên cùng Thập Cách cách.
Quá trình thoái hóa và tham ô
Nhiều sử sách nhắc đến việc, khi bắt đầu sự nghiệp làm quan, Hòa Thân đề cao sự thanh bạch, liêm minh. Thậm chí, ông còn đích thân vạch trần nhiều tham quan. Tuy nhiên, khi địa vị ngày được củng cố, bên cạnh đó là sự yêu chiều của vua, ông không còn kiểm soát được bản thân.
|
Dù phạm nhiều tội lỗi, nhưng Hòa Thân luôn được Càn Long bao bọc. Ảnh: Baidu |
Hòa Thân không ngại công khai việc bản thân nhận hối lộ, tống tiền các viên quan nhỏ. Không chỉ vậy, ôngcùng các tay sai còn ra sức vơ vét của cải, dù cho đó là tiền cứu đói, hay quốc khố quân sự, dù thời kỳ ấy, nhà Thanh liên tục bị các thế lực nổi loạn tấn công.
Kiểm kê tài sản tại phủ của Hòa Thân, ai nấy cũng phải kinh ngạc trước tổng số tiền ông từng tham ô, lên tới 11 tỷ lạng bạc, tương đương với tổng thu nhập tài chính trong 15 năm của triều Thanh. Ngoài ra, trong nhà Lưu Quân, tổng quản phủ Hòa Thân, một số lượng lớn châu báu nữa bao gồm 240.000 lạng bạc cũng bị tịch thu.
Những năm tháng cuối đời cùng lời nguyền diệt vong
Sau hàng loạt những lần tham nhũng, Càn Long vẫn một lòng bảo vệ Hòa Thân. Thậm chí, ngay cả khi tay sai của Hòa Thân bị kết tội tham ô và bị xử tội chết, ông vẫn “hiên ngang” nắm quyền lực. Dân gian truyền miệng nhau, miễn là Càn Long còn ngồi trên ngai vàng, Hòa Thân chắc chắn sẽ được an toàn.
Tuy nhiên, không ai có thể sống mãi với nhiều tội danh như vậy. Ngày 7/2/1799, Càn Long băng hà, Gia Khánh lên ngôi. Chỉ một tuần sau đó, ông ra lệnh bắt giữ và điều tra Hòa Thân. Ngày 19/2, Hoàng đế kết án Hòa Thân với 20 tội danh và xét xử bằng hình thức lăng trì (xẻo hàng ngàn miếng thịt trên người).
Tuy nhiên nhờ sự can thiệp kịp thời của em gái Hoàng đế, cũng là con dâu Hòa Thân, ông may mắn thoát án tử hình ghê rợn, thay vào đó bị ép treo cổ tự vẫn.
Ngày 22/2, Hòa Thân tay cầm dải lụa trắng 3m, cười lạnh lùng, buông những dòng thơ nguyền rủa toàn bộ vương triều nhà Thanh:
“Ngũ thập niên lai mộng huyễn chân
Kim triều tản thủ tạ hồng trần
Tha niên thủy phiếm hàm long nhật
Nhận thủ hương yên thị hậu thân.
Tạm dịch:
Năm mươi năm hư hư thực thực
Kiếp này buông tay tạ hồng trần
Năm sau nước dâng con lũ lớn
Nhận rõ hương hỏa kẻ hậu nhân“.
Thật bất ngờ, năm đầu tiên sau khi Hòa Thân bị ban cho cái chết, đê sông Hoàng Hà tại Hà Nam bị vỡ. Câu cuối “bài thơ nguyền” năm nào cũng đề cập tới việc khi nước lũ dâng lên lần hai, ông sẽ đầu thai, chuyển kiếp. Quả nhiên, vào tháng 10 năm ấy, một bé gái cất tiếng khóc chào đời khi sông Hoàng Hà thêm lần nữa vỡ đê. Người đó không ai khác chính là Từ Hy Thái Hậu sau này.
|
Đến cuối đời, Hòa Thân cũng “không quên” nguyền rủa nhà Thanh. Ảnh: Baidu |
Có người nhận định Hòa Thân chính là kiếp trước của Từ Hy Thái Hậu. Vì lòng thù hận từ kiếp trước, bà khiến Vương triều Mãn Thanh ngày một lụi tàn và cuối cùng bị diệt vong.
Nguyên do Hòa Thân được Càn Long bao bọc
Có nhiều nhận định về nguyên nhân khiến vua Càn Long hết mực yêu chiều Hòa Thân, bỏ qua mọi lỗi lầm của ông. Lý do được nhắc tới nhiều nhất đó là Càn Long coi Hòa Thân như “sự chuyển kiếp” của một phi tần mà ông từng “thầm thương trộm nhớ”, có khuôn mặt khá giống Hòa Thân, tuy nhiên lại không may bị ông gián tiếp hại chết. Do vậy, ngay từ lần đầu tiên bắt gặp Hòa Thân, ông một lòng muốn bù đắp, chuộc lại lỗi lầm năm xưa.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, Hòa Thân là một người biết nắm bắt mọi cơ hội, ông làm việc rất chăm chỉ, thức khuya, dậy sớm, tới mức bị bệnh thấp khớp mãn tính và thoát vị đĩa đệm. Mặc dù vậy, ông vẫn thường ở lại bàn việc triều chính tới tận khuya và đặc biệt không bao giờ từ chối bất kỳ một cuộc hẹn nào.
Bất kể vì lý do gì, trong suốt hơn hai thập kỷ, Hòa Thân trở thành cánh tay phải đắc lực và là người thân cận nhất bên cạnh Hoàng đế Càn Long.