Chuyện vị Thái tử đời Lý bị phế truất vì yêu cả phi tử của Vua cha

Google News

Hoàng đế Lý Anh Tông từng phế truất một vị Thái tử khác, cũng chỉ vì thói ăn chơi vô luân.

Sách Đại Việt sử lược ghi nhận Hoàng đế Lý Anh Tông có ít nhất 6 người con, một trong những người được sử sách chép kỹ nhất là Thái tử Lý Long Xưởng (1151-?), con Chiêu Linh Hoàng hậu Vũ Thị.
Lý Long Xưởng sinh năm Tân Mùi (1151) là con trưởng của vua Lý Anh Tông, được Anh Tông cho lập làm đông cung thái tử. Với thái tử Long Xưởng, ngôi vị hoàng đế Đại Việt tương lai kể như đã cầm chắc trong tay. Thế nhưng, từ khi được lập làm thái tử, Lý Long Xưởng chỉ lo hoang chơi.
(Ảnh minh họa) 
Sự thể quả đúng là "gió nhà ai, quai nhà nấy", Vua Anh Tông cũng nổi tiếng ăn chơi một thời. Trong Việt sử tiểu án, sử gia Ngô Thì Sĩ đã phải thốt lên rằng: "ơn trạch của họ Lý đến đây tiêu ma hết cả".
Thế nhưng, kẻ nổi tiếng ăn chơi này cũng phải chào thua con mình.
Long Xưởng hơn hẳn vua cha ở chỗ, không chỉ ăn chơi mà còn hoang dâm vô độ, đến nỗi bất chấp cả sự loạn luân.
Năm Giáp Ngọ (1174), Long Xưởng thông dâm với cả cung phi của Anh Tông. Sách Đại Việt sử lượng (quyển 3, tờ 8-a) chép rằng:
Long Xưởng có tính hiếu sắc, trong cung có những cung nữ được vua yêu dấu, Long xưởng đều tư thông với họ. Vua lại ghét Long Xưởng vô lễ. Bà nguyên phi Từ thị được Vua yêu, Hoàng hậu bèn sai Long Xưởng ngầm giở ngón đòn tư tình để mê hoặc Từ thị, muốn cho bà Từ thị đó bị Vua nhạt tình. Từ thị đem hết việc đó tâu Vua, Vua nhân đó mà giận dữ, phế Long xưởng đi".
Sách Đại Việt sử kí toàn thư còn cho biết, vào tháng 9 năm Giáp Ngọ (1174), Lý Long Xưởng bị phế làm thứ dân và bị bắt giam một thời gian. Sau đến đời Vua Lý Cao Tông, vào năm Tân Sửu (1181), Long Xưởng ra tù, nhưng lại tụ họp bọn bất lương cướp bóc bừa bãi.
Lời bàn:
Thời Tiền Lê có Long Đĩnh, thời Lý lại có Long Xưởng, đất nước phải hai phen kinh hoàng. Nhưng, khác hẳn với thời Tiền Lê, thời Vua Lý Anh Tông quả là vô cùng khéo góp: Vua cha hoang chơi, Thái tử hoang dâm, Hoàng hậu thì vì chút lợi riêng mà xúi con mình làm điều vô đạo. Cha ấy, mẹ ấy thì con ấy, nào có lạ gì đâu. Vua Lý Anh Tông phế Long Xưởng xuống hàng thứ dân, thế là trong cái sai, còn có thêm cái sai nữa, bởi vì làm thứ dân mà thất đức cũng không thể làm nổi.
Ai là người lên thay Long Xưởng làm Thái tử?
Hả giận sau khi phế truất Long Xưởng, khoảng gần một năm sau đó, vào tháng Giêng năm Ất Mùi (1175), Vua Lý Anh Tông quyết định tấn phong cho hoàng tử Lý Long Trát, con Thục phi Đỗ Thụy Châu, đứa con mà Vua rất yêu quý, lên làm Thái tử, cho ở Đông cung. Năm ấy Lý Long Trát mới 2 tuổi.
Ngay trong năm đó, tháng 7, ngày Ất Mùi, Vua Anh Tông băng hà ở điện Thụy Quang, thọ 39 tuổi. Thái tử Long Trát lên kế vị, hiệu là Lý Cao Tông, đời Vua thứ 7 của triều đại nhà Lý.
Lúc mới lên ngôi, do còn nhỏ, Vua Lý Cao Tông được quan nhiếp chính Tô Hiến Thành tài giỏi phò giúp. Việc nước vì thế mà cũng thuận lợi. Tuy nhiên mọi chuyện thay đổi hoàn toàn khi Cao Tông trưởng thành, chính thức nắm mọi quyền hành.
Khi còn nhỏ, Cao Tông là người ngoan lành, song khi lớn lên bắt đầu trực tiếp cầm quyền trị nước lại sinh ra ham mê săn bắn, chính sự pháp luật không rõ ràng, vơ vét của dân xây nhiều cung điện, bắt trăm họ xây dựng phục dịch nên trộm cướp nổi lên khắp nơi.
Đỉnh điểm, năm 1208, nạn đói kém hoành hoành, người chết đói hàng loạt. Nhà vua vẫn bàng quan, rong chơi vô độ, tiêu tiền như nước, xây đền đài không ngớt...
Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư nhận định về Lý Cao Tông: Ở trong mê sắc đẹp, ra ngoài mê săn bắn, ham rượu, thích nhạc, xây nhà cao, trổ tường đẹp, phạm một trong các điều ấy tất phải bại vong. Vua phạm đủ các điều ấy, còn nói gì được nữa? 
Theo Việt Sử Giai Thoại

Bình luận(0)