Tờ HK01 của Hồng Kông (Trung Quốc) từng có bài viết ca ngợi võ công của huyền thoại phái Võ Đang Phó Chấn Tung. Đây là cao thủ từng được liệt vào nhóm "Ngũ hổ tướng" ở làng võ thời Trung Hoa Dân Quốc, sở hữu nội công phi phàm. Cho tới nay, nhiều giai thoại về nhân vật này vẫn còn được lưu truyền trong giới võ lâm ở Trung Quốc.
Cao thủ từng dùng tuyệt kỹ đánh chết tướng cướp khiến võ lâm "dậy sóng"
Theo tài liệu trên Baidu thì Phó Chấn Tung sinh năm 1881, mất năm 1953, là đệ tử nổi tiếng nhất của huyền thoại võ thuật Đổng Hải Xuyên (người sáng lập Bát Quái Chưởng ở Trung Quốc). Phó Chấn Tung từng sáng lập ra một hệ thống quyền thuật riêng có tên là Phó Thị Bát Quái Chưởng. Theo Baidu, ông là "võ sư trứ danh và có tầm ảnh hưởng lớn với võ thuật Trung Quốc hiện đại, một bậc thầy vĩ đại!".
Theo một số tài liệu được các nhà nghiên cứu võ thuật ở Trung Quốc ghi chép lại, vào năm 1909, Phó Chấn Tung mới 19 tuổi đã một mình làm 30 tên cướp phải khiếp đảm. Trong cuộc chiến năm đó, ông đã đoạt mạng tên tướng cướp chỉ bằng đúng một đòn hiểm.
Chuyện xảy ra tại một ngôi làng nhỏ thuộc huyện Thấm Dương, tỉnh Hà Nam (vùng quê mà Phó Chấn Tung sinh ra). Những năm đầu thế kỷ 20, người dân ở ngôi làng này phải sống trong hoàn cảnh cơ cực do ảnh hưởng bởi thời cuộc loạn lạc, sự bóc lột của tầng lớp địa chủ và đặc biệt là nạn cướp hoành hành.
Vào ngày 3/8/1909, một băng cướp gồm 30 tên bất ngờ bao vây ngôi làng, chuẩn bị càn quét. Phó Chấn Tung năm đó mới 19 tuổi, vì thấy tình hình nguy cấp đã kêu gọi thanh niên trai tráng trong làng đứng lên bảo vệ. Hàng chục thanh niên trang bị hung khí ra khỏi làng.
Thế nhưng, khi đối mặt với toán cướp hung hãn, mọi thanh niên trong làng liền sợ hãi ngoại trừ Phó Chấn Tung. Cả đám cùng lùi về sau hoặc rút lui, chỉ còn mỗi Phó Chấn Tung đứng đối diện với băng cướp. Phó Chấn Tung bị bao vây từ 3 mặt.
Phó Chấn Tung không hề nao núng. Ở vào tình thế nguy cấp, Chấn Tung đột nhiên như được khơi dậy sức mạnh siêu nhiên trong con người của mình. Ông dùng cây trường côn trên tay thi triển những đòn thế như xuất quỷ nhập thần, khiến hơn chục tên cướp bị thương trong thoáng chốc.
Giữa màn tả xung hữu đột, cây côn của Phó Chấn Tung bất ngờ bị gãy. Vài thanh niên trong làng đứng phía sau vô cùng sợ hãi. Họ nghĩ rằng Phó Chấn Tung sẽ phải đối diện với cái chết bởi đám cướp còn lại vẫn còn tới gần hai mươi tên, tên nào cũng lăm lăm hung khí.
Lúc này, lợi dụng việc Phó Chấn Tung bị gãy chiếc côn, tên thủ lĩnh băng cướp với thanh đao trên tay đã lao tới, toan chém Chấn Tung một nhát chí mạng. Thế nhưng, khi tên tướng cướp còn chưa kịp hạ đao, Chấn Tung đã kịp xoay người, dùng đoạn côn bị gãy đâm một cú trúng vào chấn thủy của đối thủ. Tên tướng cướp gục xuống, chết tại chỗ. Đến lúc này, nhóm cướp như rắn mất đầu, tất cả chạy thục mạng.
Phó Chấn Tung trở về làng như một người hùng. Cũng sau trận tử chiến hôm đó, nhiều thanh niên trai tráng trong làng đã tới xin được ông truyền dạy võ công.
Sau khi đã trở nên nổi tiếng, vào một ngày nọ, Đồng Thiên Cân - vị cao thủ nổi danh ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc (được ca ngợi là có thể tạo ra sức mạnh ngàn cân, nên lấy tên là "Thiên Cân") đã tìm gặp Chấn Tung với dụng ý thử nghề, để xem công phu và bản lĩnh của Chấn Tung lớn tới đâu. Đồng Thiên Cân đề nghị rằng ông sẽ nắm chặt 2 tay của Chấn Tung để xem đối thủ có thể thoát khỏi nó không.
Chấn Tung vì kính trọng bậc tiền bối nên có ý từ chối màn thử tài. Thế nhưng, Đồng Thiên Cân không để Chấn Tung rời đi mà chưa thử được bản lĩnh của đối thủ. Trước động thái kiên quyết của Đồng Thiên Cân, Chấn Tung bất đắc dĩ nhận lời.
Khi bị tóm chặt hai tay, Chấn Tung đành vận nội lực của mình lên đỉnh cao. Đôi tay của ông như biến thành sắt thép, có sức công phá khủng khiếp khiến Đồng Thiên Cân dù có "sức mạnh ngàn cân" cũng không tài nào giữ nổi. Đồng Thiên Cân chắp tay bái phục và khen Chấn Tung "nội công bất phàm".
Thân thủ nhẹ như chim én, sức vóc như mãnh hổ
Theo Baidu thì Phó Chấn Tung luyện võ từ nhỏ dưới sự truyền dạy của Đổng Hải Xuyên. Chỉ trong vòng hơn 10 năm, với tố chất hơn người, Phó Chấn Tung gần như lĩnh hội hết những tinh hoa được sư phụ chân truyền.
Không chỉ lĩnh hội công phu của Đổng sư phụ, Phó Chấn Tung còn kết giao và học nghệ thêm nhiều tuyệt kỹ của các võ sư lừng danh, trong đó có Bát Cực Quyền của Lý Thư Văn (một huyền thoại võ thuật ở Trung Quốc đầu thế kỷ 20).
Có lần, một nhà vô địch về đấu vật cũng tới thách đấu Phó Chấn Tung. Khi hai bên thử tài, võ sĩ đấu vật luôn cố gắng để ném Chấn Tung từ phía sau ra phía trước bằng đòn xoay lưng của mình. Thế nhưng, khi đối thủ định thực hiện chiêu thức đó, Phó Chấn Tung lập tức vận công, khiến cơ thể của ông nặng như ngàn trượng. Võ sĩ đấu vật sau khi cố gắng hết sức vẫn không khiến Chấn Tung nhúc nhích, đã chấp nhận chịu thua.
Với công phu đỉnh cao, Phó Chấn Tung nổi danh khắp Trung Quốc. Có lần, ông đến Quảng Châu để dạy võ cho một số đệ tử rồi lập tức khiến giới võ thuật phải trầm trồ. Sau khi luyện công với đám đệ tử, Phó Chấn Tung ngồi thưởng trà, khi thấy các học trò thay nhau trèo lên chiếc cân, ông cũng ngỏ ý muốn đứng lên cân rồi yêu cầu môn đệ cùng xem trọng lượng của ông thay đổi thế nào. Thế rồi, cả đám đệ tử đã vô cùng kinh ngạc khi thấy Phó Chấn Tung vận khí để khiến trọng lượng cơ thể của ông giảm đi chỉ còn một nửa.
Một lần khác, Phó Chấn Tung cùng Lý Thư Văn cùng nhau đối ẩm và đàm đạo về võ học. Trong lúc cao hứng, Phó Chấn Tung bật phắt dậy để thi triển quyền cước. Ông chỉ cần bật nhẹ một cú đã đá vỡ tan viên ngói trên mái nhà, sau đó đấm một cú bể cả phiến đá. Lý Thư Văn rất khoái chí liền vỗ tay rồi ca ngợi Phó Chấn Tung là người "có thân thủ nhẹ như chim én, sức vóc mạnh như mãnh hổ".
Trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Nhật Bản, Phó Chấn Tung cũng để lại nhiều đóng góp lớn thông qua việc dạy võ cho lực lượng quân đội, đặc biệt là những kỹ năng dùng kiếm để chiến đấu. Thời kỳ này, ông kết giao và trở thành bằng hữu với một huyền thoại võ thuật khác - Tôn Lộc Đường.
Theo tờ Baidu, Phó Chấn Tung là người có đóng góp đặc biệt nền võ thuật Trung Quốc, được hậu bối ca tụng là "hiền nhân của võ thuật dân tộc". Thế nhưng, vào năm 1953, Phó Chấn Tung ở độ tuổi thất thập bất ngờ bị ngã sau một màn thi triển nội công. Ông được đưa vào Bệnh viện Công nhân Quảng Châu để cấp cứu. Các bác sĩ chẩn đoán rằng ông bị xuất huyết não.
Sau 5 ngày nằm hôn mê trong bệnh viện, ông trút hơi thở cuối cùng vào ngày 1/5/1953, hưởng thọ 72 tuổi.