Cuộc đời kỳ lạ của nhà tiên tri nổi tiếng Vanga: Sự bất hạnh

Google News

Cô bé Vanga 12 tuổi cũng phải làm việc nhà. Cô cưỡi chú lừa con vào làng chở sữa về trong hai bao da.

Một lần vào mùa hè, trên đường trở về làng, Vanga cùng với hai em gái họ rẽ vào một suối nước nằm ở ngoài cánh đồng, cách đường cái không xa. Không ai biết điều gì đã diễn ra ở đấy.
Cháu họ của nhà tiên tri Vanga, Krasimira Stoyanova, kể lại sự việc này như sau:
“Bỗng nhiên một trận cuồng phong ập đến. Bầu trời tối sầm, gió thổi điên loạn quật gãy các cành cây, những cây non bật gốc cùng với đất cát bị gió ném ra xa trên cánh đồng. Một cột bụi khổng lồ dựng lên cao chót vót tận bầu trời. Bụi, đất, cành cây và lá hòa lẫn với nhau tạo thành một cơn lốc khủng khiếp quật hai chị em đang lặng người đi vì khiếp sợ ngã xuống cách nguồn nước không xa, còn Vanga bị cuốn về phía cánh đồng. Không biết cơn cuồng phong kéo dài bao lâu? Không ai còn nhớ điều đó. Một lúc sau, người ta tìm thấy Vanga nằm bất tỉnh, bị bụi, đá và cành cây vùi lấp trên cánh đồng. Cô dường như mất trí vì sợ hãi, hai con mắt đau đớn khủng khiếp vì bị cát bụi lấp đầy không làm sao mở ra được”
Cuoc doi ky la cua nha tien tri noi tieng Vanga: Su bat hanh
Vanga thời trẻ. 
Khi Vanga được đưa về nhà, mọi người tìm mọi cách chăm sóc, chữa trị cho cô, nhưng vô hiệu. Ông bố hết sức tuyệt vọng. Ông tự trách mình đã chuyển gia đình về Novo-Selo. Ông cho rằng, nếu ở quê cũ có thể đã không xảy ra tai họa như vậy. Cuộc sống ở nhà người em trai không những không trở nên dễ chịu đối với con gái và gia đình mà còn gây ra nhiều khó khăn mới. Ông Pande quyết định trở về Strumitsa, và tìm cách chữa bệnh cho con.
Tin về vụ tai nạn nhanh chóng lan ra khắp cả vùng. Những người quen lẫn không quen biết đều tìm cách giúp đỡ trong chừng mực có thể: họ giới thiệu với ông Pande các loại thảo dược và thuốc bôi hiệu nghiệm đã từng gặp trong cuộc sống của mình. Nhưng trường hợp tương tự như đã xảy ra với Vanga thì cả họ lẫn những người già cũng chưa bao giờ được chứng kiến, nói gì đến chuyện giúp đỡ…
Ông Pande đến gặp bác sĩ. Ông ta nói rằng tình hình rất nghiêm trọng, mắt Vanga bị viêm nặng và cần phải mổ gấp để phục hồi thị lực.
Ông bố đã quyên góp được khá nhiều tiền để điều trị cho con. Ở Skopla, Vanga được làm phẫu thuật, nhưng không có kết quả. Chiếu cố tình trạng bệnh tật của cô bé và hoàn cảnh kinh tế khó khăn của gia đình, Vanga được làm phẫu thuật thêm một lần miễn phí. Nhưng cũng vô hiệu.
Các thầy thuốc khuyên ông Pande đưa con gái đi làm phẫu thuật một lần nữa ở Beograd.
Lại le lói tia hy vọng, và ông bố đồng ý. Ngày làm phẫu thuật được ấn định, nhưng ông Pande mới chỉ vay được một số tiền ít ỏi, 5000 dinar.
Ông Pande rơi vào tuyệt vọng vì không biết làm thế nào kiếm đủ số tiền. Bản thân ông gần như là kẻ ăn mày. Không thể vay được một số tiền lớn như vậy, những người hàng xóm cũng không có.
Hoàn cảnh trở nên hết sức bi đát. Bỗng lúc đó ông Pande sực nhớ rằng trước đây bà ngoại của Vanga, mẹ vợ đầu của ông, hứa cho cháu ngoại một mảnh đất. Và mặc dù sau khi mẹ của Vanga qua đời, quan hệ giữa bà mẹ vợ và con rể trở nên căng thẳng, ông vẫn đến nhờ bà giúp đỡ. Ông Pande xin bà ngay lập tức bán mảnh đất lấy tiền cho cháu làm phẫu thuật. Nhưng ngay cả nỗi bất hạnh cũng không làm lung lay bức tường ghẻ lạnh đã mọc lên giữa họ, và bà mẹ vợ dứt khoát từ chối giúp đỡ.
Trong khi đó, thời điểm làm phẫu thuật đã cận kề. Ông Pande bán tất cả những gì còn lại: chiếc máy khâu – kỷ vật về người vợ đầu tiên, và cả con cừu độc nhất. Ngoài ra trong nhà không có gì nữa. Cộng thêm một ít tiền vay mượn. Nhưng tất cả những gì ông nhặt nhạnh được một cách khó khăn như vậy cũng may ra mới trang trải được một nửa số tiền cần thiết.
Được biết một người hàng xóm giàu có chuẩn bị đến Beograd thăm con trai, Pande quyết định nhờ ông ta đưa Vanga đi làm phẫu thuật, bởi vì ông không đủ tiền tự mình đưa con gái đi. Người hàng xóm đồng ý giúp đỡ ông Pande khốn khổ. Họ đến bệnh viện một ngày trước khi Vanga làm phẫu thuật.
Người hàng xóm gặp bác sĩ và chuyển số tiền của Pande quyên góp được. Bác sĩ nổi giận vì một quý ông đường hoàng, ăn mặc lịch sự như vậy mà lại trả cho ông ta một số tiền công quá ít ỏi. Ông ta cho rằng người bà con giàu có này đã ăn bớt tiền của cô bé nghèo. Không hé răng với người hàng xóm, chiều hôm đó bác sĩ gọi Vanga vào phòng làm việc và nói:
“Này cô bé, sáng mai ta sẽ phẫu thuật cho cháu, nhưng vì bố cháu chỉ mang tới một nửa số tiền, vì vậy ta sẽ làm một “nửa” phẫu thuật. Bao giờ bố cháu nộp đủ tiền, ta sẽ mổ nốt mắt bên kia!”.
Rõ ràng, ông ta nói điều đó trong cơn tức giận.
Sau cuộc phẫu thuật đó, Vanga có thể nhìn được chút ít. Bác sĩ nói rằng để tiếp tục cải thiện sức khỏe cô bé cần ăn uống đầy đủ, yên tĩnh và vệ sinh sạch sẽ. Nhưng gia đình vẫn nghèo khổ như xưa. Tất nhiên, họ không có điều kiện cần thiết để phục hồi sức khỏe của Vanga.
Năm 1924, gia đình lại có thêm người, và bây giờ họ đã có 5 nhân khẩu. Cậu bé mới sinh được đặt tên là Toms. Để nuôi sống gia đinh ông bố đã phải làm việc cật lực. Ông buộc phải đi cày thuê cuốc mướn ở các làng. Vợ ông làm ruộng, còn Vanga là chị cả phải làm nội trợ và trông nom các em.
Hoàn cảnh đó vốn rất khó khăn ngay cả đối với người khỏe mạnh, còn đối với một cô bé yếu ớt lại gần như mù lòa thì quả là hết sức gay go. Tình hình càng ngày càng tệ - mắt Vanga lại mờ đi, và cô bé hoàn toàn bị mù. Bây giờ là vĩnh viễn.
Đối với Vanga và tất cả những người ruột thịt của cô đây là một thảm kịch thực sự. Vốn là một cô bé đã can đảm chịu đựng bao nhiêu nỗi thống khổ với hy vọng hồi phục sức khỏe, Vanga bắt đầu cảm thấy tuyệt vọng. Bao nhiêu đêm liền cô đã khóc và cầu nguyện Thượng đế giúp đỡ, hy vọng vào điều kỳ diệu. Nhưng tất cả vẫn không có gì thay đổi.
Biết bao nhiêu ngày tháng đằng đẵng không thể chịu nổi nối nhau qua. Vanga hoàn toàn bất lực và càng thêm đau khổ vì không những không thể giúp đỡ gì cho bố mẹ mà còn trở thành gánh nặng. Còn họ thì hoàn toàn kiệt sức.
Tưởng như không thể tìm thấy lối thoát nào nữa khỏi tình thế khó khăn. Nhưng một lần, những người hàng xóm mách với họ rằng ở thành phố Zemun ( Serbia) có Trường dành cho người mù, nơi học sinh được chăm sóc chu đáo. Nếu Vanga được nhận vào đó thì sẽ rất tốt. Ông Pande bắt đầu tìm cách xoay xở.
Năm 1925, Trường người mù đồng ý tiếp nhận Vanga. Một bước ngoặt trong cuộc đời đã diễn ra với cô bé. Vanga đã tròn 15 tuổi. Điều gì sẽ chờ đợi cô ở cái thành phố xa lạ giữa những con người xa lạ? Cô sẽ phải sống xa gia đình và những người thân bao lâu? Mỗi lần nghĩ về điều đó và về cuộc chia tay với gia đình, nước mắt cô bé tự nhiên trào ra.
Cuộc chia tay diễn ra vào một buổi sáng mùa xuân đẹp trời. Vanga bé nhỏ, gầy gò trở nên hết sức bối rối. Cô cố mường tượng trong ký ức tất cả những hình ảnh thân thuộc. Giờ đây cô cảm nhận thế giới bằng thính giác. Trước đây cô không ngờ rằng thế giới âm thanh phong phú đến như vậy.
Một làn gió nhẹ luồn qua bờ giậu, khẽ lay những khóm thiên trúc quỳ và đinh tử hương. Những chú mèo chạy trên vạt cỏ non, mặt trời tỏa ánh nắng xuống ngọn cây mận, một tia nắng vờn trên má Vanga. Những cảm giác đó in đậm trong ý thức của Vanga, và cô bé nhớ mãi suốt cuộc đời.
Theo SKĐS

>> xem thêm

Bình luận(0)