Đến cuối mùa đông năm Kiến An thứ mười ba (208), trận chiến giữa Tào Tháo và liên quân Tôn-Lưu đã không còn có thể trì hoãn được nữa. Ngược lại, Tào Tháo đã phải khởi động chiến dịch đi xuống phía đông sớm hơn dự định.
Khi Tào Tháo dẫn thủy quân rời Giang Lăng thì mùa xuân vẫn chưa tới, lúc này còn đang là trọng đông rét mướt.
Cuộc đại chiến Xích Bích đã diễn ra trong bối cảnh như thế. Nhưng trận đánh này đã diễn ra ở đâu?
|
Xích Bích đồ của họa sĩ Vũ Nguyên Trực thời nhà Kim (1115-1234). Niên đại khoảng 1190-1196. |
Ba Xích Bích?
Đại chiến Xích Bích tất nhiên là diễn ra ở Xích Bích. Có điều Trần Thọ không hề cho biết Xích Bích ấy là thuộc địa phận xứ nào, mà một dải ven sông Trường Giang có không ít địa danh Xích Bích. Không chỉ dân gian nhầm lẫn tranh cãi, mà ngay tới danh gia học giả cũng chưa chắc đã chỉ đúng chỗ nào là Xích Bích.
Ngay từ thời Tống đã có ba nơi được xác định là địa điểm diễn ra trận Xích Bích. Tô Đông Pha trong phần giới thiệu về bài Xích Bích phú đã nói rằng trong khoảng hai sông Giang-Hán đã có ba vị trí Xích Bích được chỉ định: một là, Xích Bích ở Hạ Châu, phía đông Cánh Lăng, bên cạnh sông Hán; hai là Xích Bích ở Hoàng Châu, chỗ quận Tề An; ba là Xích Bích ở cách phía tây nam quận Giang Hạ hai trăm dặm, thuộc huyện Hán Dương. Xích Bích mà Tô Đông Pha đến chơi và làm hai bài phú Tiền, Hậu Xích Bích chính là nằm ở Hoàng Châu.
Đây là nơi mà theo Tô Đông Pha thì “phía tây trông sang Hạ Khẩu, phía đông nhìn sang Vũ Xương sông núi uốn khúc vây nhau, cây cối xanh tươi um tùm; đó chẳng phải là nơi Tào Mạnh Đức bị khốn với Chu Lang ư?”. Xích Bích mà Tô Đông Pha nói đây chính là núi Xích Tỵ ở chỗ Phàn Khẩu.
Tuy nhiên, địa điểm Xích Bích Hạ Châu cũng là một địa danh quan trọng vào thời ấy. Theo Tam quốc chí bình thoại thì trận chiến Xích Bích chính là diễn ra tại Hạ Khẩu nằm ở phía tây Xích Bích Hoàng Châu. Cuốn sách được lưu hành phổ biến thời Tống-Nguyên này cho biết sau khi thua trận ở Đương Dương Trường Bản, Lưu Bị đã được Lỗ Túc đưa về trú tại Hạ Khẩu.
Tào Tháo đã đem một trăm vạn quân, xưng là một trăm ba mươi vạn tới bao vây Hạ Khẩu. Gia Cát Lượng phải qua sông cầu cứu Tôn Quyền.Tôn Quyền liền bái Chu Du làm Nguyên soái, dẫn ba mươi vạn quân tới Hạ Khẩu phá Tào Tháo, giải vây cho Lưu Bị.
Năm Xích Bích?
Đến khoảng thời kỳ Minh, Thanh, số lượng địa danh Xích Bích đã tăng lên thành 5 chỗ là Hán Dương, Hán Xuyên, Hoàng Châu, Gia Ngư, Giang Hạ. Đó là chưa nói đến Xích Bích Hạ Khẩu đã bị bỏ qua, vì không có núi non nào đáp ứng tiêu chí Xích Bích ở gần vùng đó. Năm Xích Bích này có thể thấy vẽ rõ trong Đại Thanh quảng dư đồ của Nagakubo Sekisui (1717-1801) vẽ năm 1785.
Trong đó từ phải sang trái bản đồ là năm Xích Bích: 1- Núi Xích Bích ở Vũ Xương ghi: “Xích Bích có 5 chỗ, duy Giang Hạ là hợp với sử”; 2- Núi Xích Bích ở Hoàng Châu ghi: “núi Xích Bích, một tên nữa là Xích Tỵ, có ghềnh Xích Bích. Tô Đông Pha làm hai bài phú”; 3- Núi Xích Bích ở Hán Xuyên, theo Thủy kinh chú sớ thì ở đó có chợ quê Xích Bích; 4- Núi Xích Bích ở Hán Dương, theo Kinh Châu ký thì ngọn phía nam của dãy núi Lâm Chương còn có tên là Ô Lâm; 5- Núi Xích Bích ở huyện Bồ Kì ghi: “Chu Du phá Tào Công ở chỗ này”, “trên núi có đài tế gió”.
|
Năm Xích Bích trong Đại Thanh quảng dư đồ. |
Cuộc tranh cãi về năm Xích Bích này có lẽ đã rất nhộn nhịp vào thời La Quán Trung. Trong Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung đã đưa ra biện pháp khiến mọi người đều vui vẻ, đó là gộp hết các Xích Bích đó vào trong một trận đánh. Chiến trường Xích Bích trong Tam quốc diễn nghĩa vì vậy đã trải rộng từ Hoàng Châu cho tới Ô Lâm.
Dưới sự điều động của Chu Du, Thái Sử Từ cùng Tôn Quyền, Lục Tốn tiến đánh Xích Bích Hoàng Châu; Đổng Tập, Phan Chương cùng nhau đi đánh Xích Bích Hán Dương và Hán Xuyên; Chu Du, Trình Phổ đi đánh Xích Bích Bồ Kì. Ngoài ra còn có các cánh quân tiến đánh Ô Lâm, Di Lăng. Trận chiến Xích Bích mà ta quen thuộc nhờ tiểu thuyết của Hồ Hải tản nhân do đó có qui mô lớn gấp nhiều lần trận chiến Xích Bích ở trong lịch sử.
Mặc dù là một trong tám đại gia thời Đường-Tống, nhưng quan niệm của Tô Đông Pha về trận chiến Xích Bích là không có giá trị. Phàn Khẩu chính là một trong hai căn cứ mà Lưu Bị lui về sau trận Đương Dương-Trường Bản, và cũng là chỗ mà từ đó liên quân Tôn-Lưu kéo tới và giao chiến với Tào Tháo ở Xích Bích. Theo ghi chép của Tam quốc chí, vì thất bại trong trận chiến Xích Bích, thủy quân Tào Tháo đã rút về bờ bắc.
Có thể kết luận trận chiến Xích Bích diễn ra ở phía nam sông Trường Giang, do vậy Xích Bích phải ở phía nam. Xích Bích phía nam Trường Giang chỉ có Xích Bích Vũ Xương và Xích Bích Bồ Kì. Xích Bích Vũ Xương thì lại ở dưới Phàn Khẩu – căn cứ bàn đạp thứ nhất của liên quân Tôn-Lưu, vì vậy mà bị loại. Chỉ còn lại Xích Bích Bồ Kì (hay còn gọi là Xích Bích Gia Ngư), đó là chỗ mà nhiều người cho là hợp với sử.
Nguyên Hòa chí nói: “núi Xích Bích ở phía tây huyện Bồ Kỳ 120 dặm, phía bắc trông ra Đại Giang, bờ bắc của nó là Ô Lâm”. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Ô Lâm và Xích Bích cũng phức tạp hệt như chuyện đâu là Xích Bích.
Lại đến Ô Lâm
Tam quốc chí của Trần Thọ là tác phẩm đầu tiên tường thuật trận chiến Xích Bích.Điều đáng nói là, cách chỉ định địa điểm đại chiến cũng không thống nhất. Vũ Đế kỷ nói: “Công đến Xích Bích, cùng Bị giao chiến, gặp bất lợi”. Tiên chủ truyện nói: “Liên quân cùng với Tào Công đánh nhau ở Xích Bích, đại phá quân ấy, đốt hết thuyền chiến”. Tôn Quyền truyện viết: “Du, Phổ làm Tả, Hữu đô đốc, đều lĩnh vạn quân, cùng đi với Bị, gặp quân Tào Công ở Xích Bích, đại phá quân của Tào Công.
Tào Công đốt thuyền còn lại rồi rút lui”. Hoàng Cái truyện cho biết: “Cái theo Chu Du chống Tào Công ở Xích Bích, hiến kế hỏa công”. Chu Du truyện cũng nói: “cùng Bị hợp sức chống Tào Công, gặp ở Xích Bích”. Có điều, cũng có người nói khác, như trong Chu Du truyện cũng có nói: năm Xích Ô thứ 2, Gia Cát Cẩn, Bộ Chất dâng sớ khen Chu Du “bẻ gãy Tào Tháo ở Ô Lâm, đuổi chạy Tào Nhân ở Dĩnh Đô”.
Trình Phổ truyện viết: “cùng Chu Du làm Tả, Hữu đô đốc, phá Tào Công ở Ô Lâm, lại tiến công Nam Quận”. Lữ Mông truyện viết: “lại cùng với bọn Chu Du, Trình Phổ đi về phía tây phá Tào Công ở Ô Lâm, vây Tào Nhân ở Nam Quận”. Cam Ninh truyện nói: “sau Ninh theo Chu Du chống cự đánh bại Tào Công ở Ô Lâm”.
Lỗ Túc truyện dẫn Ngô thư cũng cho biết, lúc Lỗ Túc và Quan Vũ đơn đao phó hội, Quan Vũ đã nói: “Ở trận Ô Lâm, thân Tả tướng quân ở trong trận, ngủ chẳng cởi giáp, gắng sức phá quân Ngụy”. Cùng một trận đại chiến mà có người bảo đánh ở Xích Bích, có người nói đánh ở Ô Lâm.Điều đó khiến chúng ta nảy sinh ý kiến rằng Xích Bích – Ô Lâm chẳng qua chỉ là một, hoặc giả là ở rất gần nhau.Nguyên Hòa chí tả Xích Bích ở bờ nam, Ô Lâm ở bờ bắc, là hợp với ý đó.Trần Thọ không chú thích Xích Bích, Ô Lâm nằm ở chỗ nào.
La Quán Trung thì tả Ô Lâm chừng như ở phía sau Xích Bích, vì Tào Tháo bị đốt ở phía đông Xích Bích thì chạy qua Ô Lâm, lương thảo quân Tào cũng ở đó. Ngài Trần Văn Đức trong Khổng Minh Gia Cát Lượng đại truyện nói Xích Bích – Ô Lâm cách nhau 20 dặm (10 km), có lẽ cũng đồng ý với ý kiến này.
Tài liệu địa chí mô tả địa điểm Xích Bích – Ô Lâm sớm nhất phải kể đến các tài liệu thời Nam Bắc triều, trong đó đáng chú ý nhất là Kinh Châu ký của Thịnh Hoằng Chi người đời Lưu Tống và Thủy kinh chú của Lịch Đạo Nguyên thời Bắc Ngụy. Kinh Châu ký viết: “ven sông huyện Bồ Kỳ 100 dặm, bờ nam gọi là Xích Bích.
Chu Du, Hoàng Cái đáp thuyền từ nơi đây đi công phá quân của Ngụy Vũ ở Ô Lâm. Ô Lâm, Xích Bích đông tây cách nhau 160 dặm”. Thủy kinh chú viết: “sông Giang lại chảy về phía đông, đi qua phía nam Ô Lâm hạ. Hoàng Cái nước Ngô đánh bại Ngụy Vũ Đế ở Ô Lâm, tức là chỗ này”.
Đoạn sau đó lại nói: “sông Giang chảy về bên trái, đi qua phía nam núi Bách Nhân Sơn, bên phải đi qua phía bắc núi Xích Bích, xưa Chu Du và Hoàng Cái lừa đại quân của Ngụy Vũ Đế ở đây”. Mô tả Ô Lâm riêng, Xích Bích riêng. Hai chỗ này đông tây cách nhau 160 dặm (80 km). Kỳ thực mối quan hệ giữa Ô Lâm – Xích Bích rất quan trọng đối với việc tìm hiểu diễn biến thực sự của đại chiến Xích Bích. Rốt cuộc trận chiến này đã diễn ra như thế nào?