Năm 2014, Hội An chính thức đặt tên công nữ Ngọc Hoa cho con đường ngắn đi từ quảng trường sông Hoài, dọc theo bờ sông phía Bắc tới chùa Cầu. Dù là con đường nhỏ nhưng tên của một vị công nữ rất lạ như vậy khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên, tự hỏi Ngọc Hoa là ai mà lại được đặt tên đường.
Một câu chuyện tình đẹp
Thật ra Ngọc Hoa không có công trạng đặc biệt gì và rất ít người biết đến. Bà được đề nghị đặt tên đường để thể hiện cho tình hữu nghị bang giao Việt- Nhật, vì đây là một mối lương duyên đặc biệt.
Đầu thế kỷ 17, trong số thương nhân nước ngoài đến buôn bán ở Hội An có một thương gia người Nhật tên Araki Sotaro. Ông vốn là một samurai (võ sĩ đạo) rồi sau chuyển qua nghề buôn. Lúc này Nhật Bản bắt đầu mở cửa cho phép thương buôn ra nước ngoài, ông dẫn đầu các thương gia Nhật đến Việt Nam buôn bán. Ông được chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên tin cậy, cho đặt họ theo chúa, tên tiếng Việt là Nguyễn Thái Lang. Rồi tại Huế, năm 1619, ông gặp công nữ Ngọc Hoa, một người con gái đẹp, là con gái của chúa Sãi. Tình cảm hai bên mặn nồng, Araki được chúa Sãi gả con gái cho. Năm 1620, ông đưa vợ về Nhật. Tại quê nhà Nagasaki, bà được mọi người chào đón vì vẻ xinh đẹp kiều diễm, tính tình hiền hòa dễ thương. Tên của bà được đặt theo tiếng Nhật là Wukaku (Vương Gia Cửu) nhưng do bà thường gọi chồng bằng tiếng Việt “anh ơi, anh ơi” nên người Nhật đã gọi bà bằng tên thân mật là Anio-san, từ “Anio” phát âm giống như câu nói cửa miệng của bà khi gọi chồng. Sau này các cô gái xinh đẹp, dễ thương cũng đều được gọi là Anio-san.
Khi về nước, ông Araki đã gây dựng nên một trung tâm thương mại tại Motoshikhui - Machi ở Nagasaki. Công nữ Ngọc Hoa cũng tham gia giúp chồng quản lý công việc. 15 năm sau, ông Araki mất, Ngọc Hoa vẫn tiếp tục làm công việc sổ sách kế toán ở cơ sở kinh doanh của chồng. Bà cũng đã làm hết sức để hỗ trợ cho các thương nhân tại vùng Nagasaki, chủ yếu ở việc thúc đẩy mối quan hệ buôn bán với triều đình nhà Nguyễn. Vai trò của công nữ Ngọc Hoa quan trọng đến mức sau thời điểm 1645, khi bà mất, việc giao thương buôn bán giữa hai quốc gia đã bị gián đoạn suốt một thời gian rất dài mới được nối lại.
Không hiểu ngẫu nhiên làm sao, ngày công nữ Ngọc Hoa, tức quý bà Wukaku hay Anio-san, cũng là Phật tử Diệu Tâm qua đời, cũng cùng ngày và cùng tháng với chồng. Phải chăng họ quyến luyến với nhau đến nỗi cũng chọn cả ngày tháng giống nhau để mất, để ngày giỗ cũng là giỗ chung?
|
Ngọc Hoa cùng chồng được tái hiện trong lễ hội Kunchi. Ảnh: INTERNET |
Ngọc Hoa có phải là con chúa Sãi?
Những thông tin về việc công nữ Ngọc Hoa là con gái của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên gây bất ngờ cho nhiều nhà nghiên cứu, nhà sử học bởi không có tài liệu nào ghi lại điều này. Ngay cả bộ sách Nguyễn Phúc tộc thế phả (NXB Thuận Hóa, 1995) do hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc biên soạn và cho ấn hành cũng không có thông tin gì. Trong gia phả của dòng họ Nguyễn Phúc, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên có 11 người con trai và bốn người con gái. Cả bốn người con gái đều ghi lại cụ thể từng người như sau:
- Công nữ Ngọc Liên (con gái Hiếu Văn hoàng hậu Mạc Thị Giai), được gả cho phó tướng Nguyễn Phúc Vinh.
- Công nữ Ngọc Vạn (con gái Hiếu Văn hoàng hậu) được gả cho vua Chân Lạp Chay Cheta II.
- Công nữ Ngọc Khoa (con gái Hiếu Văn hoàng hậu) được gả cho vua Chiêm Thành Po Ro Me.
- Công nữ cùng tên Ngọc Liên (không rõ mẹ là ai) được gả cho Nghĩa Quận công Nguyễn Cửu Kiều.
Ngoài bốn người con gái, gia phả không hề ghi nhận chúa Sãi có thêm người con gái nào nữa.
Vậy công nữ Ngọc Hoa là ai, có phải con chúa Sãi hay không? Có thông tin cho rằng đây là sự nhầm lẫn về tên họ, công nữ Ngọc Hoa chính là công nữ Ngọc Khoa. Nhưng Ngọc Khoa đã được gả cho vua Chiêm Po Ro Me vào năm 1631, trong khi Ngọc Hoa đã được gả cho thương gia Araki vào năm 1620, tức là cùng thời gian gả Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp. Từ đây suy ra Ngọc Hoa phải lớn hơn Ngọc Khoa ít nhất cả chục tuổi và xấp xỉ tuổi với Ngọc Vạn.
Vậy vì sao một người con gái của chúa Sãi sinh cùng thời với những công nữ khác lại không hề được nhắc đến trong sử sách cũng như gia phả dòng họ Nguyễn Phúc? Phải chăng ông Araki đã bịa với người Nhật rằng vợ của ông là con vua để đề cao vợ cũng như bản thân? Bí ẩn từ từ được hé mở khi người ta tìm thấy những thông tin khác, ví dụ như ở tập san Đô thành hiếu cổ của người Pháp xuất bản vào năm 1920 có nhắc đến những người Nhật đầu tiên ở Đông Dương, trong đó có đoạn: “Trong số chủ tàu buôn Nhật Bản giao thương với Đông Dương vào thế kỷ 17, đặc biệt ghi nhận hai người trong số họ đã buôn bán với An Nam là Araki Sotaro và Shichirôbei Eikechi.
Vào năm 1620, Araki kết hôn với một tiểu thư thuộc hoàng gia…”.
Nếu theo tài liệu này, công nữ Ngọc Hoa là một tiểu thư con của hoàng thân quốc thích nào đó chứ không phải con chúa.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nguồn thông tin khác tại chính nước Nhật. Ngay trước cổng nghĩa trang TP Nagasaki, chính quyền Nhật đã dựng một tấm bảng lớn ghi tiểu sử ông Araki Sotaro và vợ, trong đó có đoạn ghi: “Vương Gia Cửu, một người con gái bà con bên ngoại của quốc vương An Nam”. Còn trong tài liệu của Hội hữu nghị Nagasaki-Việt Nam, dựa trên nghiên cứu của GS Iwao Seiichi ghi nhận: “Năm 1619 tại nơi mà hiện nay gọi là Huế, ông (Araki) gặp gỡ với một người con gái đẹp thuộc dòng bên ngoại được vua An Nam nhận làm con nuôi và kết hôn với cô ta… Ông là người Nhật đầu tiên kết hôn với người nước ngoài và trở về Nhật với một công nữ con vua, cho dù chỉ là con nuôi...”.
Như vậy mọi sự đã sáng tỏ, công nữ Ngọc Hoa là bà con bên ngoại của chúa Sãi là dòng họ Mạc, tức bản thân trước đó cũng thuộc dòng dõi của vua chúa. Bà đã được chúa Sãi yêu quý nhận làm con nuôi rồi sau đó gả cho Araki. Người Nhật buôn bán tại Hội An nên họ xem chúa Sãi là vua An Nam.
MỜI QUÝ ĐỘC GIẢ XEM VIDEO: Những điều đặc biệt trong cuộc sống hàng ngày ở Nhật Bản
Những dấu tích còn lại
Là một người vợ xinh đẹp, thủy chung, có đủ công, dung, ngôn, hạnh, lại thường xuyên đứng ra giúp đỡ cho dân bản địa trong việc buôn bán với Việt Nam nên Ngọc Hoa được người dân Nhật yêu quý và ngưỡng mộ. Hiện Bảo tàng Nagasaki còn lưu giữ chiếc gương bà vẫn thường sử dụng. Có người cho rằng người dân Nagasaki ảnh hưởng văn hóa Việt Nam do chính Ngọc Hoa đã truyền lại cho họ, ví dụ như người dân ở đây thường ăn trên bàn tròn trải vải đỏ, trong khi truyền thống Nhật ăn trên bàn chữ nhật màu nâu. Người Nhật thường ăn uống theo khẩu phần riêng mỗi bữa ăn, mỗi người một khay nhỏ với nhiều đĩa thức ăn nhỏ, trong khi dân ở đây thường bày thức ăn trong đĩa lớn để mọi người cùng gắp ăn chung như người Việt.
Hằng năm, ở Nagasaki có nhiều lễ hội tôn vinh sự giao thương của người Nhật với nước ngoài, lễ hội Kunchi diễn ra từ ngày 7 đến 9-10 hằng năm có phục dựng lại mối tình đẹp của Araki Sotaro với Ngọc Hoa. Tại lễ hội người ta tạo hình một chiếc thuyền buôn với bé trai đóng vai Araki và bé gái đóng vai Ngọc Hoa, bé trai mặc trang phục truyền thống Yukata, còn bé gái mặc áo dài Việt Nam, con thuyền vượt trùng khơi rồi trở về với một cặp uyên ương. Chị Tuyết Mai, một Việt kiều Nhật, cho biết chị thường tới dự lễ hội này hằng năm, cứ mỗi năm là chiếc thuyền buôn của Araki lại được đóng mới, trang trí với hình thức khác và chiếc áo dài của bé gái đóng vai Ngọc Hoa cũng được thay đổi, rất đẹp và lộng lẫy. Giữa lòng nước Nhật nhìn bóng dáng tà áo dài Việt Nam bay phất phới, những người Việt Nam có mặt ở lễ hội đều không khỏi bồi hồi xúc động.
Năm 2014, Hội An chính thức đặt tên công nữ Ngọc Hoa cho con đường ngắn đi từ quảng trường sông Hoài, dọc theo bờ sông phía Bắc tới chùa Cầu. Dù là con đường nhỏ nhưng tên của một vị công nữ rất lạ như vậy khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên, tự hỏi Ngọc Hoa là ai mà lại được đặt tên đường.
Một câu chuyện tình đẹp
Thật ra Ngọc Hoa không có công trạng đặc biệt gì và rất ít người biết đến. Bà được đề nghị đặt tên đường để thể hiện cho tình hữu nghị bang giao Việt- Nhật, vì đây là một mối lương duyên đặc biệt.
Đầu thế kỷ 17, trong số thương nhân nước ngoài đến buôn bán ở Hội An có một thương gia người Nhật tên Araki Sotaro. Ông vốn là một samurai (võ sĩ đạo) rồi sau chuyển qua nghề buôn. Lúc này Nhật Bản bắt đầu mở cửa cho phép thương buôn ra nước ngoài, ông dẫn đầu các thương gia Nhật đến Việt Nam buôn bán. Ông được chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên tin cậy, cho đặt họ theo chúa, tên tiếng Việt là Nguyễn Thái Lang. Rồi tại Huế, năm 1619, ông gặp công nữ Ngọc Hoa, một người con gái đẹp, là con gái của chúa Sãi. Tình cảm hai bên mặn nồng, Araki được chúa Sãi gả con gái cho. Năm 1620, ông đưa vợ về Nhật. Tại quê nhà Nagasaki, bà được mọi người chào đón vì vẻ xinh đẹp kiều diễm, tính tình hiền hòa dễ thương. Tên của bà được đặt theo tiếng Nhật là Wukaku (Vương Gia Cửu) nhưng do bà thường gọi chồng bằng tiếng Việt “anh ơi, anh ơi” nên người Nhật đã gọi bà bằng tên thân mật là Anio-san, từ “Anio” phát âm giống như câu nói cửa miệng của bà khi gọi chồng. Sau này các cô gái xinh đẹp, dễ thương cũng đều được gọi là Anio-san.
Khi về nước, ông Araki đã gây dựng nên một trung tâm thương mại tại Motoshikhui - Machi ở Nagasaki. Công nữ Ngọc Hoa cũng tham gia giúp chồng quản lý công việc. 15 năm sau, ông Araki mất, Ngọc Hoa vẫn tiếp tục làm công việc sổ sách kế toán ở cơ sở kinh doanh của chồng. Bà cũng đã làm hết sức để hỗ trợ cho các thương nhân tại vùng Nagasaki, chủ yếu ở việc thúc đẩy mối quan hệ buôn bán với triều đình nhà Nguyễn. Vai trò của công nữ Ngọc Hoa quan trọng đến mức sau thời điểm 1645, khi bà mất, việc giao thương buôn bán giữa hai quốc gia đã bị gián đoạn suốt một thời gian rất dài mới được nối lại.
Không hiểu ngẫu nhiên làm sao, ngày công nữ Ngọc Hoa, tức quý bà Wukaku hay Anio-san, cũng là Phật tử Diệu Tâm qua đời, cũng cùng ngày và cùng tháng với chồng. Phải chăng họ quyến luyến với nhau đến nỗi cũng chọn cả ngày tháng giống nhau để mất, để ngày giỗ cũng là giỗ chung?