Tô Hoài là cây bút lớn của văn chương hiện đại Việt Nam. Sáng tác của ông đa dạng, ở nhiều thể loại và đề tài khác nhau, viết về vùng Tây Bắc hay mảnh đất Hà Nội mà ông gắn bó.
Trong gia tài gần 200 cuốn sách, Tô Hoài có nhiều tác phẩm viết về Hà Nội, lấy bối cảnh Hà Nội như Người ven thành; Những ngõ phố, người đường phố; Quê nhà; Chuyện cũ Hà Nội; Người ven thành…
|
Ba cuốn sách về một vùng đất ở Hà Nội của Tô Hoài. Ảnh: Giáng Ngọc. |
Vùng ven đô gắn bó của Tô Hoài
Bộ ba tiểu thuyết Quê nhà, Quê người, Mười năm mà Nhà xuất bản Kim Đồng mới tái bản là những tác phẩm đặc sắc của Tô Hoài.
Ba tác phẩm tuy được viết trong khoảng thời gian khác nhau, về nhân vật khác nhau, nhưng được xếp vào một bộ vì có sự tiếp nối hệ thống về dòng chảy lịch sử của vùng quê nơi Tô Hoài gắn bó.
Quê nhà là bức tranh tái hiện lại cuộc chiến đấu anh dũng của những người dân ở một vùng quê. Những người dân ấy vốn chỉ quen với việc cấy cày, đã dũng cảm đứng lên giương cờ nghĩa trong những năm đầu khi thực dân Pháp xâm lược.
Quê người là cảnh quê hương bị chiếm đóng. Những người con của vùng quê ấy phải sống trong cảnh khốn đốn khi cái nghèo đói bủa vây. Có những người tha hương, người ở lại thì bơ vơ trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn.
Mười năm kể về cuộc sống ở một làng thợ dệt từ thời Mặt trận Bình dân (1936) đến sau ngày tổng khởi nghĩa 8/1945. Tác phẩm tái hiện không khí làng quê ngoại thành Hà Nội khiến nhiều người liên tưởng tới vùng Nghĩa Đô - Nghĩa Tân, quê hương của nhà văn.
Ở đó, những thanh niên làm nghề dệt tham gia các tổ chức của thợ thuyền, hợp tác với những tờ báo tiến bộ ở Hà Nội để phổ biến tình hình và tuyên truyền cách mạng, đấu tranh với chính quyền thực dân. Mười năm mà tác phẩm khắc họa chính là khoảng thời gian chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, tiến tới Cách mạng Tháng Tám.
|
Hai tiểu thuyết của nhà văn Hà Ân. Ảnh: Sách văn học Kim Đồng. |
Không khí hào hùng trong trang viết của Hà Ân
Nếu như nhà văn Tô Hoài tái hiện giai đoạn lịch sử một vùng đất mà ông gắn bó, nhà văn Hà Ân lại đi ngược dòng chảy lịch sử, viết về mảnh đất Thăng Long nghìn năm văn hiến.
Hà Ân nổi tiếng với các tiểu thuyết lịch sử, truyện kể lịch sử, dã sử. Ông từng đoạt giải C Giải văn học thành phố Hà Nội cho tiểu thuyết lịch sử Ngàn năm Thăng Long.
Hai tác phẩm của Hà Ân mà Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành lần này là Người Thăng Long và Khúc khải hoàn dang dở. Theo nhà sưu tầm sách Từ Xuân Minh, đây là hai cuốn trong bộ Đàn Kiếm Đông A - sự nối tiếp của bộ ba Chương Dương (Bên bờ Thiên Mạc, Trên sông truyền hịch, Trăng nước Chương Dương).
Người Thăng Long (ra mắt năm 1980) là bản trường ca hào hùng về các vị vương, tướng nhà Trần trong cuộc chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai. Nhân vật chính của tác phẩm, Trần Nhật Duật, được khắc họa như một người Thăng Long thanh lịch, tài hoa, mưu lược chiến thắng giặc ngoại xâm.
Mảnh đất Thăng Long một thuở được tái hiện trong sách với những buổi hội thề, lễ cướp dâu, hội nghị Bình Than, ý chí chiến đấu của hội nghị Diên Hồng…
Hơn 20 năm sau khi hoàn thành Người Thăng Long, phần hai của bộ truyện - Khúc Khải hoàn dang dở mới chính thức ra đời. Nhà sưu tầm sách Từ Xuân Minh cho biết khi viết Khúc khải hoàn dang dở, nhà văn Hà Ân định lấy nhân vật trung tâm là Trần Quốc Tảng, con trai thứ ba của Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn. Trần Quốc Tảng là vương gia trẻ, văn võ song toàn.
Tuy nhiên, khi gần hoàn thành phần này, một sự cố đã khiến Hà Ân đốt toàn bộ bản thảo, không định viết tiếp nữa, cho đến khi nhà văn chuyển hướng sáng tác về Đỗ Vĩ, một nhân vật từng xuất hiện trong Người Thăng Long.
Đỗ Vĩ là nhà tình báo tài giỏi của nhà Trần, nghệ sĩ đa tài biết chơi đàn, làm thơ, vẽ tranh. Khúc khải hoàn dang dở ra đời, như bản hùng ca ghi dấu người tình báo chiến lược cùng những tướng sĩ đã đi vào trang sử hào hùng.
Nhà sưu tầm sách Từ Xuân Minh đánh giá qua bộ tiểu thuyết, Hà Ân đã xây dựng được một thế giới dã sử riêng, độc đáo, hấp dẫn. Nội dung tiểu thuyết phong phú, tái dựng lại những cảnh sinh hoạt thường ngày đến những cảnh ăn chơi chốn cung đình, từ những trận chiến du kích cho đến những trận đại chiến.