Cụ Nguyễn Khuyến quê làng Vị Hạ (nay thuộc xã Trung Lương, Bình Lục, Hà Nam). Cụ là người nuôi chí học hành để giúp dân, giúp nước và đạt đến vinh dự cao nhất trong nghiệp thi cử khi đỗ đầu cả 3 kỳ thi (Hương, Hội, Đình). Tuy nhiên, đỗ đạt rồi ra làm quan cụ mới thấy chán ngán thế sự khi thực dân Pháp đang xâm chiếm dần dần đất nước mà triều đình Huế thì hèn nhát cam chịu.
Vì thế, làm quan vừa đúng 10 năm, cụ cáo quan về quê làm bạn với nghề dạy học, ngâm thơ. Sống vui vầy giữa xóm làng, cụ nhiều lần viết đại tự, tặng câu đối cho bà con lối xóm. Điều đó là chuyện bình thường với một người khoa danh như cụ. Tuy nhiên, mỗi lần cho chữ, viết câu đối tặng người thân quen của cụ là một giai thoại kỳ thú.
Cụ Nguyễn Khuyến. Ảnh Tư Liệu.
Trong cuốn sách "Nguyễn Khuyến và giai thoại" của Hội Văn học nghệ thuật Hà Nam Ninh ấn hành năm 1987, do Bùi Văn Cường sưu tầm, biên soạn có chuyện kể rằng: Ở một làng nọ bị hỏa hoạn cháy mất cả đình làng. Khi dựng lại đình, kỳ mục làng đến xin cụ Tam Nguyên mấy chữ về treo để trấn thần hỏa vì người ta tin rằng cụ là một vị thần sống nên chữ của cụ có thể cảm động được cả thần linh. Nghe những người đến xin chữ nói rõ sự tình, cụ liền lấy cây bút đại tự viết lên lụa điều một chữ "Nhất" rất lớn, có hai đầu phình ra, giữa thót lại. Cụ dặn đem về treo ngược lên giữa cửa đình. Chẳng ai hiểu ý nghĩa ra sao nhưng không dám hỏi mà cứ y lời đem về treo lên.
Thời gian sau, ở làng kia không còn thấy xảy ra hỏa hoạn nữa, người ta tin là do phép mầu nhiệm từ đạo bùa của cụ Tam Nguyên nên làng bèn biện lễ và cử quan viên đến tạ ơn cụ. Hôm ấy có người đánh bạo hỏi cụ ý nghĩa của chữ "Nhất" trên đạo bùa. Nghe vậy cụ hỏi lại:
- Các ông thấy chữ "Nhất" ấy có giống cái chày không?
Ngay lúc đó, đám người cùng đồng thanh rằng rất giống.
Đến lúc ấy cụ mới cười rồi thủng thỉnh bảo:
- Cái chày mà treo đứng là "chày đứng" mà chày đứng tức là đừng cháy. Chỉ có thế thôi!
Cũng trong cuốn sách trên có kể lại giai thoại về một anh chàng chỉ làm nghề trông coi chợ nhưng lại ham chức quyền. Anh ta vừa mới bỏ tiền ra để mua chức Phó lý và cũng vừa dựng được ngôi nhà ở gần chợ lại gần sông. Chuẩn bị đến ngày tân gia, anh này đến xin cụ Tam Nguyên đôi câu đối. Vốn biết dăm ba chữ Hán, anh ta xin cụ cho câu đối bằng chữ Hán.
Khi vừa mới xin được đôi câu đối về tới nhà, anh ta đã vội khoe với vợ nhưng lại bị người vợ trách vì sao không xin câu đối bằng chữ Nôm cho dễ hiểu. Rồi chẳng đợi chồng thỏa thuận, chị vợ chạy ngay đến nhà cụ Tam Nguyên thưa lại là xin câu đối bằng chữ Nôm. Thấy chuyện ngộ nghĩnh, cụ làm bộ khó khăn và nói:
- Lôi thôi nhỉ! Anh thích chữ Hán, chị thích chữ Nôm, khó chiều quá! Thôi thì thế này, tôi viết cho vừa cả lòng anh, lòng ả nhá. Nói rồi cụ kêu lấy giấy bút và ghi:
Nhất cận thị, nhị cận giang, thử địa tịch tằng xưng tị ốc.
Giàu ở làng, sang ở nước, nhờ trời nay đã vểnh râu tôm.
Cái hay của câu đối là ở đầu mỗi câu có một câu tục ngữ và dù là một vế chữ Hán, một vế chữ Nôm nhưng lại đối nhau chan chát: Làng với thị, giang với nước. Hay nhất là mấy chữ cuối của hai vế: Xưng tị ốc - xưa từng thịnh vượng đối với vểnh râu tôm vừa nói được nỗi mừng vừa tả được sự hãnh diện của vợ chồng anh coi chợ.
Lời bàn:
Nguyễn Khuyến không chỉ là một hiền tài quốc gia, một cây đại thụ văn chương, một gương sáng về đạo đức, ông còn là người thầy, người bạn, người chồng, người cha, là "nóc" của một gia đình tiêu biểu ở nông thôn Việt Nam xưa. Ông sống trọn đời trong quan hệ đằm thắm, thủy chung với "người vợ quê" hiền thục, đảm đang. Người phụ nữ Việt Nam ấy đã trở thành một hình tượng hiếm hoi, bất hủ trong văn học Việt Nam.
Không chỉ là một tâm hồn Việt Nam tiêu biểu, Nguyễn Khuyến còn là con người ưu tú, một nhân cách Việt Nam tiêu biểu ở thời đại bấy giờ. Với nhãn quan chính trị sắc bén của một bậc hiền triết, ông đã nhìn rõ chân tướng của thời đại lúc bấy giờ. Để giữ vững phẩm cách của một sĩ phu nhân cách và một người yêu nước chân chính, ông đã dứt khoát vứt bỏ mọi thứ vinh hoa phú quý, treo ấn từ quan, giả đui giả điếc, quay trở về nơi thôn dã sống với nhân dân. Và ông đã làm một việc mà trước ông chưa ai làm: Chọn "thơ trào phúng" làm vũ khí chống lại sự suy thoái về mọi mặt của xã hội đương thời, chống lại triều đình nhu nhược, bọn gian tà theo giặc tàn hại đồng bào, dân tình thống khổ. Chính điều này đã làm hình ảnh cụ Tam Nguyên Yên Đổ mãi mãi sống trong tâm tưởng của mọi thế hệ người Việt Nam.
* Tiêu đề bài viết đã được biên tập lại