|
Ảnh minh họa. |
Đến nay, năm sinh và năm mất của Lê Phụng Hiểu vẫn chưa thống nhất, chỉ có thông tin ông thọ 77 tuổi. Quê ông ở Băng Sơn, tổng Dương Sơn, huyện Cổ Đằng, lộ Thanh Hoá (nay thuộc xã Hoằng Sơn, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa).
Ngay từ nhỏ, ông rất yêu thích và ham mê các môn võ thuật. Lớn lên, Lê Phụng Hiểu nổi tiếng là đô vật nức tiếng trong vùng, thuộc hạng dũng sĩ “bạt sơn cửu đỉnh” như Hạng Vũ, Phàn Khoán ở Trung Quốc.
Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng bấy giờ, làng Đàm Xá cậy đông người đã chiếm hết vùng đất màu mỡ mà lẽ ra phải thuộc về làng Cổ Bi. Lê Phụng Hiểu lúc đó chưa làm quan, đã đứng ra giúp làng Cổ Bi. Ông nói “một mình tôi có thể đánh được họ”. Các phụ lão làng Cổ Bi mừng lắm, bèn làm cơm rượu để thiết đãi Lê Phụng Hiểu.
Sau khi ăn hết một nồi cơm lớn, uống cả hũ rượu, Lê Phụng Hiểu đến "nói chuyện" với làng Đàm Xá. Dân làng kéo ra tấn công, ông cứ đứng thẳng lưng nhổ bật cây cối xung quanh mà quật. Dân làng bỏ chạy toán, buộc phải trả lại hết ruộng cho làng Cổ Bi. Từ đó, làng Đàm Xá không dám ỷ thế cậy đông mà chèn ép làng Cổ Bi nữa.
Vua Lý Thái Tổ nghe danh Lê Phụng Hiểu đã triệu ông vào triều bổ sung vào đội quân túc vệ, sau thăng dần đến chức Vũ vệ tướng quân. Ông đã để lại giai thoại về “nhát gươm định loạn” nổi tiếng trong lịch sử nước ta.
Sau khi vua Lý Thái Tổ băng hà (1028), linh cữu còn chưa kịp an táng thì ba vương khác (con trai vua) là Đông Chính vương, Dực Đức vương và Vũ Đức vương cùng đem quân về triều, mai phục trong cung để đánh úp thái tử Phật Mã - người được truyền ngôi trước đó.
Thái tử đến điện Càn Nguyên, nhận thấy có biến, bèn sai tùy tùng đóng hết các cửa điện, ra lệnh cho vệ sĩ sẵn sàng phòng giữ.
Thái tử Phật Mã là người nặng lòng nhân nghĩa, xót tình cốt nhục không muốn cảnh anh em chém giết lẫn nhau. Chỉ khi quân của ba vương vây rát quá, thái tử mới đành ủy thác việc chống đối cho các triều thần.
Lúc ấy, Lê Phụng Hiểu rút gươm chạy thẳng tới cửa Quảng Phúc và hô to rằng: “Bọn Vũ Đức Vương ngấp nghé ngôi báu, không coi vua kế vị vào đâu, trên quên ơn tiên đế, dưới trái nghĩa tôi con. Vì thế, thần là Phụng Hiểu xin dâng nhát gươm này”.
Lê Phụng Hiểu chém chết Vũ Đức vương. Đông Chính vương và Dực Thánh vương chạy thoát.
Sau khi dẹp xong loạn tam vương, Lê Phụng Hiểu mặc nguyên giáp trụ chạy về điện Càn Nguyên, báo tin với Phật Mã. Thái tử hết sức ca ngợi lòng trung dũng của ông, sau khi lên ngôi đã phong làm Đô thống thượng tướng quân, tước Hầu.
Sau này, Lê Phụng Hiểu tiếp tục lập được nhiều chiến công cho triều đình. Tên tuổi và công trạng của ông không những được sử sách lưu danh, mà còn được dân gian truyền tụng.
Nhiều làng xã ở xứ Kinh Bắc, nơi ông từng đóng quân đánh giặc, đã tôn thờ Lê Phụng Hiểu làm thành hoàng. Trong các trò chơi dân gian, môn vật được tổ chức để tưởng nhớ Đô thống thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu.