Vào năm 1788 tại Florence (Italy), Trung tướng Nga Ivan Zaborovsky đang tuyển mộ các sĩ quan nước ngoài vào quân đội Nga để chuẩn bị cho một cuộc chiến với Đế quốc Ottoman.
Một ngày nọ, Zaborovsky được thông báo rằng có một trung úy Pháp mang họ Bonaparte yêu cầu gặp riêng ông khẩn cấp.
Thông thường, một sĩ quan cấp tướng như ông sẽ không quan tâm đến đề nghị đó, nhưng viên sĩ quan được nhắc đến là người đảo Corsica và các tướng lĩnh Nga được chỉ thị phải đặc biệt chú ý đến các sĩ quan Pháp xuất thân từ hòn đảo này. Vì thế Zaborovsky đã đồng ý.
|
Tranh vẽ Napoleon Bonaparte (1769-1821) lúc 16 tuổi. (Ảnh: RBTH). |
Một trung úy 19 tuổi xanh xao, gầy gò và tiều tụy bước vào phòng của tướng Zaborovsky. Anh ta yêu cầu được chấp nhận phục vụ trong quân đội Nga với cấp bậc tương đương như đang giữ trong quân đội Pháp – điều này trái với các quy tắc mà chính Nữ hoàng Catherine Đại đế đã đưa ra. Zaborovsky là một vị tướng được vì nể và dày dạn kinh nghiệm.
Ông có thể cho phép một ngoại lệ cho một số tướng tá Pháp, nhưng với một trung úy thì thật khó.
Thất vọng trước sự từ chối của Zaborovsky, Bonaparte vội vàng rời khỏi phòng. Trên thực tế, anh ta gần như lao ra ngoài và hét lên đầy khinh thường: “Tôi sẽ nhập ngũ cho quân Phổ! Vua Phổ sẽ phong tôi làm đại úy! ”
Câu chuyện phía sau
Napoleon Bonaparte rời hòn đảo quê hương Corsica vào năm 1779, ngay trước khi tròn 10 tuổi, để đăng ký vào trường Quân sự tại thị trấn Brienne-le-Chateau ở miền Trung nước Pháp. Ông thể hiện năng lực vượt trội ở các môn toán, lịch sử, địa lý, và khi tốt nghiệp trường năm 1784, ông đã lựa chọn trở thành một sĩ quan pháo binh.
Napoléon được nhận vào học sơ cấp tại Trường Quân sự (Ecole Militaire) ở Paris, và tốt nghiệp trước thời hạn vào năm 1785 với cấp bậc thiếu úy. Ngay sau đó, ông bắt đầu phục vụ trong quân đội Pháp.
Vào đầu năm đó, cha của Napoleon là Carlo Bonaparte qua đời để lại gánh nặng nợ nần với chính phủ Pháp. Mặc dù không phải là con cả, nhưng Napoleon đã nhận lấy trách nhiệm gách vác gia đình. Không bao lâu sau khi khởi nghiệp nhà binh, ông đã phải xin giải ngũ để trở lại Corsica giúp đỡ gia đình đang gặp khó khăn.
Napoléon đã hai lần gia hạn thời gian giải ngũ và ngay cả sau khi trở lại phục vụ vào năm 1788 với cấp thiếu úy, chàng sĩ quan cũng phải sống tằn tiện để gửi phần lớn tiền lương về quê nhà cho mẹ.
Tuyệt vọng tìm cách khởi đầu lại cuộc đời binh nghiệp trì trệ của mình, Napoléon đã tính tới việc đăng ký nhập ngũ quân đội Nga.
Năm 1788, cuộc chiến tranh giữa Đế quốc Nga do Catherine Đại đế dẫn đầu và Đế chế Ottoman đang nổ ra. Trung tướng Ivan Zaborovsky được Catherine Đại đế cử đến Nam Âu để tuyển mộ các sĩ quan nước ngoài. Điều thu hút người châu Âu phục vụ Nga chính là tiền - quân đội Nga trả lương cao hơn nhiều so với bất kỳ quân đội châu Âu nào.
Zaborovsky được lệnh đặc biệt chú ý đến các sĩ quan đến từ Hy Lạp, Albania và Corsica – những dân tộc có lịch sử chiến tranh truyền kiếp với người Thổ Nhĩ Kỳ. Họ được mời gọi tham gia quân đội Nga để tiến hành “cuộc chiến của người Cơ đốc giáo chống lại những kẻ ngoại đạo”.
Tuy nhiên, trước đó không lâu, Catherine Đại đế đã ra lệnh chỉ chấp nhận người nước ngoài vào quân đội Nga bằng cách hạ cấp quân hàm của họ một bậc. Nếu chiểu theo quy định này, thì Napoleon đã phải trở thành một praporshchik - cấp bậc sĩ quan thấp nhất trong quân đội Đế quốc Nga.
Nhưng không, một Bonaparte đầy tham vọng sẽ không cho phép điều đó. Anh ta đã tốt nghiệp Trường Quân sự Paris, vì thế Bonaparte đã tìm cách lý luận trực tiếp với tướng Zaborovsky.
Kết cục
Cuối cùng, Napoleon đã không gia nhập quân Phổ như ông tuyên bố khi bực tức rời doanh trại của tướng Zaborovsky. Ông trở lại trung đoàn của mình và chỉ được thăng cấp trung úy vào năm 1791, sau khi Cách mạng Pháp nổ ra.
Tuy nhiên sau đó, sự nghiệp của chàng sĩ quan pháo binh đảo Corsica thăng hoa chóng mặt. Ông quay trở lại Corsica, gia nhập Vệ binh Quốc gia Pháp và sớm được thăng cấp trung tá. Sau đó bị giáng cấp xuống đại úy, nhưng vào năm 1793, sau chiến công nổi tiếng trong Cuộc vây hãm Toulon, Napoleon được thăng cấp lữ đoàn trưởng.
Năm 1812, khi quân đội của Napoleon tiến vào Nga, tướng Ivan Zaborovsky, lúc này đã 77 tuổi, đang sống ở Moskva và là thượng nghị sĩ tại Thượng viện của Đế chế Nga. Ở độ tuổi đó tất nhiên ông không thể chỉ huy hay tham gia các trận chiến.
Vì vậy, giống như hầu hết các quý tộc ở Moskva, Zaborovsky phải chạy trốn về vùng nông thôn. Zaborovsky vẫn còn sống để chứng kiến Napoléon bị đánh đuổi khỏi Nga. Ông qua đời năm 1817.